Xe buýt ở Lâm Đồng - biết rồi khổ lắm nói mãi!

19/09/2007 14:32 GMT+7

Ra đời và đi vào hoạt động từ đầu năm 2006, phải nói hệ thống xe buýt đã giải quyết phần lớn nhu cầu đi lại của người dân Lâm Đồng. Tuy nhiên cũng chừng ấy thời gian, nhiều vấn đề “đáng bàn” đã xuất hiện, cần được khắc phục.

Nhà chờ - "Cha chung không ai khóc"?

Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 3 đơn vị khai thác xe buýt là Công ty (Cty) Cổ phần Vận tải ô tô Lâm Đồng, Cty TNHH Thái Hòa và Cty TNHH Phương Trang Đà Lạt. Ngoài các tuyến Đà Lạt - Thái Phiên, Lạc Dương của Cty Phương Trang thì chủ yếu các Cty khai thác các tuyến Đà Lạt - Đức Trọng, Đơn Dương  (Cty CP vận tải ô tô Lâm Đồng), Đà Lạt - Bến xe Hà Giang thị xã Bảo Lộc (Cty Thái Hòa) và Đà Lạt - Đại Lào, Đơn Dương (Cty Phương Trang).

3 đơn vị này có tổng cộng khoảng 70 đầu xe đang hoạt động với vốn đầu tư từ 300 - trên 600 triệu đồng/xe. Thế nhưng điều mà người dân quan tâm và có nhiều ý kiến nhất lại là… nhà chờ xe buýt. Hiện trên các tuyến đường có khoảng hơn 80 trạm dừng xe buýt (trong nội thị không quá 700m có một trạm dừng, ngoài quốc lộ thì không quá 3km) nhưng không hề có một nhà chờ nào. Hành khách phải khổ sở khi đợi xe buýt, nhất là lúc trời mưa.

Kẻ đứng, người ngồi trên... hành lý khi chờ xe buýt

Được biết, vốn đầu tư để xây dựng một nhà chờ vào khoảng 20 triệu đồng. 3 đơn vị, với số lượng đầu xe khá hùng hậu đến thế mà vẫn để hành khách, kể cả các em học sinh phải dầm mưa dãi nắng khi chờ xe. Phải chăng vì “cha chung nên không ai khóc”?!

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết, nhà chờ xe buýt là công trình công cộng nhà nước phải đầu tư nhưng hiện không còn vốn để thực hiện việc này. Hiện nay Sở đang đề xuất UBND tỉnh xem xét chủ trương cho xã hội hóa đầu tư nhà chờ xe buýt (ai đầu tư thì được quảng cáo ở đó) và cũng đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng còn chờ chủ trương của tỉnh…  

Biểu đồ chạy xe - chẳng ai thực hiện

Mới đây cơ quan chức năng đã kiểm tra việc tham gia vận chuyển hành khách của các xe buýt trên quốc lộ 20 đi qua địa bàn các huyện Đức Trọng, Di Linh, thị xã Bảo Lộc và quốc lộ 27 qua địa bàn huyện Đơn Dương. Qua kiểm tra, phát hiện tình trạng xe của 3 Cty trên đều dừng đón - trả khách rất tùy tiện.

Theo biểu đồ chạy xe hằng ngày ở mỗi đầu tuyến, tuyến xe buýt Đà Lạt - bến xe Hà Giang (Bảo Lộc) có 30 chuyến, tuyến xe Đà Lạt - Đại Lào có 28 chuyến, tuyến Đà Lạt - Đơn Dương 37 chuyến. Thực tế cho thấy biểu đồ này chưa hợp lý; thậm chí các điểm đầu và điểm cuối tuyến chưa có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về giờ xe xuất - nhập bến. Vì không cần thực hiện đúng thời gian xuất - nhập bến nên đã có tình trạng tranh giành khách trên đường, chạy quá tốc độ và bỏ chuyến, lượt trong ngày.

Dù đã được ủy quyền điều hành hoạt động xe buýt tại Bến xe nội thành Đà Lạt, nhưng qua kiểm tra của ngành chức năng thì Ban quản lý Bến xe chưa thực hiện tốt các nội dung được ủy quyền.

Để lập lại trật tự trong hoạt động này, thiết nghĩ, trước hết nên bắt đầu từ cơ quan chức năng. Cụ thể: Ban quản lý Bến xe nội thành Đà Lạt cần tổ chức cho xe nhập bến, trả khách, đón khách và xuất bến đúng thời gian quy định; Sở GT-VT cần quy định về thời gian phải đến và đi của xe buýt tại một số trạm dừng trên tuyến. Ngoài việc xử phạt người điều khiển xe buýt vi phạm cần có biện pháp chế tài đối với doanh nghiệp và lái xe, nhân viên bán vé trên xe vi phạm. Quan trọng hơn, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thực tế về hoạt động của xe buýt trên các tuyến, nhất là việc thực hiện biểu đồ chạy xe

Bài, ảnh: Hồ Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.