Truyện ngắn: Mùa hoa cối xay vàng

31/10/2009 17:33 GMT+7

Vùng tôi ở, loài cối xay vẫn thường ra hoa vào những ngày hè gay gắt nắng. Hoa cối xay màu vàng, vàng đến mơ mộng, hão huyền đến đê mê trời đất. Những rặng cối xay bao quanh và trải dài ngôi làng nhỏ vùng trung du nắng gió. Người dân quê tôi hình như cũng không hẳn là yêu loại hoa ngông nghênh đó, cũng không ghét bỏ nó, nhưng có lẽ họ sợ. Một nỗi sợ mơ hồ, xa xăm... Nghe đọc truyện

Mùa cối xay vàng trẻ con chơi trốn tìm bỏ quên thời gian đã về ngủ sau đỉnh núi, trai gái hẹn hò quên trăng đã lên đến đỉnh đầu. Người lớn đêm trằn trọc không ngủ được, chờ một tiếng kẹt cửa, một đêm tối trời, một bước chân ai đó... Mùa cối xay vàng nào người đàn bà điên ấy cũng chạy dọc triền hoa gào tên một người nào đó.

Người ta gọi vùng tôi bằng cái tên hoa cối xay vàng.

***

Mười lăm năm trước làng tôi còn trẻ lắm, những đôi vợ chồng trẻ dắt díu nhau về đây vỡ đất, khai hoang dựng nhà, trồng cây gây giống. Những đứa trẻ được sinh ra trong cùng một năm, bú hết sữa bà mẹ này đến sữa bà mẹ khác. Tiếng ru quanh năm vang vọng núi đồi nghe vừa vui vừa buồn một nỗi niềm xa vắng.

Làng tôi ai cũng nghèo, vậy mà trẻ con nhà ai cũng thi nhau ốm. Vừa không có tiền cho con đi bệnh viện, vừa đường sá xa xôi, thời bấy giờ thuốc thang chưa có là bao nên những đứa trẻ mọc mụn nhọt đều được hái lá cây rừng tắm gội. Cây ba gạc, cây xà phòng là thuốc chữa hữu hiệu cho lũ trẻ nơi đây. Nhưng chỉ duy có đứa bé gái con chị Nhi cuối xóm là bệnh không thuyên giảm. Chị đã nhờ những người đàn ông trong làng đưa đi mấy trạm xá trong huyện nhưng thuốc thang vẫn không khỏi. Chị Nhi buồn lắm, suốt ngày chỉ ôm con trên tay hát ru những lời buồn vời vợi như ai oán như trách móc.

Đứa bé ấy không có cha, cũng không ai biết cha nó là ai, chỉ biết rằng từ khi chị Nhi đến nhập vào cái làng này thì trên tay chị đã bế một đứa trẻ. Đứa trẻ ấy khác tất cả những đứa trẻ khác, cả ngày nó không khóc cười, cứ thiu thiu ngủ, thi thoảng lại giật mình, thấy người lạ nó úp mặt vào ngực mẹ. Người làng bảo đứa trẻ mắc tính sợ người. Lạ thay đứa trẻ con nào trong làng cũng rất thích gần đứa trẻ không cha ấy.

Chị Nhi khóc thương con đến rạc cả người như loài ve đã cuối hè, đúng lúc người đàn ông ấy xuất hiện trong làng tôi vào sáng sớm cái ngày đầy ngột ngạt. Gió và nắng, hai thứ ấy dường như không thể thiếu ở đây, nếu thiếu thì còn gì gọi là trung du nữa. Và dường như chúng tôi cũng chỉ chấp nhận những khuôn mặt người đã quen, những thứ đã có, nên sự xuất hiện của người đàn ông lạ làm xáo trộn cuộc sống của tất cả chúng tôi.

Trẻ con tuy chưa biết đi, biết nói, mắt cũng nháo nhác nhìn ngó xung quanh. Đàn bà vừa nựng con vừa thở dài, chỉ có đám đàn ông là hồ hởi chuyện trò, hỏi han người lạ mặt.

Người đàn ông ấy cao to khác thường, râu rậm, lông ngực rậm như người rừng, tiếng cười thì vang và ấm lắm. Tôi nhớ rõ ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy hắn, là tôi thấy tin và yêu hắn ngay. Thứ tình yêu của những người đàn ông trong cái làng nghèo nàn cần che chở cho đàn bà và lũ trẻ.

