Tăng trưởng cao mà giá cũng lên cao thì còn ý nghĩa gì nữa!

21/10/2005 23:31 GMT+7

Trong phần thảo luận về kinh tế - ngân sách tại hội trường, nhiều đại biểu QH cho rằng, cần phải đẩy cao hơn mức độ tăng trưởng GDP, thậm chí đến 10-11%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng lại không nghĩ thế. Ông nói:

- Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nhưng cũng phải trên cơ sở bền vững vì còn nhiều vấn đề phải giải quyết về xã hội, nghèo đói, môi trường... trong khi ta lại đang muốn giảm tỷ lệ nghèo đói xuống. Theo tôi, việc đề ra một mục tiêu cao về tăng trưởng hay điều chỉnh, chính sách về giá cả phải mềm dẻo. Nếu ta có thể đẩy mức tăng trưởng đến 10% thì cũng có thể cho mức tăng giá cả lên hơn một chút. Nếu tăng trưởng kinh tế là 8% thì mức tăng chỉ số giá cả (CPI) cũng khoảng đó, tùy tình hình thực tế trong năm. Nên duy trì mức tăng trưởng ở 8%. Có thể tăng đầu tư, bơm tiền từ ngân hàng ra để nâng cao tốc độ tăng trưởng nhưng cũng không được để giá lên. Cho nên cũng phải kiềm chế mức độ tăng trưởng để giữ được giá. Năm sau, tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, nhưng chúng ta vẫn muốn lên cao nữa. Đó là vấn đề rất rủi ro.

* Một số ngành điện, than... đang chuẩn bị tăng giá đầu năm 2006. Việc tăng giá các sản phẩm này có tiếp tục kéo theo một đợt tăng giá mới, gây sức ép lớn cho vấn đề tăng trưởng và kiềm chế tỷ lệ tăng lạm phát ?

- Chính phủ cho phép họ tăng giá nhưng cũng đồng thời yêu cầu các ngành này nâng cao sức cạnh tranh, coi như đó là một biện pháp kiềm chế tăng giá. Cái khó là để cho họ tăng giá đến cái mức mà không lỗ, nếu mà lỗ thì đổ. Có thể là anh đừng có lợi dụng tăng giá để ăn lời nhiều, nhưng lỗ cũng không được.

* Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế thế giới thì trong năm tới, giá dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động theo chiều hướng tăng mạnh và tất nhiên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới VN. Liệu ta còn giữ chính sách bao cấp về giá dầu?

- Cái đó còn tùy thuộc nhiều vào vấn đề cân đối vĩ mô trong nước. Xu hướng của chúng ta là giảm dần, tiến tới chấm dứt bao cấp. Tình hình không cho phép thì chúng ta vẫn phải tiếp tục bao cấp. Điều hành thì không chỉ nhìn xa mà cũng phải nhìn trong ngắn hạn, nếu không để ý sẽ làm vỡ mặt bằng giá. Nhưng nguyện vọng của tôi là đã xử lý xăng rồi (xóa bao cấp giá xăng - PV) thì cũng phải tiến tới bỏ bao cấp giá dầu. Bởi vì bao cấp gây nên sự bất bình đẳng trong nền kinh tế giữa nước ta và các nước. Bao cấp thì lấy đâu ra xóa đói giảm nghèo, lấy đâu ra giải quyết các vấn đề xã hội? Bao cấp không tạo ra sức cạnh tranh mới cho doanh nghiệp.

* Nếu như năm tới VN gia nhập WTO, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới thì thu thuế từ hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ phải giảm nhanh. Ngành tài chính sẽ hướng tập trung tăng thu nội địa ở những lĩnh vực nào ?

- Trước hết vẫn phải tận thu thuế nhập khẩu. Hiện nay, ta đã không thu xuất khẩu mà thu nhập khẩu. Sắp tới, tốc độ tăng xuất - nhập khẩu là còn lớn. Chúng ta còn một số mức thuế để thu. Như với ASEAN còn từ 0-5%, một số mặt hàng còn thu cao như ô tô nhập khẩu, xăng dầu..., một số mặt hàng cao cấp, ngoài ra còn thuế tiêu thụ đặc biệt, bia, thuốc lá..., thuế VAT với hàng nhập khẩu. Tận thu để bù đắp giảm thu. Nhưng lâu dài nhất vẫn là phải đẩy mạnh sản xuất nội địa. Cho nên, năm nay phải thiết kế ngân sách mà nền kinh tế chịu được. Tăng thu với sản xuất nội địa: với khu vực doanh nghiệp Nhà nước, tăng tới 12%, khu vực đầu tư nước ngoài tăng 35%, đối với ngoài quốc doanh tăng 23%, cao hơn mức độ tăng trưởng nhiều nhưng vẫn chịu được. Lấy thu nội địa làm chính để dần dần nó có tỷ lệ thu cao để khắc phục giảm thuế nhập khẩu và đến một lúc nào đó khi thuế nhập khẩu hết, thị trường trong nước đã phát triển thì ta có thể thu hoàn toàn từ nội địa, mặc dù ta chỉ động viên vào nền kinh tế khoảng 20% thôi nhưng tổng thu sẽ lớn.

Mạnh Quân  (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.