Bão số 7 gây thiệt hại nghiêm trọng

28/09/2005 00:48 GMT+7

Đến cuối ngày qua, Ban chỉ đạo PCLB trung ương vẫn chưa nhận được báo cáo cụ thể của các tỉnh gửi về do hệ thống thông tin liên lạc nhiều nơi bị gián đoạn nên rất khó khăn trong việc xác định con số thiệt hại cụ thể. Tuy nhiên, liên lạc với Ban chỉ huy PCLB các tỉnh, PV Thanh Niên đã được thông báo một số thống kê sơ bộ ban đầu.

Thanh Hóa: Thiệt hại được coi là nặng nhất vì đây là vùng tâm bão đi qua. Đã thống kê được 1 người chết (do ngã từ mái nhà xuống khi giằng chống bão). Đến 18h chiều 27/9, toàn tỉnh đã có 9.733 ngôi nhà bị đổ, tốc mái, trong đó riêng huyện Hoằng Hóa có tới 1.500 ngôi nhà bị tốc mái và đổ sập; hơn 7.000 ha lúa mùa và hoa màu bị đổ và ngập úng trong nước biển. Nhiều tuyến đê biển, đê sông bị vỡ và sạt lở nghiêm trọng; hàng chục ngàn cột điện, điện thoại, cây xanh bị đổ khiến suốt từ 4h sáng đến chiều tối 27/9 địa bàn toàn tỉnh bị mất điện hoàn toàn.

T.Ư Đoàn thăm và cứu trợ tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 7, chiều 27/9, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Đào Ngọc Dung đã chủ trì cuộc họp với một số ban, đơn vị T.Ư Đoàn để bàn các biện pháp ứng phó. Sáng 28/9, 3 đoàn công tác do  Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Thành Phong, các Bí thư T.Ư Đoàn Lê Mạnh Hùng, Bùi Đặng Dũng dẫn đầu đến thăm và cứu trợ cho người dân 3 tỉnh bị thiệt hại nặng nề là Thanh Hóa, Nam Định và Ninh Bình. Ba đoàn công tác của T.Ư sẽ cùng các tỉnh Đoàn trực tiếp tham gia chỉ đạo việc tổ chức lực lượng thanh niên tham gia chống lụt bão, đồng thời thăm hỏi bà con ở những vùng bị lũ lụt.

Tại huyện Hậu Lộc, hơn 9km đê bị tràn nước. Một đoạn đê dài 14m tại xã Ngư Lộc bị vỡ, nhấn chìm cả xã dưới nước sâu tới 3m. Đê biển tại xã Hoằng Thanh, Hoằng Hóa cũng bị vỡ đoạn dài 5m làm nước biển tràn cả vào xã Hoàng Phú khiến 18.000 ngôi nhà dân bị ngập trong nước. Hàng loạt tuyến đê biển, đê cửa sông như Đa Lộc, Ninh Phú, Quảng Phú, Quảng Xương, Hải Thượng, Tĩnh Gia, Quảng Nham bị tràn, một số vị trí bị vỡ. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 83 tỉ đồng.

Hải Phòng: Tại thị xã Đồ Sơn, vào lúc 9h sóng đánh tràn qua đê biển 1 thuộc xã Ngọc Hải, hệ thống kè đá khu du lịch đã bị những ngọn sóng cao trên 3m tấn công làm hư hỏng nặng, toàn bộ khu 1 của thị xã ngập chìm trong biển nước. Ông Nguyễn Bá Tiến, Phó ban PCLB thành phố cho biết tại huyện đảo Cát Hải ngay từ sáng (27/9), sóng đã tràn qua mặt đê, gây sạt lở nghiêm trọng tại một số tuyến đê xung yếu và gây ngập lụt toàn thị trấn ở mức nước 60 - 70cm. Tuyến đê biển Văn Chấn - Cái Vỡ của huyện bị sạt lở làm hàng ngàn ruộng muối, đầm nuôi trồng thủy sản trên đảo và ở khu công nghiệp Đình Vũ bị nước biển tràn vào. Tại huyện Kiến Thụy, hệ thống đê biển 1 do sóng đánh tràn qua nên có một số đoạn mái đê bị xô sạt. Chiều cùng ngày, nước triều đã bắt đầu rút, sức gió đã giảm nhiều. Thị xã đã điều động phương tiện đưa bà con đi tránh bão trở về gia đình, thiệt hại tạm thời chưa thể thống kê được.