Người đàn ông lạ mặt đi quanh làng một vòng rồi dừng lại bên chị Nhi và đứa trẻ không cha, bảo: “Nóng quá nên phát ung nhọt đây mà. Không sao, uống thuốc là sẽ khỏi”. Rồi hắn đi, đúng bốn ngày sau thì trở về, trên tay vác một ôm lá rừng và một nắm hạt lạ rắc từ đầu làng đến cuối làng. Hắn bảo với tôi:

- Loài cây này hoa đẹp lắm, lại uống mát, có thể hạ nhiệt và chữa cả bệnh thận nữa.

Tôi ậm ừ hỏi hắn:

- Đi đâu mấy ngày qua vậy?

Hắn bảo:

- Đi tìm cây thuốc.

Độ nửa tháng sau thì đứa bé con chị Nhi khỏi bệnh, da non đã mọc trên những nốt ung nhọt cũ. Nó đã biết cười, đã huơ huơ tay chân trêu đùa người khác. Chị Nhi bế con dọc làng suốt một ngày, gặp ai chị cũng khoe:

- Con tôi khỏe lại rồi. Ơn trời quá!

Nói là ơn trời nhưng tôi biết người đàn bà ấy mang ơn người đàn ông xa lạ lắm. Hắn cũng vui. Hắn huýt sáo vang vang rồi lên rừng chặt cây chọn chỗ đất trống dựng nhà. Tôi cứ tưởng mình sắp có một người hàng xóm tốt, nhưng ai ngờ, nhà chưa dựng xong thì hắn đã bỏ đi.

Hắn bỏ đi im hơi lặng tiếng. Và tôi thấy buồn, cho đến tận bây giờ vẫn buồn. Còn chị Nhi thì cứ lẩn thà lẩn thẩn như người mất của. Những người đàn bà trong làng lại thở dài. Đứa trẻ không cha lại sinh ra hay khóc, khóc suốt ngày đêm, khóc đến xanh xao, xót ruột.

Lúc ấy loài cây mà người đàn ông lạ mặt mang về đã nhú mầm, lá tròn tròn. Chúng tôi nhắc đàn bà trong làng đi lại đừng giẫm nát chúng. Họ ậm ừ cho qua chuyện. Nửa năm sau thì hoa đã nở vàng cả vùng trời, vàng đến u mê, hoang hoải...

Những người ở miền xuôi lên mua lạc bảo đấy là loài hoa cối xay. Làng tôi gọi mùa nắng là mùa hoa cối xay vàng.

***

Khi những đứa trẻ trong làng đã đi, biết chạy lon ton, chúng tụ nhau thành từng tốp nhỏ chảnh chọe, bấu véo rồi dỗ dành nhau. Người lớn không có thời gian dành cho chúng. Đàn bà phải ra đồng cấy lúa, trồng ngô, đàn ông lên rừng đào hố trồng cây.

Đứa bé con nhà chị Nhi hay tha thẩn chơi một mình, cứ vào mùa hoa cối xay vàng là nó lại chạy đi bắt bướm. Chị Nhi thân gái một mình, công việc rừng ruộng lại càng vất vả hơn, nên mỗi ngày chỉ được gần con vào buổi trưa và buổi tối. Ngày nào chị cũng hôn con gái ba lần, tắm giặt thay quần áo cho nó một lần, nhưng hình ảnh đứa bé lúc nào cũng hiển hiện trong tâm trí chị. Chị là người đàn bà chẳng còn gì ngoài đứa con, nhưng hình như chị còn cần nhiều hơn thế...

Vào những đêm trăng lồ lộ sáng, chị một mình tha thẩn ra ngoài bãi hoa vàng. Chị ngóng về phía con đường xa xa như đang ngóng một người thân có hẹn sẽ trở về vào đúng ngày ấy, đêm ấy, giây phút ấy. Tóc chị buông dài, vướng víu vào rặng hoa vàng lắc lơ. Chị đi... Cứ đi... Đến khi đứa trẻ tỉnh dậy giữa đêm không thấy mẹ đâu thì khóc toáng lên. Khi ấy chị mới vội vã trở về. Trăng đã ngấm vàng mái tóc. Chị lại ru hời, đâu đó các bà mẹ cũng ru hời. Buồn hoang vắng...

Trăng đợi ai trăng chẳng chịu tàn/Lời ru đợi ai ru mòn đêm vắng...

Chỉ có những người đàn ông chúng tôi là chẳng mấy bận tâm. Công việc mệt nhọc hằng ngày gần như đã vắt kiệt sức, chưa kể những cuộc ái ân chồng vợ. Đàn bà thì kêu ca: “Sao mà đêm dài đến vậy?”, đàn ông thì bảo: “Vừa mới ngủ cái, mở mắt ra đã sáng rồi”.

