Lời trăng trối của một góa phụ trẻ

22/02/2004 23:17 GMT+7

Người góa phụ này là chị Phạm Thị Bạch Nhung, năm nay mới 32 tuổi, ở tại số 130/9 đường Kim Long, thành phố Huế. Vợ chồng chị có 3 đứa con gái đều còn nhỏ; cháu đầu đang học lớp 6, cháu thứ hai học lớp 2 còn bé út đang học mẫu giáo. Gia đình chị cùng sống trong căn nhà nhỏ của mẹ chồng, bà cụ đã 82 tuổi, già yếu, bệnh tật.

Trước đây, dù nghèo khó, nhưng gia đình chị sống đầm ấm, hạnh phúc. Chồng chị, anh Tân trước kia là tài xế của một công ty nhưng do thu nhập thấp phải bỏ nghề, chuyển sang chạy xe ôm, rồi làm phụ lái xe tải đường dài. Còn chị Nhung, ngày ngày ra chợ Kim Long buôn bán lặt vặt, lúc thì rau hành, lúc áo quần cũ, đến mùa hè thì bóc hạt sen thuê...

Năm 1999, chị Nhung đột ngột ngã bệnh nặng, khi vào bệnh viện thì phát hiện chị bị ung thư vú giai đoạn 3, phải giải phẫu cắt khối u, rồi tiếp tục xạ trị, hóa trị... Anh Tân là một người chồng tốt, thời gian này, một mình anh lo toan mọi công việc gia đình, vừa thuốc thang cho vợ, chăm sóc mẹ già vừa lo cho ba đứa con nhỏ ăn học.

Nhưng rồi tai ương lại ập xuống gia đình này, trong một chuyến xe đầu năm 2003, anh Tân tử nạn do tai nạn giao thông. Cái tang chồng làm chị Nhung thêm đau đớn, kiệt quệ. Nhưng cả nội ngoại không có ai để nương tựa, với tấm lòng người mẹ thương con, chị phải gắng sức đứng dậy, sau những cơn đau chị lại tìm ra chợ để kiếm gạo cơm hằng ngày... Và dù được hàng xóm, chị em tiểu thương chợ Kim Long tương thân, tương trợ, chia sẻ miếng cơm manh áo nhưng kể từ một tháng nay, chị Nhung đã không còn đủ sức đứng dậy, căn bệnh đã phát tác ở giai đoạn cuối... Bác sĩ trực tiếp điều trị cho chị Nhung ở Bệnh viện T.Ư Huế cho biết: Căn bệnh của chị Nhung đã di căn vào phổi, sự sống đang được tính từng ngày!...

Khi chúng tôi đến, chị Nhung đã nằm liệt giường, người chỉ còn da bọc xương. Chị nói thều thào trong nước mắt ràn rụa: "Chị biết không còn được sống bao lâu, nhưng lo cho ba đứa con thơ dại, không biết ngày mai sẽ ra sao...". Chúng tôi được biết, chị vừa nhờ người trong xóm viết giúp chị một lá đơn thỉnh cầu, gửi một số cơ quan đơn vị ở địa phương, xin cứu giúp ba đứa con của chị. Lá đơn như lời trăng trối của người góa phụ trẻ: "...Không được tiếp tục sống để chăm sóc, giáo dục con cái là nỗi đau lớn nhất cuộc đời của người làm cha, làm mẹ, nhưng bây giờ thực tế gia đình tôi như vậy thì tôi biết làm gì hơn, tôi chỉ xin biết ký thác toàn bộ tình thương yêu và trách nhiệm với mọi người...".

Chúng tôi xin tiếp tục chuyển lời ký thác của người góa phụ trẻ bất hạnh này đến những tấm lòng nhân ái của bạn đọc Báo Thanh Niên.

Ngọc Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.