"Mổ xẻ" cổ phiếu ngành chứng khoán

25/11/2007 23:24 GMT+7

Trên hai sàn Hà Nội và TP.HCM hiện có cổ phiếu (CP) của 3 công ty chứng khoán (CTCK) đang được niêm yết là CTCK Bảo Việt (mã chứng khoán BVS), CTCK Sài Gòn (SSI) và CTCK Hải Phòng (HPC). Không ồn ào, nhưng giá của các CP này khá cao. Điều gì khiến nó hấp dẫn nhà đầu tư (NĐT)?

Phí giao dịch - khoản thu lớn

Tính đến hết tháng 10, doanh thu của BVS đạt 357,4 tỉ đồng, lợi nhuận đạt trên 258 tỉ đồng (bằng 117,16% kế hoạch năm). SSI có doanh thu hơn 1.133 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 805,5 tỉ đồng. Doanh thu của HPC đạt 94,4 tỉ đồng (bằng 118% kế hoạch năm), trong đó lợi nhuận trước thuế đạt hơn 68 tỉ đồng, vượt kế hoạch năm 113%.

HPC vừa thông qua phương án phát hành thêm CP cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1 với giá 30.000 đồng/CP và chia cổ tức đợt 2.2007 là 10%. Tương tự, SSI và BVS cũng sẽ phát hành thêm CP tăng vốn điều lệ vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008, cả 2 CTCK này dự kiến mức chia cổ tức cả năm 2007 khoảng 30%...

Những thông tin trên đã trở thành cơ sở tốt để NĐT đánh giá lạc quan về 3 loại CP này. Hơn nữa, lợi nhuận cao của các CTCK luôn là điều dễ hiểu vì chỉ cần ở phần dịch vụ môi giới, thị trường lên hay xuống, tăng hay giảm thì khi NĐT mua và bán đều phải trả mức phí cho các CTCK: ít thì 0,2%/giá trị giao dịch, nhiều thì 0,3 - 0,5%/giá trị giao dịch. Nếu tính trung bình cả hai sàn TP.HCM và Hà Nội hiện nay với tổng giá trị giao dịch mỗi phiên khoảng 1.200 - 1.400 tỉ đồng thì cứ mỗi phiên các CTCK cũng thu được từ 4 - 5 tỉ đồng. Đặc biệt, SSI và BVS là hai CTCK có mặt sớm từ khi TTCK Việt Nam mở cửa nên thị phần của riêng hai "đại gia" này đã chiếm gần một nửa giao dịch của thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó, mảng tư vấn doanh nghiệp cũng tập trung chính ở hai công ty này. Ngoài doanh thu về môi giới với lượng khách hàng khổng lồ, doanh thu từ mảng tư vấn, tự doanh... cũng khiến 2 CTCK này được đánh giá là có tiềm năng cao. Một chuyên gia tài chính nhận xét, trong thời gian khó khăn của thị trường vừa qua, chỉ có những CTCK mới thành lập gặp khó khăn. Còn những CTCK đã hoạt động lâu như BVS, SSI và một số CTCK không chỉ tập trung vào dịch vụ môi giới thì không bị ảnh hưởng nhiều. Hơn nữa, các chuyên gia kinh tế đều đánh giá dịch vụ tài chính nói chung tại Việt Nam sẽ phát triển. Vì vậy bản thân các CTCK này đều có cơ hội để đạt được tốc độ tăng trưởng cao.

Rủi ro theo biến động của thị trường

Theo ông Lê Đạt Chí - Giảng viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM, CP của các CTCK có sự tương quan rất lớn giữa kết quả kinh doanh với tình hình chung của thị trường. Do đó, lợi nhuận của các công ty này có thể thay đổi trong biên độ lớn tùy vào tình hình thị trường. Mặc dù đây là những CTCK đã hoạt động lâu, có nguồn khách hàng ổn định, nhưng với việc ra đời ồ ạt các CTCK khác thì thị phần cũng bị chia sẻ, giá dịch vụ bị cắt giảm. Bên cạnh đó, những CTCK thuộc các tập đoàn dệt may, dầu khí... ra đời cũng sẽ làm giảm bớt lượng khách hàng là doanh nghiệp cần tư vấn cổ phần hóa, môi giới... của các CTCK trên. Ngay chính các CTCK trên cũng bị những áp lực nội tại về năng lực quản lý của đội ngũ lãnh đạo điều hành khi quy mô hoạt động được mở rộng trong môi trường cạnh tranh ngày càng cao trong thời gian tới.

Theo nhận định của giám đốc một CTCK tại TP.HCM, ngoài việc bị ảnh hưởng liên thông từ sự đi xuống của thị trường niêm yết, thì chính bản thân một số CTCK không công bố thông tin rõ ràng, thiên vị cho một nhóm NĐT "ruột"... đã làm cho nhiều NĐT cá nhân bị mất niềm tin. Vì vậy khi thị trường phát triển, tất yếu sẽ có sự phân loại các CTCK. Khi đó, NĐT cũng sẽ dễ dàng đánh giá được giá trị CP mỗi CTCK và xem xét nên đầu tư ở mức độ nào.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.