Xin trao đổi thêm về một bài báo

17/12/2005 15:24 GMT+7

Tôi có trao đổi qua điện thoại với anh Mai Liêm Trực về việc anh trả lời trên báo Tuổi Trẻ sáng ngày 16/12/2003. Tôi vẫn không nghi ngờ gì tâm huyết của anh đối với bóng đá Việt Nam và cả sự thẳng thắn của anh. Nhưng vì đã là một bài trả lời chính thức trên một tờ báo thì chúng ta phải tiếp tục bàn.

Mặc dù hàng trăm, hàng nghìn bạn đọc tiếp tục nêu những bức xúc này bằng thư, điện thoại, e.mail, vì ai cũng biết bàn thắng của Việt Nam lúc này quý giá không biết bao nhiêu với người dân Việt Nam song chúng tôi đã cho dừng đăng tải và xin lỗi bạn đọc ngay số Thanh Niên ra ngày 16/12, để cho cơ quan chức năng như Ủy ban Thể dục thể thao và Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam có thời gian xử lý những vấn đề rất "trúng" mà dư luận đặt ra. Tôi nghĩ rằng, các anh Nguyễn Danh Thái và anh Mai Liêm Trực sẽ không để cho vấn đề này trôi qua mà không có một thái độ đúng mực để qua đó rút ra những bài học chung cho bóng đá và qua đó quy trách nhiệm cho đúng là ai ở trong liên đoàn phải chịu trách nhiệm về vụ việc này. Ai đã nắm vấn đề chuyên môn, có kinh nghiệm ở các cuộc thi đấu khu vực đã để sự tắc trách nghiêm trọng này xảy ra.

Giáo sư Tương Lai, người viết nhiều bài chính luận cho các báo sau khi đọc phỏng vấn trên Tuổi Trẻ cũng nói mình không chịu cách trả lời như vậy. Học giả Trần Bạch Đằng đang nằm bệnh viện cũng phải ngồi dậy viết một bài bày tỏ thái độ. Sáng ngày 15/12, khi cuộc họp rút kinh nghiệm về vụ án Năm Cam, phần lớn là các vị lãnh đạo ngành nội chính, tòa án, viện kiểm sát, công an đều đến bắt tay phóng viên báo Thanh Niên và chúc mừng những bài viết trên số báo chủ nhật, đặt vấn đề trọng tài và giám sát của trận chung kết Thái Lan - Việt Nam. Anh Tùng Lâm, Phó văn phòng Văn phòng Chính phủ, cả anh Lê Thúc Anh bên tòa án đều nói rằng phải đặt vấn đề này cho ra ngô, ra khoai.
Rõ ràng là quan điểm chung giữa báo Thanh Niên và khán giả hâm mộ không khác mấy cách đặt vấn đề với ông Chủ tịch Liên đoàn Mai Liêm Trực. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin làm rõ và trao đổi một số điểm cụ thể như sau, như một sự góp ý chân thành và có trách nhiệm với bóng đá nước nhà.

Ông Nguyễn Văn Mùi và rất nhiều trọng tài của Việt Nam đều cho rằng đó là một sự sai trái và trách nhiệm thuộc về Ban Tổ chức môn bóng đá SEA Games 22 và các quy định của các SEA Games trước đây đều đã áp dụng đối với trọng tài và giám sát các nước có đội vào bán kết, và chúng tôi cho rằng đó là việc làm sai trái. Ai theo dõi kỹ trận đấu đều thấy ông trọng tài chính Salleh người Malaysia đã rút thẻ vàng ra khỏi túi áo khi hậu vệ Thái Phaitoon (15) phạm lỗi đốn ngã từ phía sau với Tài Em và ông đã đút thẻ vàng lại vào túi ngay để cứu Phaitoon không ra khỏi sân khi cầu thủ này đã bị một thẻ vàng. Còn với Quốc Vượng, ta thừa nhận có lỗi, ông rút thẻ vàng thứ 2 và đuổi ngay ra khỏi sân dù Vượng là tuyển thủ của nước chủ nhà. Nhưng ta bỏ qua cái chuyện nhân đạo của một trọng tài, hoặc là không cần có chuyện châm chước cho nước chủ nhà, với điều kiện là ông phải cho Phaitoon ra ngoài sân trước khi đuổi Quốc Vượng thì đó là điều khắc nghiệt trong công bằng.

