Khởi nghiệp từ ngô, sắn

03/12/2009 15:57 GMT+7

Thành lập công ty buôn bán hàng nông sản đầu tiên tại tỉnh Lào Cai, Trần Văn Cường góp phần tạo ra sự ổn định cho cuộc sống của hàng nghìn hộ nông dân.

Từ năm học lớp 9, Trần Văn Cường (sinh năm 1978) đã là người “nổi tiếng” ở xã Xuân Quang. Cậu bé có dáng người nhỏ thó, hằng ngày ngoài giờ học cần mẫn đạp xe chở kem, bánh mì đi bán khắp các chợ phiên trong vùng. Mỗi ngày đạp xe rong ruổi, lên dốc xuống đèo ngót trăm cây số, đòi hỏi sức khỏe phải dẻo dai, bền bỉ không phải ai cũng làm được. Vậy mà, Cường theo nghề này ròng rã 4 năm, đến khi học xong bậc THPT thì chuyển nghề sang “buôn chuyến” với hai thứ hàng là sắn và ngô.

Năm 2004, Cường bắt đầu khởi nghiệp. Hai vợ chồng son không có tài sản thế chấp. Cường vận động gia đình thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 70 triệu đồng lấy vốn đi buôn. Từng là bạn “buôn chuyến” với Cường, người vợ trẻ Trần Thị Yến nhiệt tình ủng hộ quyết định của chồng. Gặp lúc nông sản liên tục lên giá, trong năm đầu tiên khởi sự, số tiền vốn của hai vợ chồng tăng gấp đôi. Cường mạnh dạn làm đơn lên UBND xã xin mua đất, xây dựng nhà kho chứa hàng. Sau hơn một năm, khu nhà kho rộng hơn 2.000m2, mái che kiên cố được hoàn thành.

Nhờ sự giúp đỡ của một tư thương có nhiều kinh nghiệm buôn bán nông sản, vợ chồng Cường - Yến nhận làm đầu mối thu gom hàng cho Công ty lương thực miền Bắc ở tỉnh Bắc Giang, rồi hàng loạt công ty chế biến thức ăn gia súc ở Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định... Không thể làm ăn theo kiểu “buôn chuyến” như trước, Cường quyết định thành lập Công ty nông sản Phước Anh.

Có nhiều hợp đồng lớn trong tay, cộng với việc Cường “mua hàng tận gốc, bán tận ngọn”, bỏ qua nhiều khâu trung gian nên giá mua của công ty thường cao hơn thị trường bên ngoài. Ngoài chuyện giá cả, cân hàng xong Cường trả tiền "tươi" cho người dân, không dây dưa chịu tiền như nhiều thương lái khác nên cứ đến mùa thu hoạch, nhiều hộ gia đình chở sắn, ngô tới tận kho bán cho “Giám đốc Cường”.

Trò chuyện với chúng tôi, Cường chia sẻ: “Mỗi ngày công ty xuất cả trăm tấn hàng nhưng lãi thu về thì chẳng đáng là bao so với số vốn đầu tư. Theo hạch toán, mỗi kg nông sản trừ hết mọi khoản chi phí chỉ lãi khoảng 10 đồng”. Trong khi đó, giới tiểu thương trong vùng đầu tư các ngành chế biến tinh dầu quế, thu mua thảo quả, xây dựng cơ bản... rất nhanh giàu, Cường vẫn trung thành với hàng nông sản. “Nếu vì lãi ít không làm thì cuộc sống người dân sẽ ra sao khi cơ cấu cây trồng ở mảnh đất này chưa có sự thay đổi đột phá, chỉ toàn ngô với sắn. Kinh doanh hàng nông sản tuy lãi có ít nhưng “năng nhặt thì chặt bị” thôi. Công ty nằm giữa vùng nguyên liệu, lo gì không tồn tại” - Cường tự tin nói.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.