Quảng Ninh: Lúc 11h ngày 27/9, khi bão đã ngớt, chị Đỗ Thị Ngân, sinh năm 1974, trú tại tổ 44, khu 3, phường Cẩm Phú - thị xã Cẩm Phả đã bị chết do suối thoát nước cuốn trôi. Tại huyện Tiên Yên, bão làm 3 người bị thương do sập nhà làm việc của công ty cổ phần xây dựng Đông Hải; 70 người ở thôn Cống To, xã Tiên Lãng đi lấy song mây ở các đảo hiện chưa rõ tin tức. Bão đã làm tốc mái 15 nhà của Bệnh viện bảo vệ sức khỏe tâm thần - thị xã Cẩm Phả và trên 50 nhà dân ở các huyện Tiên Yên, Hoành Bồ, Cô Tô. Đến 11h30 ngày 27/9 bến phà Bãi Cháy - TP Hạ Long đã hoạt động trở lại. Chiều 27/9, trên 11.000 người thuộc 8 xã vùng đảo Hà Nam di dời trú bão đã được huyện Yên Hưng tổ chức đưa về nhà. Tỉnh Quảng Ninh đã huy động 32 xe ô tô chở khách vào việc vận chuyển này.

Cứu trợ đồng bào bị bão ở Thanh Hóa

Nam Định: Mưa lớn kết hợp triều cường đã làm vỡ khoảng 100m đê biển tại các xã: Hải Triều, Hải Hòa, Hải Thịnh thuộc huyện Hải Hậu; một đoạn đê xã Bạc Long, huyện Giao Thủy cũng bị vỡ nhưng không gây thiệt hại về người.

Thái Bình: Mưa bão đã làm sập 10 nhà dân và tốc mái 250 gian nhà khác. Số phòng học ở tỉnh này bị tốc mái 200 gian, đổ 1 phòng; 300 cột điện bị gãy đổ; trên 3.500m đê của các tuyến đê số 5, 6, 7, 8 bị sạt lở, hàng chục ngàn ha lúa và hoa màu bị úng ngập.

Tin cuối ngày về bão số 7. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đêm 27/9 đã phát  tin cuối cùng về cơn bão số 7: Sau khi đi sâu vào đất liền, bão đã suy yếu xuống cấp 8, cấp 9, di chuyển về phía tây qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, rồi tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên địa phận nước Lào. Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh thuộc phía đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tính đến 19h ngày 27/9, tổng lượng mưa đo được ở các tỉnh đồng bằng ven biển Bắc Bộ và tỉnh Hòa Bình phổ biến ở mức 100 đến 150 mm... (M.V)

Ninh Bình: Theo thống kê sơ bộ có tới trên 2.230 nhà ở, trường học bị đổ, tốc mái và hư hại nặng; hàng trăm mét đê sạt lở; hàng trăm cột điện hạ thế và cao thế bị đổ. Hiện có 2 người mất tích ở huyện Kim Sơn do đi ra đầm tôm vào thời điểm lặng gió. Tại thị xã Tam Điệp, hệ thống thông tin tê liệt hoàn toàn. Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo sơ tán 2.400 hộ dân trong vùng nguy hiểm tới nơi an toàn. Các hộ nuôi trồng thủy sản đã đánh bắt được 99% diện tích nuôi tôm, cua nên thiệt hại không đáng kể. Đến 15h, tại thị xã Ninh Bình, trời bắt đầu ngớt mưa, gió nhẹ đi. Số xe khách, xe tải bị mắc kẹt bắt đầu lưu thông. 17h chiều, sinh hoạt tại đây trở lại bình thường.

Nghệ An: Thiệt hại khoảng 20 tỉ đồng. Bão số 7 chỉ ảnh hưởng nhẹ và thiệt hại được giảm thiểu đáng kể so với cơn bão số 6. Tính đến 14h chiều 27/9, có 2 người bị thương (một ở xã Quỳnh Minh, một ở xã Quỳnh Tam), hư hại 140 ngôi nhà. Về nông nghiệp đã có 12.000 ha lúa mùa bị ngập, 13.000 ha hoa màu bị hư hại, 30.000m đê bị sạt lở. Bão số 7 cũng làm đổ 235 cột điện hạ thế, nhiều đoạn đường quốc lộ và tỉnh lộ bị ngập, sạt lở nhiều tuyến đường của các huyện miền núi và các đường liên huyện với khối lượng ước tính 15.000m2 (100 km).

