Vừa đe, vừa dụ

04/12/2006 23:44 GMT+7

Chuyến thăm Syria của Bộ trưởng Ngoại giao Đức là thể hiện mới đây nhất nhận thức của phương Tây về vai trò của Syria và Iran trong vấn đề bình ổn Li-băng và Iraq và về chiều hướng điều chỉnh chính sách của họ đối với hai nước này.

Sau Mỹ là Anh và bây giờ đến lượt Đức. Sách lược của họ không còn là cái gậy và củ cà rốt nữa mà đơn giản chỉ là vừa dụ, vừa đe. Mỹ và Anh đã can dự sâu và đang sa lầy ở khu vực. Còn Đức không chỉ là một trong những quốc gia hiện có quân đội triển khai ở Li-băng, mà đã là Chủ tịch Nhóm G8, cùng với năm thành viên thường trực HĐBA LHQ lập thành nhóm đối tác quốc tế trong vấn đề hạt nhân của Iran và tới đây làm Chủ tịch EU. Quan điểm chính sách của họ sẽ là quan điểm chính sách của cả phương Tây trong thời gian tới.

Bước đi của ba nước này đối với Syria và Iran giống nhau, lập luận của họ chẳng khác nhau. Đằng sau đấy là nhận thức rằng tình hình Li-băng, mối quan hệ giữa Israel và Palestine, tình hình Iraq và vấn đề hạt nhân của Iran có liên quan đến nhau, chứ không biệt lập với nhau. Bản chất của những mối liên hệ với nhau này là mối quan hệ giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây, giữa Israel và thế giới Ả Rập, giữa người Shiite ở Iran, Iraq và Li-băng với các sắc tộc khác. Vì thế nên không thể có được giải pháp cho các vấn đề ấy nếu không có sự tham gia và vai trò của Syria và Iran, vì thế phải lôi kéo Syria và Iran.

Nhưng để giữ thể diện, để tránh bị mất vai trò quyết định và giữ được chân trong cuộc chơi, phương Tây đặt ra những điều kiện nhất định cho Syria và Iran, dọa dẫm buộc hai nước này phải đáp ứng, chẳng hạn như kiềm chế lực lượng Hezbollah ở Li-băng, tác động vào người Shiite ở Iraq, chấm dứt chương trình hạt nhân ở Iran… Cách thức vừa dụ, vừa đe như vậy đang được Bộ trưởng Ngoại giao Đức vận dụng ở Syria, báo hiệu họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài còn phải điều chỉnh chính sách sâu rộng và cơ bản hơn.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.