Thủy Hương: "Với nghệ thuật, không bao giờ muộn"

12/11/2005 15:24 GMT+7

Tôi gặp chị vào một buổi trưa nắng nóng giữa Sài Gòn tấp nập và ồn ào. Vẫn dáng người mảnh mai, dịu dàng, gương mặt đẹp thánh thiện - một vẻ đẹp thách thức thời gian, chị ngồi tiếp tôi trong quán cà phê đầy phong cách cổ điển. Với giọng Bắc mượt mà, ấm áp, Thủy Hương - người đàn bà đẹp của sàn diễn thời trang và điện ảnh - đã tâm sự những điều tự đáy lòng chị...

Vui buồn một thời đã qua

... Tôi sinh ra trong một gia đình quyền quí. Ông ngoại là người Tày. Trước Cách mạng Tháng 8, ông làm quan đến chức Tri châu ở Tuyên Quang. Ký ức của tôi là khu nhà ông ngoại với những cây kiếm Nhật gác lên kệ, những bộ mạt chược bằng ngà voi được thu xếp khéo léo trong lớp vỏ áo bằng da. Tôi còn nhớ hầm rượu tối om, nơi chúng tôi thường chơi trò ẩn nấp và bộ sa lông bằng gỗ quý. Những thứ đó sau này được trưng bày trong bảo tàng vì Hoàng thân Suphanuvong (Lào) đã dùng nó khi ông ở nhà ngoại trong những ngày kháng chiến chống Pháp. Sau Cách mạng Tháng 8, ông ngoại tôi được tặng Huân chương Lao động và giữ chức Trưởng ty TDTT tỉnh Tuyên Quang.

Mẹ tôi được sinh ra giữa đất Hà thành. Bố người Sài Gòn, phóng khoáng, đúng bản chất của dân Nam Bộ. Bố mẹ gặp và yêu nhau trong những ngày bố tập kết ra Bắc.

Tuổi thơ tôi trải qua giai đoạn ác liệt nhất của chiến tranh. Thời đó cực khổ nhưng tôi học rất giỏi. Nhiều năm liền là học sinh chuyên văn của trường, được tuyển vào lớp chuyên văn của tỉnh đi thi học sinh giỏi văn toàn quốc rồi sau đó vào thẳng khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường tôi đỗ thủ khoa, tiếp tục học lên nữa. Hai tháng sau khi tốt nghiệp ĐH, tôi lấy chồng. Tình yêu đầu đời đẹp như pha lê, trong vắt. Rồi sinh con... Năm 1987 tôi đã có bằng cao học về ngữ văn và trở về Tuyên Quang làm cô giáo.

Cuộc đời sẽ chẳng có gì phải kể nếu tôi không gặp hai cú sốc lớn. Trường bắt đầu tinh giản biên chế. Tôi không thể "cạnh tranh" với chính các thầy cô của mình để tìm một chỗ đứng. Lúc đó tôi còn quá trẻ. Con ốm, nợ đòi. Nhà có con heo là đáng giá tôi phải mang ra chợ đổi chút tiền cho con vào bệnh viện chữa chạy. Nhiều đêm tôi mất ngủ, thao thức khi nhớ lại đoạn đời này. Tôi ra chợ, mướn một cửa hàng và trở thành cô thợ cắt tóc bất đắc dĩ. Trời thương tôi sáng ý, cứ nhìn người ta làm là bắt chước được ngay. Nhưng nhiều hôm thu nhập không đủ chi tiêu, tôi phải nấu nước bồ kết bán cho người nghèo không đủ tiền đến tiệm gội đầu. Tối về tôi nhận thêm khăn nhung ngồi ì ạch thêu. Về chuyện gia đình, thực tình tôi đã âm thầm và cả cầu xin người thân nhất của mình đồng cảm, chia sẻ gánh nặng gia đình cùng với mình. Nhưng có lẽ tôi đã quá lãng mạn và thiếu thực tế, mặt đất với tôi lúc bấy giờ thật là tối tăm khi tôi đơn độc. Và tôi dứt khoát  ôm con ra đi. Tôi vào Sài Gòn, nơi bố mẹ đẻ đang sinh sống. Dù sao đi nữa tôi và anh ấy vẫn là bạn tốt. Anh - người đã cho tôi hiểu thế nào là giá trị cuộc sống và cho tôi những đứa con để hôm nay tôi được hạnh phúc làm mẹ, được buồn vui sướng khổ với con.

Người mẫu tuổi 30

Năm đó tôi 28 tuổi. Vừa vào Sài Gòn tôi đã có dịp cộng tác với nhạc sĩ Triệu Quang Dũng tổ chức các chương trình ca nhạc thời trang. Tôi được mời làm thư ký cuộc thi Những ngôi sao điện ảnh hôm nay và ngày mai. Năm 1994, trong một cuộc trình diễn thời trang, một nhà thiết kế đã mời tôi chụp ảnh. Con đường nghệ thuật đến với tôi cứ tình cờ và bất ngờ như thế! Từ con bé tỉnh lẻ, ngờ nghệch, quê mùa, tôi hóa thành người mẫu, được nhiều người biết đến. Sắc đẹp là chiếc phà giúp tôi vượt qua con sông cay nghiệt, đang gầm thét ầm ầm chảy trong tôi. Tôi lần lượt tham gia những chương trình thời trang quy mô lớn như Sài Gòn 300 năm, Makuhari (Nhật Bản), biểu diễn những bộ sưu tập của những nhà tạo mẫu danh tiếng.