Về ý nói rằng ông trọng tài Salleh có một vài sai sót cho cả Việt Nam lẫn đội Thái Lan là hoàn toàn không đúng. Cứ coi lại băng ghi hình mà ta ghi lại được rất nhiều cú phạm lỗi của Sakda và một vài lỗi khác với Văn Quyến và các tuyển thủ Việt Nam đều bị bỏ qua. Cái rõ nhất vẫn là trọng tài không công nhận một bàn thắng trước mà Thanh Phương đã ghi vào lưới đối phương, mà tôi chú ý lúc đó ông trọng tài chính Salleh vẫn ở chỗ không cách xa vị trí thủ môn bao nhiêu, chứ không phải đổ cho ông trọng tài biên yếu kém.

Cái động tác duy nhất mà Salleh làm ra vẻ công bằng là cho một thẻ vàng đối với thủ môn người Thái, điều này chẳng ảnh hưởng gì đến thế trận và tâm lý của cầu thủ hai bên trong trận đấu.

Cũng trong cuộc họp rút kinh nghiệm về vụ án Trương Văn Cam như đã dẫn ở trên, ông Trương Vĩnh Trọng, Bí thư TƯ Đảng kết luận rằng qua vụ án này cái cần thiết nhất là phải chấn chỉnh công tác cán bộ. Ông Võ Văn Cương, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM thì phân tích rất sâu rằng: vụ án Năm Cam xuất hiện từ 1995 chứ không phải năm 2000, nhưng lúc đó có người lại cho rằng xử lý cán bộ mà chưa có chứng cứ thì sẽ bị khiếu nại rất khó. Ông Cương kết luận rằng, ta rút ra một bài học rằng, khi tôi thấy anh có vấn đề mà chưa thể đưa ra pháp luật được vì thiếu chứng cứ, tôi thấy anh không ổn thì chúng ta phải thay đổi ngay vị trí công tác để khỏi gây hậu quả mất mát lớn hơn cho bộ máy. Ông nói nếu ngày đó ta thay Nguyễn Mạnh Trung, Dương Minh Ngọc và một số người thì đâu để tổn thất lớn như năm 2000. Tôi nghĩ đến câu trả lời của anh Mai Liêm Trực rằng dù sao mọi chuyện đã qua rồi, bây giờ kết tội người này người khác như là vì họ mà VN mất HC vàng là quá nặng nề và không chính xác.

Tôi không hiểu rằng phóng viên bài báo nêu trên có hoàn toàn đăng đúng ý kiến anh hay không? Nếu đúng như vậy thì điểm này tôi không đồng tình với anh Trực. Và anh cũng rất là rộng lượng khi nói cả anh và anh Danh Thái cùng chịu trách nhiệm. Tôi cũng không đồng tình nốt, phải chỉ rõ địa chỉ trong việc này, chứ anh Danh Thái và cả anh Trực đâu thể thò tay vào những chuyện chuyên môn cụ thể như vậy được. Tôi đề nghị phải tìm ra địa chỉ và có thái độ thích đáng. Tôi đồng ý với anh Trực rằng chiếc huy chương vàng SEA Games đã về Thái Lan và ta cũng sẽ tập trung lo cho chuyện ngày mai của bóng đá Việt Nam. Điều đó rất đúng, nhưng ta phải làm thật rõ chuyện của hôm nay, làm "đâu ra đấy" chứ không phải "đâu vào đó" như phát biểu của một lãnh đạo cấp cao của Đảng từng nói về vụ Trương Văn Cam. Có như thế thì ta mới có một nền tảng vững chắc cho tương lai và đưa thế hệ vàng của bóng đá ngày nay đi tới đích.

Còn việc ông Riedl, ông Rainer nói rằng họ không phàn nàn về trọng tài. Đó là vấn đề hoàn toàn khác. Các ông là những HLV chuyên nghiệp. Bản thân ông Riedl sau khi làm HLV đội tuyển Việt Nam đã về làm huấn luyện cho một đội tuyển địa phương trong khi ông rất mong muốn tiếp tục hợp tác với liên đoàn để huấn luyện cho tuyển Việt Nam. Chỉ cách đây 5 tháng, chuẩn bị cho SEA Games 22 thì lúc bí người quá, ông Riedl mới được mời trở lại.

Sau số báo này, chúng tôi sẽ không đề cập tới vấn đề này nữa như đã nói ở trên để cho các nhà lãnh đạo các cơ quan chức năng có dịp rà soát lại các sự cố và xác định lại địa chỉ ai có trách nhiệm chính trong việc này để có một thái độ cho "đâu ra đấy" và ta lại tiếp tục lo cho tương lai bóng đá Việt Nam với một thế hệ vàng đang rất sung sức.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 17/12/2003)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.