Tăng học phí: Sẽ có nhiều sinh viên bỏ học?

06/11/2005 21:46 GMT+7

Câu chuyện tăng học phí đã trở thành tâm điểm của hàng triệu SV trong mấy ngày qua. Nhiều SV cho rằng “Tăng học phí vào thời điểm này cũng hợp lý và khi học phí tăng, SV sẽ có điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, mức học phí tăng lên quá cao như trong đề án của Bộ GD-ĐT là vượt quá khả năng đóng góp của đại đa số SV”…

Lương Thị Thanh Nga - đang học năm thứ nhất Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho biết, bố bạn đã mất, 4 mẹ con hiện sống nhờ vào 500 ngàn đồng lương hưu hằng tháng của mẹ. Để có 600 ngàn đồng gửi cho con mỗi tháng, mẹ Nga đã phải tăng gia sản xuất, vay mượn bà con lối xóm. Nga rất tằn tiện trong chi tiêu nhưng số tiền mẹ gửi hằng tháng vẫn không đủ để đóng tiền học phí, tiền trọ, quỹ lớp, mua xà phòng, sách vở... Vì thế, khi nghe nói sắp tới sẽ tăng học phí, Nga lo lắng: "Với mức học phí như hiện tại mẹ đã phải cố gắng chắt chiu mà em vẫn chịu cảnh thiếu thốn đủ bề trong việc ăn học ở Hà Nội. Nếu tăng học phí cao thì em không biết có thể tiếp tục theo đuổi mơ ước trở thành cử nhân của mình hay không?".

Tối 6/11, trả lời phỏng vấn trong chương trình thời sự trên VTV, ông Nguyễn Minh Hiển - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Mức học phí cao nhất trong đề án điều chỉnh học phí là 900 ngàn đồng/tháng/sinh viên, đối với những ngành học có liên kết với các trường đại học nước ngoài. Bộ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng mức tăng học phí, trên cơ sở tiếp nhận ý kiến đóng góp từ nhiều kênh khác nhau sẽ điều chỉnh đề án cho phù hợp trước khi trình các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét.

Các khu nhà trọ của SV tại Phùng Khoang, Khương Trung, Cầu Giấy... đều rất chật hẹp, ẩm thấp và tương đối tạm bợ. Dãy nhà trọ mà Nguyễn Quỳnh Lan (khoa Quản lý - Trường đại học dân lập Thăng Long Hà Nội) ở gồm 11 phòng cấp 4, lợp fibro xi măng, thấp lè tè. Phòng trọ của Lan rộng chưa đầy 10m2, chiếc phản nhỏ kê sát khu vệ sinh đã chiếm gần hết diện tích của phòng. Lan cho biết, mấy hôm nay "cư dân" xóm trọ đang bàn tán sôi nổi về chuyện tăng học phí. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có chung một suy nghĩ: "Đây là một đề án sẽ gây khó khăn cho việc học của học sinh, SV. Chắc chắn sẽ có nhiều bạn SV ở tỉnh bỏ học". Lan kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của bản thân và những người bạn học tại H.Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ: "Người dân quê em chỉ sống bằng nghề trồng chè. Giá chè lên xuống thất thường nên thu nhập của người trồng chè đã thấp rồi lại còn rất bấp bênh. Nếu có một người học đại học thì coi như đã tiêu tốn hết số tiền mà cả gia đình vất vả mới kiếm được. Những người còn lại lấy gì để sống? Tăng học phí với mức quá cao như vậy, em tin chắc nhiều gia đình sẽ rơi vào bi kịch!". SV Nguyễn Diệu Loan (quê ở H.Giao Thủy - Nam Định) chen ngang vào câu chuyện: "Tăng học phí vào thời điểm này cũng hợp lý và khi học phí tăng, SV sẽ có điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, nếu tăng học phí cao thì sẽ vượt quá khả năng đóng góp của đại đa số SV". Loan nhận định: "Em sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên nếu nhiều SV... ngất khi nghe tin học phí tăng quá cao. Mới đây, một người bạn của em cũng đã bị sốc như vậy".

Ngay từ năm thứ nhất đại học, Bùi Văn Phong (SV khoa Trang trí nội thất trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội) đã phải làm rất nhiều công việc khác nhau như giám sát công trình nội thất, vẽ thiết kế, ngồi mẫu, gia sư... để có tiền ăn học. Bố mẹ Phong đều là nông dân, cuộc sống của cả gia đình chỉ trông mong vào mấy sào ruộng. 4 anh em Phong lại đang tuổi ăn tuổi học nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Hằng tháng, bố mẹ chỉ có thể gửi cho Phong 650 ngàn đồng trong khi riêng chi phí cho việc học như mua giấy vẽ, phẩm màu, vật liệu làm mô hình... đã chiếm gần hết số tiền đó. Gặp chúng tôi, Phong cho biết: "Em đã bị sốc khi biết Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương tăng học phí với mức thu quá cao. Việc học của em sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Em nghĩ rằng, với mức thu học phí cao thì rất nhiều SV con nhà nghèo sẽ phải ngậm ngùi chia tay giảng đường đại học!".

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.