Mà đã thấy mặt trời là lại phải vác cuốc lên rừng làm việc, nên nhiều khi đàn ông không hiểu vì sao đàn bà lại dai sức thế khi cả đêm lẫn ngày, hầu như lúc nào mắt họ cũng nhìn về phía xa xôi nào đấy, lòng chờ mong một điều gì đấy. Và người đàn bà nào trong làng hoa cối xay vàng cũng đều giống nhau ở một điểm, là lúc nào cũng thấy họ thở dài.

Đôi khi lũ trẻ con cũng thở dài, chúng ngồi ngẩn ngơ trên bãi cỏ đã úa vàng. Ở nơi ấy đêm về loài dế ri rỉ khóc.

***

Không hiểu ở đâu mà nhiều người ăn xin kéo về làng tôi. Họ bảo họ ở miền xuôi, do ngập lụt mất hết nhà cửa, mùa màng nên phải đi xin ăn. Nhưng đàn bà làng tôi nói đôi khi họ gặp cả những người nói giọng lơ lớ miền Trung. Tôi bảo:

- Lẽ nào lại vậy?

Chị Nhi cười. Chẳng hiểu chị cười gì. Nhưng vợ tôi thì bảo:

- Đừng quá tin người, tôi thấy các làng khác bảo là những người ấy toàn đi xin về xây nhà thôi, chứ họ chẳng nghèo khổ gì đâu.

Chị Nhi lại cười. Những người đàn bà lắc đầu phiền muộn. Những người đàn ông vẫn rít thuốc lào sòng sọc, như thể cuộc đời này chẳng có gì đáng làm họ bận tâm bằng ngày ăn ba bữa, làm quần quật cả ngày và bảo bọc được đàn bà, trẻ con trong xóm hoa cối xay vàng. Thế nên đàn ông bảo:

- Họ đến ngửa tay xin mình, nếu trong nhà còn thì cứ cho. Không cho nhiều thì cho ít.

Đàn bà làng tôi lành hiền, đàn ông bảo gì họ cũng nghe. Có phải vì thế mà làng tôi lúc nào cũng bình lặng đến nhàm chán không nhỉ?

***

Ngay cả vào buổi chiều hôm ấy. Cái chiều chị Nhi khóc gọi đứa con mải mê chơi trong những bãi hoa vàng rồi mất hút. Đứa trẻ không cha lúc nào cũng chỉ thích tha thẩn  một mình, chơi trò trốn tìm với cỏ cây, đất trời. Đứa bé ít khóc, ít cười, mồm lúc nào cũng chỉ gọi “hoa, hoa”, còn vài tháng là tròn bốn tuổi.

Chúng tôi đã lùng sục đến nát cả cánh đồng hoa vàng. Những người đàn bà gọi khản giọng vào khoảng không bất tận. Riêng những người xin ăn thì cúi mặt, lẳng lặng đi ra khỏi làng. Từ đấy không thấy họ quay lại nữa.

Chị Nhi thì nửa tỉnh nửa điên, ngày cứ đi ra cánh đồng bứt hoa vàng rải xuống, đêm lại hát ru con. Tay chị ầu ơ bế bồng một hình hài nhẹ bẫng như cơn gió. Người đàn bà nào trong làng nhìn thấy chị cũng quay đi lau nước mắt. Lũ đàn ông chúng tôi thì im lặng.

Bỗng nhiên sao tôi thấy ghét cái màu vàng của hoa cối xay đến thế.

Chị Nhi vẫn mòn mỏi những tuần trăng. Người thì bảo chị đi tìm con. Người lại bảo chị tìm cả đứa con cả người đàn ông ấy.

Nếu tôi là chị, tôi cũng chẳng biết phải đi tìm điều gì, và chờ đợi cái gì nữa. Chỉ biết rằng làng quê nhỏ bé của tôi ngày càng buồn hơn, nhất là vào những tháng hè, khi hoa cối xay đã nở vàng.

Lũ trẻ con lớn lên, một phần chúng sợ, một phần chúng lại rất thương người đàn bà dở điên dở dại ấy. Chúng suốt ngày đi theo chị Nhi tha thẩn trên cánh đồng, đứa nào bạo dạn thì lại gần, có những đứa chỉ dám bám theo đằng xa. Cứ thấy chị quay lại là chúng chạy bán sống bán chết.

Những ngày mưa chị cũng đòi đi nhưng lũ trẻ giữ lại. Chị lừ mắt bảo:

- Bỏ tao ra chứ. Tao đi đón con tao không nó bị ướt hết bây giờ.