Hà Tĩnh: 11h trưa 27/9, mưa lớn cộng với triều cường làm 5km đê biển thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên bị cuốn trôi. Nhiều khu dân cư của huyện bị cô lập trong nước biển. Rất may, trước đó các lực lượng PCLB đã kịp thời đưa 34.000 dân các vùng cửa sông, cửa lạch đi sơ tán đến nơi an toàn. Ngày 27/9, 148 học sinh các trường học ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh không thể về nhà vì nước lũ dâng cao, chia cắt các tuyến đường. Lực lượng cứu hộ tại chỗ đã kịp thời ứng cứu đưa về nhà an toàn.

Đi lại, thông tin liên lạc bị gián đoạn

* 2.000 hành khách của Vietnam Airlines (VNA) bị hủy, trễ chuyến bay. Do ảnh hưởng bão số 7, 14 chuyến bay của VNA đã bị hủy, 7 chuyến bay bị chậm cất cánh, ảnh hưởng đến khoảng 2.000 hành khách. Tuy nhiên, hầu hết hành khách đã được VNA thông báo trước về ảnh hưởng của cơn bão số 7 tới các chuyến bay. Do hủy và hoãn chuyến bay, số hành khách lưu lại tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng được VNA giải quyết chỗ ăn, nghỉ theo quy định của hãng. Các chuyến bay quốc tế chính của VNA không bị ảnh hưởng gì.

* Thanh Hóa: 15.000 thuê bao cố định mất liên lạc. Tại Thanh Hóa, theo thống kê chưa đầy đủ, có 8 tuyến truyền dẫn vi ba nội tỉnh bị hư hỏng, làm mất liên lạc tại 12 trạm viễn thông bao gồm 14 tổng đài vệ tinh và độc lập, 7 trạm BTS và trạm lắp di động của hai mạng Vinaphone, MobiFone. Nhiều tuyến cột ở các huyện ven biển bị gãy, đổ; nhiều tuyến cáp, đường dây thuê bao bị đứt... Một số trụ sở Bưu điện huyện, bưu cục, trạm viễn thông, điểm bưu điện văn hóa xã ở Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Sầm Sơn, Tĩnh Gia bị tốc mái, cửa, đổ tường rào... Theo thống kê sơ bộ đến chiều 27/9, toàn tỉnh có 190 tuyến cáp các loại bị đứt; trên 15.000 máy điện thoại cố định bị mất liên lạc. Tại Quảng Ninh, có khoảng 2.000 thuê bao cố định mất liên lạc do ảnh hưởng của bão, thông tin thỉnh thoảng bị chập chờn, gián đoạn tại các đảo Cô Tô, Quan Lạn.

Sơ tán dân ở Ngư Lộc

Bạn đọc Báo Thanh Niên khẩn trương quyên góp cứu trợ đồng bào nạn nhân cơn bão số 7

Hướng về đồng bào các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ đang chống chọi với sự tàn phá của cơn bão số 7, với tinh thần "máu chảy ruột mềm", nhiều bạn đọc đã chủ động đóng góp để cứu trợ đồng bào bị bão lụt.
Dưới đây là danh sách các nhà hảo tâm, tính đến 19h30 ngày 27/9/2005:

- DNTN Võng xếp Duy Lợi (TP.HCM): 10.000.000đ
- Ông Trương Ngọc Minh (13 Đặng Trần Côn, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM): 500.000đ
- Nhà thuốc tây Thuận Đức (47 Nguyễn Thái Bình, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM):  200.000đ
- Công ty Văn hóa Hương Trang (416 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP. HCM): 1.000.000đ
- Công ty Dược Lê Bảo (9 Ngô Tất Tố, P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): 1.000.000đ
- Công ty Hoàng Trọng (329 Trần Hưng Đạo, TP.HCM): 5.000.000đ
- Công ty Kho lạnh Thành Công (Trần Đại Nghĩa, Q.Bình Tân, TP.HCM): 5.000.000đ
- Cửa hàng xe máy Việt Hoa (309 Nguyễn Oanh, Gò Vấp, TP.HCM): 200.000đ.
Số tiền trên sẽ được chuyển tới tay người dân ba tỉnh Thanh Hóa, Nam Định và Ninh Bình ngay trong sáng 28/9.

Ban CTBĐ

Toàn cảnh cơn bão số 7

Nhóm PV tòa soạn Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.