Năm 1995, Trung tâm thông tin triển lãm thuộc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM mời tôi về cộng tác. Hằng ngày lọc cọc đạp xe đi làm, tôi chịu đựng mọi nhọc nhằn cuộc sống trĩu nặng trên vai. Sau đó tôi còn được các họa sĩ tên tuổi như Thành Chương, Hà Hồng Cẩm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mời làm mẫu vẽ tranh và các nhiếp ảnh gia như Trần Huy Hoan, Lê Thanh Hải, Dương Minh Long... chú ý. Với họ tôi như bay bổng với cảm xúc nghệ thuật, được thả hồn vào những ngóc ngách riêng đầy hương vị của cái đẹp. Tôi đã cùng với các nhiếp ảnh gia tham gia vào quá trình sáng tạo một cách nghiêm túc.

30 tuổi mới bước chân vào nghề. Tôi là người dám chống lại quy luật đào thải của nghề người mẫu và chấp nhận dấn thân. Tôi nghĩ, với nghệ thuật thì không bao giờ muộn. Nhưng chưa ai nói tôi đã phạm sai lầm, ngay cả chính bản thân tôi cũng thấy thế.

Một doanh nhân "tầm tầm"

Cật lực "cày cuốc" bao năm, tôi đánh bạo mở công ty riêng lấy tên là Đại Bảo Xuân chuyên về xuất nhập khẩu và quảng cáo. Lúc đó là năm 2001. Tôi là người ham việc, không bao giờ chấp nhận số phận. Tính cách ấy cộng với môi trường và cá tính của người Sài Gòn đã giúp tôi như thỏa sức, sải cánh với những kế hoạch, dự định. Và tôi đã liều trong khả năng có thể. Quá nhọc nhằn chuyện cơm áo để nuôi con, tôi quyết định phải nhảy vào lĩnh vực kinh doanh. Những ngày đó, tôi chỉ biết lao đầu vào công việc, làm việc gần 16 giờ một ngày. Đăng ký học Anh văn và vi tính buổi tối trong khi ban ngày bận túi bụi không hề là việc đơn giản với một người đàn bà phải một mình nuôi con như tôi.

Còn nhớ năm 1996, sắm được chiếc xe gắn máy đầu tiên trong đời, tôi mừng đến rơi nước mắt. Giờ đã có xe hơi nhưng tôi vẫn không thích thói khoe mẽ. Với tôi, xe cộ chỉ là phương tiện. Cuộc đời này còn nhiều cái đáng phải quan tâm hơn. Nói doanh nhân mà không thích làm giàu là nói xạo nhưng tôi vẫn thích làm ở mức độ vừa phải vì tiền bạc không thể thay thế được đời sống tinh thần, tình yêu thương của gia đình, con cái. Chạy đua với chuyện làm giàu ư? Tại sao ta không nghĩ đến cách nâng cao chất lượng đời sống tinh thần? Ngoài ra, tôi cũng đã lo cho mười mấy nhân viên của mình đủ sống và toàn ý toàn tâm với công ty. Đàn bà làm thế là quá đủ rồi.

Thử sức với điện ảnh

Tình yêu nghệ thuật đã chuyển vào huyết quản và trở thành máu thịt nên tôi mon men đến với điện ảnh. Cú sốc đầu tiên là lần thử vai trong bộ phim Trở về của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tôi bị từ chối vì không có kinh nghiệm diễn xuất, thiếu biểu cảm và chịu sức ép lớn về tâm lý. Lúc đó tôi tưởng mình sẽ bỏ cuộc. Thế rồi gần 10 năm sau, đạo diễn Phạm Lộc cũng thấy được chút gì đó khả năng diễn xuất của tôi, ông quyết định giao cho tôi vai nữ chính trong phim Chuyện hàng xóm. Tôi càng hạnh phúc hơn khi được đề cử giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất (Cánh diều vàng) của Hội Điện ảnh. Dù không đoạt giải nhưng tôi vẫn rất vui vì Đức Khuê đã giành được Cánh diều vàng cho giải Nam diễn viên xuất sắc nhất qua bộ phim này. Rồi con đường điện ảnh đã rộng mở hơn với tôi. Những lời mời tôi tham gia đóng phim ngày càng nhiều. Sau Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh, tôi đang tiếp tục giữ vai chính (họa sĩ Bích Lan) trong phim Thập tự hoa của đạo diễn Vương Hùng dựa theo một tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai.

... Tôi từ giã chị - người đàn bà đẹp - mà cứ tự hỏi chị là người đa đoan, một doanh nhân thành đạt hay một con người của nghệ thuật? Chia tay tôi, chị nói mình có được thành công chút ít hôm nay chính nhờ một phần nhất định giá trị ban đầu của nhan sắc, nhưng điều đó chưa phải là bửu bối để chị thành danh. Chị đã phải nỗ lực rất nhiều để có được những gì mà tôi dám chắc người đàn bà nào ở tuổi 40 như chị cũng đều mong ước: một gia đình êm ấm, một doanh nghiệp vững vàng và một cuộc tình đong đầy cảm xúc.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.