Bọn trẻ bảo:

- Con bà mất rồi còn đâu nữa.

Chị lặng người một lúc rồi ôm mặt khóc tu tu, dỗ thế nào cũng không chịu nín. Lũ trẻ đành phải dắt chị đi giữa cơn mưa. Đàn bà trong làng tối về rầy con:

- Ai cho phép chúng mày hỗn với cô Nhi thế hả? Phải gọi là “cô Nhi” biết chưa? Đứa nào ăn nói lung tung về nhà ăn đòn đấy.

Lũ trẻ phụng phịu:

- Người điên thì biết gì, bốc cả cứt gà cho vào mồm thì gọi làm sao mà chả được.

Đàn bà quặn lòng đau.

Lũ trẻ không biết rằng ngày xưa chúng đã từng ngậm bầu sữa người đàn bà điên ấy khi sữa mẹ chúng đã cạn khô vì thiếu thốn.

***

 Trăng mùa này lạnh và buồn lắm. Hoa vàng đã tàn từ rất lâu rồi mà chị Nhi vẫn đi tìm màu vàng huyễn hoặc. Nhiều đêm tôi giật mình tỉnh dậy vì một tiếng cười ma quái như phát ra từ một thế giới nào xa xăm lắm, không phải từ thế giới mà chúng tôi đang sống. Thế giới ấy chỉ toàn những hiện thực tẻ nhàm, làm ăn, ngủ nghỉ, yêu thương đôi khi là một cái gì đó rất ngượng ngùng.

Tôi lang thang ra ngõ. Ngõ sáng nhạt nhòa. Tôi cứ đi theo cái ánh sáng huyễn hoặc ấy chẳng biết đi đâu và tìm gì trong một đêm mất ngủ.

Tôi nhìn thấy chị, chị mặc quần áo trắng tinh, thứ màu sắc xa lạ nếu không muốn nói là xa xỉ giữa miền quê lao động. Chị đi như lướt giữa cánh đồng trăng, tay chị như đang bứt hoa vàng, mắt chị long lanh hạnh phúc như phía trước chị là đứa con gái bé bỏng và người đàn ông xa lạ năm nào. Chưa bao giờ tôi thấy người đàn bà khốn khổ ấy lại ánh lên niềm vui đến thế.

Chị cứ đi dưới trăng.

Tôi cứ đi dưới trăng.

Trăng cứ sáng.

Bỗng tiếng người đàn bà nào ru con. Tôi giật mình quay lại. Mùa trăng vẫn còn dài lắm... Làng hoa vàng không có người mẹ nào mới sinh con nhưng chẳng hiểu sao đêm trăng nào cũng có tiếng ru con gọi tôi về.

Rồi một đêm tôi bỗng nhìn thấy người đàn ông xa lạ hôm nào quay về. Tôi không dám lại gần.

Đêm ấy là một đêm trăng khuyết. Chị vẫn mặc bộ áo màu trắng muốt, chị chạy về phía ấy. Đêm ấy là đêm duy nhất kể từ khi chị điên dân làng không nghe thấy tiếng chị cười.

Chỉ riêng tôi và người đàn ông ấy biết rằng chị khóc.

***

Sau đêm trăng ấy những tưởng cái làng nhỏ bé của tôi sẽ ầm ĩ lên bởi sự trở lại của một người không hẹn mà đến, không chào mà đi. Nhưng hắn lại biến mất, bỏ lại người đàn bà điên dại.

Nhiều lúc tôi không nghĩ chị điên thật. Tôi tưởng sự điên dại ấy chỉ là cái vỏ bọc để chị giấu kín cuộc đời và những bí mật của riêng mình. Nhưng một câu hỏi vẫn mãi ám ảnh tâm trí tôi về cái mùa đói năm ấy, về đứa con gái không có cha bị mất tích, và những người ăn xin đồng loạt bỏ đi.

Tôi nhớ có người ở làng khác bảo đã nghe thấy tiếng trẻ con khóc từ trong bị của một người ăn xin. Có người lại bảo sau cơn lũ nhiều nhà mất người thân, mất hết cả con cái nên người ta bắt cóc trẻ con về nuôi.

Có thể chị đã không nghe thấy những câu chuyện ấy.

Dù bây giờ không phải là mùa hè, loài hoa cối xay đang ngủ đông giữa cánh đồng, nhưng đêm nào tỉnh giấc tôi cũng thấy cả một bầu trời hoa cối xay vàng...

Vàng đến mụ mị và huyễn hoặc...

Vũ Thị Huyền Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.