Muôn màu đời sống sinh viên

01/11/2008 10:50 GMT+7

Trong rất nhiều công việc làm thêm, gia sư là công việc mang đậm “thương hiệu” của SV bởi nó nhẹ nhàng, chủ động được thời gian, môi trường sống tốt và cái quan trọng nhất thu nhập cũng không tệ. Hiện nay, những SV làm gia sư hàng tháng cũng kiếm được từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng/tháng.

Trần Thị Tuyến, SV khoa Sử (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) cho biết: “Mình đi dạy thêm mỗi tháng cũng phụ thêm tiền ăn học, bớt gánh nặng cho gia đình. Theo Tuyến, những bạn nào giỏi ngoại ngữ, hay các môn khoa học tự nhiên thì kiếm được việc làm dễ dàng hơn mà lương cũng khá”. Do đó, gia sư là một trong những chiếc phao cứu sinh đối với nhiều SV xa nhà, nhất là nữ SV.

Vạn nẻo làm thêm

Những SV “hai lúa” đến thành phố đi học với sự bỡ ngỡ xen lẫn thích thú. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, sắp xếp thời gian học là họ bắt đầu tính đến chuyện làm thêm để kiếm tiền.

Mỗi người mỗi cách nhưng tựu trung là họ phải tìm được việc làm thêm để theo đuổi việc học. Họ tìm thông tin từ bạn bè, những anh chị đi trước để chọn công việc phù hợp với thời gian biểu ở trường.

Có bạn chọn làm gia sư, có bạn chấp nhận là nhân viên quán ăn, lễ tân, nhân viên tiếp thị thậm chí có những bạn gia đình khá hơn còn mạnh dạn hùn vốn kinh doanh để “lấy ngắn nuôi dài”.

Nhóm bạn nam phòng 603 ở KTX 135B Trần Hưng Đạo chọn việc phụ bán quán ăn tại đường Tôn Đản, quận 4. Thời gian làm việc mỗi ngày bắt đầu từ 17 - 21 giờ, với mức lương khoảng 700.000 đồng/tháng. Một bạn trong nhóm tâm sự - làm công việc này tụi mình học được cách tiếp xúc với nhiều người, thu nhập cũng tạm được, đồng thời nó cũng không mất quá nhiều thời gian mà có chủ tốt còn cho SV ăn cơm một bữa. Với những SV học ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin… chúng ta sẽ dễ bắt gặp họ phụ việc ở các cửa hàng điện tử, các tiệm internet, các quán cà phê.

Với chiếc xe Honda đời 81, Nguyễn Ngọc Mỹ (SV Trường ĐH GTVT – Cơ sở II) đã kiếm đủ tiền đi học bằng “nghề” xe ôm tại khu vực trước cổng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Trung tâm Văn hóa quận Thủ Đức. Lúc nào trên xe Ngọc Mỹ cũng có một vài cuốn sách phòng những khi vắng khách Mỹ lôi ra học. Những tháng đầu, Ngọc Mỹ không thuộc đường đành phải nhờ khách hướng dẫn. Để được tham gia trong đội quân xe ôm ở đây, Ngọc Mỹ mời các chú xe ôm một chầu cà phê “ra mắt”. Các chú biết cậu là SV làm thêm nên cũng dễ dãi, có khi thấy Mỹ ế khách họ còn nhường cho cậu vài cuốc xe.

Có hàng vạn cách để SV kiếm thêm tiền để trang trải chi phí học, thậm chí công việc của họ có người xem thường nhưng những đồng tiền được đổi bằng chính mồ hôi, công sức của họ để được tiếp tục việc học thật đáng quý và trân trọng.

Khi sinh viên... sinh tật

Một chiếc va li cũ rách cùng chiếc xe đạp cọc cạch, đôi bạn thân Thanh Thế (ĐH Khoa học Xã hộ và Nhân văn) và Thành Hải (ĐH Khoa học Tự nhiên), cùng ở tỉnh Lâm Đồng đến thành phố nhập học với cảm giác rụt rè, lạc lõng giữa đất Sài thành phồn hoa đô hội. “Tìm được một chỗ trọ, đúng hơn là một “ hộp diêm” (ngang 1,2m, dài 2m) tại cư xá Bắc Hải, quận 10, hai đứa đã quá vui và họ quyết tâm cùng nhau học thành tài như mơ ước của họ và cha mẹ. Nhưng tất cả đã thay đổi. Vào học chính thức chưa được một tháng, Hải than thở: “Ở đây cực quá, tao có mấy đứa bạn thuê nguyên căn nhà ở gần trường rất rộng rãi và thoải mái nên tao chuyển qua đó”. Bẵng đi nửa năm, Hải xuất hiện trong phòng ở cũ của chúng tôi với một dáng vẻ sành điệu - đầu nhuộm vàng hoe, xỏ lỗ tai và trên miệng phì phèo thuốc lá.

Chưa kịp hỏi chuyện học hành, Hải khiến tôi ngỡ ngàng khi cậu ta hỏi vay tiền để trả nợ vì sợ giang hồ “xử đẹp”. Mà khổ nỗi tôi làm gì có đủ số tiền hàng triệu để cho Hải mượn nên đành thở dài nhìn vẻ thất thểu của bạn đi ra khỏi ngõ nhỏ”. Thế kể. Cuối năm 2, Thế bị nhà trường đuổi học vì nợ quá nhiều môn và nợ cả tiền học phí. Ba của Hải hay tin cậu con quý yêu mình hư hỏng đã ngã bệnh và đột quỵ. Khi Hải nhận ra lỗi lầm thì mọi chuyện đã đi quá xa và không thể làm lại từ đầu. Quyết bù lại những lỗi lầm, Hải xin vào làm cho một hãng taxi phụ mẹ nuôi em gái ăn học. Cậu nói: “Đây là cách tôi chuộc tội với cha”.

