Công ty chứng khoán đua giành khách hàng

12/10/2009 22:58 GMT+7

Dự kiến trong tháng 10 này, Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) chính thức niêm yết trên sàn TP.HCM (HOSE). Với khối lượng 880 triệu cổ phiếu (CP), việc thu hút các cổ đông của EIB mở tài khoản giao dịch, lưu ký CP đã thành cuộc đua gay cấn giữa các công ty chứng khoán (CTCK).

Miễn phí giao dịch

Ngay sau khi EIB có thông báo chính thức về việc niêm yết trên HOSE, hầu hết cổ đông của ngân hàng này đều nhận được thư mời lưu ký CP EIB từ nhiều CTCK với mức phí giao dịch hấp dẫn và nhiều ưu đãi, dịch vụ hấp dẫn. CTCK An Bình (ABS) giảm phí giao dịch từ 1,15% - 0,2% cho khách hàng lưu ký CP EIB tại ABS. Ngoài các dịch vụ như ứng trước tự động miễn phí, nhà đầu tư (NĐT) còn được mua đến 170% giá trị tài khoản sẵn có; bên cạnh phương thức giao dịch thuận tiện như qua internet, tin nhắn, điện thoại di động, NĐT còn "nhận được phần quà có giá trị" khi lưu ký CP EIB. CTCK SJC (SJCS) cũng gửi đến các cổ đông EIB chính sách "ưu đãi đặc biệt". Theo đó, miễn phí giao dịch cho NĐT lưu ký CP EIB và các giao dịch thỏa thuận chuyển CP EIB về tài khoản mở tại SJCS. Áp dụng phí giao dịch 0,09% cho tất cả các giao dịch CP EIB ngoài trường hợp trên. Cả hai chính sách ưu đãi đặc biệt này được áp dụng cho hết ngày 30.11.

CTCK Đà Nẵng cũng miễn phí giao dịch cho các NĐT lưu ký CP EIB đến hết tháng 11.2009. "Khủng" hơn cả là CTCK KimEng (KEVS) khi "hoàn toàn miễn phí giao dịch đối với CP EIB đến hết năm 2009 cho những cổ đông của EIB đến lưu ký tại KEVS". Miễn phí hết năm 2009 cũng là chính sách ưu đãi mà CTCK u Việt áp dụng đối với cổ đông EIB. Có thể nói, với khối lượng CP cực lớn, thuộc nhóm ngành “nóng” là tài chính - ngân hàng và đang là CP "nóng" nhất trên sàn OTC, việc EIB lên sàn đã mở màn cuộc đua giành khách hàng giữa các CTCK.

“Bỏ con tép, bắt con tôm hùm”

Cuộc chạy đua giảm, miễn phí giao dịch đã từng diễn ra khi TTCK rơi vào tình trạng sụt giảm, NĐT rời bỏ thị trường hồi năm 2008. Tuy nhiên, một cuộc đua giảm và miễn phí giao dịch để giành khách hàng từ việc lên sàn của một công ty thì có lẽ đây là lần đầu tiên xảy ra. Điều này cũng dễ hiểu, với khối lượng 880 triệu CP EIB, chỉ cần 10% cổ đông của ngân hàng này mở tài khoản, tham gia giao dịch cũng cung cấp cho thị trường một số lượng khá lớn NĐT mới. Việc các CTCK miễn phí giao dịch vài tháng trước mắt thực ra chỉ là "bỏ con tép, bắt con tôm hùm" mà thôi. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc SJCS, lý do SJCS và một số CTCK khác có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút cổ đông EIB là do cơ cấu cổ đông của ngân hàng này quá rộng. Vì vậy, việc thu hút cổ đông của EIB khi công ty này lên sàn không chỉ mang lại lượng khách hàng lớn mà cũng là một hình thức quảng bá rất hiệu quả cho CTCK.

"Trước đây cũng có nhiều ngân hàng lớn lên sàn nhưng cơ cấu cổ đông lại hẹp, chủ yếu là cổ đông nội bộ thì không có ý nghĩa gì nhiều", ông Tuấn nói. Đây cũng là nguyên nhân và mục đích của hầu hết các CTCK trong việc đưa ra các chính sách ưu đãi đặc biệt cho các cổ đông của EIB khi lưu ký CP tại công ty mình. Giám đốc một CTCK khác cũng thừa nhận, việc miễn phí giao dịch hết năm thực chất cũng chỉ khoảng 2 tháng rưỡi nếu như EIB niêm yết đúng kế hoạch dự kiến vào giữa tháng 10. Vì vậy, nếu thu hút được lượng lớn cổ đông EIB về công ty mình thì sẽ "miễn phí vài tháng, thu phí lâu dài". Một cổ đông EIB nhận được đến 4 thư mời mở tài khoản, lưu ký CP cho biết: “Lúc TTCK sôi động như giờ, việc mấy CTCK khuyến mãi giảm giá là hiếm lắm. Việc các công ty đua nhau ưu đãi NĐT như vậy đã đem lại lợi ích cho chúng tôi, vì đằng nào cũng phải lưu ký CP để giao dịch mà”.

Sau EIB, từ nay đến cuối năm còn khá nhiều công ty có vốn hóa lớn sẽ lên sàn, vì thế cuộc chạy đua giành khách hàng giữa các CTCK hẳn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.