Công việc làm thêm chỉ dành cho nữ sinh viên.

SV Nguyễn Văn Toàn thi đậu một trường đại học tại TPHCM nhưng vì gia đình không đủ chi phí cho cậu ăn học, Toàn đành học tại ĐH Đà Nẵng. Xa nhà, xa gia đình, nơi ở mới, nhiều xa lạ và sôi động đối với những SV chân quê như Toàn nên nó luôn thôi thúc Toàn khám phá. Học không bao nhiêu, nhưng chơi thì “xả láng” nên chỉ sau hai học kỳ, Toàn bị buộc thôi học vì tội lập băng nhóm đánh nhau trong trường và nợ quá nhiều môn...

Rời Đà Nẵng, Toàn cảm thấy ân hận nên đã quyết tâm học lại và thi đậu vào ĐH Công nghiệp II TPHCM. Thế nhưng “ngựa vẫn quen đường cũ”, Toàn lại tiếp tục ngày đêm vùi đầu vào game online, vay mượn tiền khắp KTX, thi trả nợ môn liên miên. Và đỉnh điểm là sau nhiều lần đánh nhau trong KTX, Toàn phải nhận quyết định thôi học lần thứ 2. Khi giấc mơ ĐH bị lỡ hẹn, Toàn quyết chí chọn một trường CĐ để tiếp tục theo học. Giờ đây ngoài thời gian học, làm thêm, Toàn còn tích cực tham gia các công tác xã hội tại Nhà văn hóa SV TPHCM. “Tham gia các hoạt động Đoàn Hội giúp mình tìm thấy được động lực và lý tưởng sống của thanh niên”. Toàn nói.

Sống thử

Xa nhà, xa người thân, nhất là thiếu sự quan tâm của cha mẹ nên SV luôn thiếu thốn tình cảm. Do đó, nhiều SV xem yêu đương là liều thuốc để khỏa lấp.

Chưa đầy 2 tuần đầu tiên của học kỳ 1, Nguyễn Mỹ Vân (Gia Lai) và Đỗ Quốc Thọ (Kiên Giang) học chung khoa sư phạm Anh (ĐH Sư phạm TPHCM) đã gắn bó với nhau như “hình với bóng” do bị tiếng sét ái tình chinh phục. Cả lớp ai cũng khen họ đẹp đôi vì nàng thì xinh đẹp, cởi mở còn chàng thì cao ráo, điển trai, hát hay và rất ga lăng. Và họ quyết định “sống thử”. Hàng ngày, chàng chở nàng đi học. Vào trường họ cũng quấn lấy nhau như “đôi sam”, ngay cả khi đi uống nước cùng bạn bè họ cũng tay trong tay, âu yếm nhau thái quá khiến bạn bè đỏ mặt. Những tưởng họ sẽ yên bề gia thất khi ra trường nhưng cuối cùng họ lại chia tay vì một lý do rất đơn giản.

Trong lúc Thọ đang tập hát song ca tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo VN 20-11 với điệu bộ tình tứ với bạn nữ cùng khoa, Mỹ Vân ngồi dưới nổi cơn ghen, chạy thẳng lên sân khấu kéo Thọ một mạch về nhà. Thế là giông tố nổi lên, cả hai không ai chịu nhịn ai. Họ lập tức thôi nhau. “Tụi mình chỉ sống thử, không hạp thì chia tay chứ chẳng có gì ràng buộc nhau cả”, Thọ nói giọng ráo hoảnh! Còn Mỹ Vân, sau cú sốc ấy cô trở nên im lặng đáng sợ.

Sống xa gia đình, nhìn những cô bạn đi xe SH, Dylan, xài điện thoại xịn, mặc đồ hiệu, Lê Hoa (ngành quản trị kinh doanh, CĐ Kinh tế Đối ngoại) cảm thấy mủi lòng và ganh tị. Với nét đẹp hồn nhiên của cô gái vùng “gạo trắng nước trong”, lúc đầu Hoa xin làm tiếp thị cho một hãng mỹ phẩm tại siêu thị Zen Plaza, rồi làm nhân viên bán hàng điện thoại di động tại Q5. Trong một lần gặp “cậu ấm” Trương Văn Lân (SV khoa CNTT, ĐH DL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM), Chi bị “chinh phục” ngay bởi những món quà đắt tiền như dây chuyền, điện thoại.

Sau khi đã tỏ rõ “đường đi lối về”, Văn Lân thản nhiên bỏ đi tìm kiếm một “đóa hoa” tươi đẹp khác. Khi nhận ra mình chỉ là “món đồ chơi” của Lân, Hoa hận đời, hận tình, cô xa rời giảng đường để tìm mối tình khác. Nhưng Hoa đã “quen” nhận quà khi yêu nên cô không thể “yêu trong sáng” như nhiều cô bạn cùng quê được nữa. Và Hoa lại quay về với những cuộc tình chóng vánh khác để đổi lấy những món quà giá trị hay những bộ cánh sặc sỡ… Kiểu sống “yêu cuồng sống vội” như Hoa, Thọ đã biến một số SV trở thành những nạn nhân của những cuộc mua bán xác thịt và thậm chí có người rơi vào vòng lao lý.

Còn rất nhiều mảnh đời với những màu sắc khác nhau tạo nên một bức tranh muôn màu về cuộc sống của SV. Nhiều người khi qua thời SV tự hào với những kỷ niệm đẹp nhưng cũng không ít người tiếc nuối, ân hận khôn nguôi...

Tên nhân vật đã được thay đổi. 

 Theo Thanh Hùng / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.