Chuyển sàn "làm mới" cổ phiếu

21/10/2007 21:47 GMT+7

Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) sẽ chính thức chuyển sàn từ Hà Nội vào niêm yết tại sàn TP.HCM vào ngày 29.10 tới với số lượng 79,9 triệu cổ phiếu (CP). Việc chuyển sàn của SSI được xem là sự khởi đầu cho xu hướng chuyển sàn sắp tới sau một thời gian tạm lắng.

Giá tăng khi chuyển sàn

Lình xình theo diễn biến của thị trường và không có gì đột phá, giá CP SSI chỉ xoay quanh mức 160.000 đồng/CP suốt một thời gian dài. Thế nhưng, khi thông tin chuyển sàn của SSI được công bố thì khối lượng giao dịch của SSI bắt đầu tăng lên. Đặc biệt, trong vòng 3 tuần cuối cùng trước ngày SSI chấm dứt giao dịch tại sàn Hà Nội (ngày 12.10), giá CP này đã tăng chóng mặt theo từng ngày: từ 170.300 đồng/CP (ngày 17.9) lên 260.100 đồng/CP (ngày 12.10). Tất nhiên, cũng không loại trừ có phần hỗ trợ từ thông tin lợi nhuận 8 tháng đầu năm công ty này đạt 805 tỉ đồng khiến cho nhà đầu tư (NĐT) thêm tin tưởng vào sự tăng trưởng của nó. Nhưng chính hy vọng vào một sự tăng giá đột biến của SSI khi giao dịch tại sàn TP.HCM theo cách nhìn nhận của nhiều NĐT bởi "quy luật" tăng giá vùn vụt của các CP mới niêm yết vừa qua đã đóng vai trò quan trọng đưa giá SSI vượt lên. Càng sát những phiên giao dịch cuối cùng ở Hà Nội, giá và khối lượng giao dịch của SSI càng tăng.

Anh Ngọc Tuấn, một NĐT tại sàn VCBS cho biết từ trước đến nay anh không hề chú ý đến các loại CP trên sàn Hà Nội. Nhưng mới đây anh đã quyết định mua 500 CP SSI với giá 250.000 đồng/CP trước ngày CP này ngưng giao dịch tại sàn Hà Nội hai ngày. "Mặc dù giá đã lên nhiều rồi nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ còn tiếp tục tăng sau khi giao dịch trên sàn TP.HCM. Mình mua trước vẫn tốt hơn" - anh Tuấn nói. Còn theo anh Thanh, một NĐT khác: "Giá CP của Công ty chứng khoán Bảo Việt đã đạt mức 600.000 đồng/CP thì SSI ít nhất cũng phải đạt được một nửa giá đó. Xét trên nhiều yếu tố như các chỉ tiêu tài chính, thương hiệu... thì SSI và Bảo Việt cũng đâu cách xa nhau nhiều". 

Nhìn lại những công ty đã chuyển sàn trước đó như Nhiệt điện Phả Lại (PPC), cảng Đoạn Xá (DXP), Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Sinh (VSH)... kịch bản cũng tương tự. Trước và khi mới chuyển sàn, các CP này đều được nhiều NĐT chú ý đến. Ngay khi Công ty thủy sản Minh Phú (MPC) công bố kế hoạch chuyển sàn và đặc biệt, từ khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM công bố nhận đầy đủ hồ sơ xin niêm yết của công ty này thì giá CP đã vùn vụt đi lên từ 52.500 đồng/CP (ngày 17.9) đến hết ngày 29.10 đạt 77.500 đồng/CP.

Chuyển sàn vì nhiều lý do

Theo ông Nguyễn Hồng Nam, Phó tổng giám đốc SSI, việc chuyển sàn niêm yết là để thực hiện đúng cam kết của công ty với các NĐT, nhất là NĐT chiến lược trong đợt phát hành thêm 30 triệu CP mới để tăng vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng lên 800 tỉ đồng vừa qua. "Chúng tôi cam kết với NĐT chiến lược là sau khi hoàn thành đợt phát hành CP mới sẽ chuyển vào sàn TP.HCM. Đó là đáp ứng yêu cầu theo các tiêu chí của NĐT chiến lược cũng như sự mong muốn của nhiều NĐT nhất. Việc này không liên quan gì đến giá CP vì những CP đang niêm yết trên sàn Hà Nội không có kế hoạch chuyển sàn cũng tăng giá ầm ầm", ông Nam nói. 

Đại diện Công ty Minh Phú cũng cho biết việc chuyển sàn niêm yết là do áp lực của các cổ đông. Trên thực tế, một điều dễ nhận thấy là tính thanh khoản của các CP trên sàn TP.HCM cao hơn nhiều so với CP đang giao dịch tại sàn Hà Nội. Chính điều đó đã góp phần đẩy giá CP tăng lên. Giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM nhận xét, quy mô của sàn Hà Nội vẫn còn nhỏ. Vì vậy một số tổ chức tài chính, quỹ đầu tư nước ngoài nại lý do như mất thời gian quản lý, chi phí cao hơn... Việc các công ty có đủ điều kiện để chuyển vào niêm yết tại sàn TP.HCM nhằm thu hút hơn nữa sự quan tâm của NĐT là điều tất yếu. 

Thế nhưng, không phải công ty nào cũng có kế hoạch xem sàn Hà Nội chỉ như một bước đệm trung gian mà những doanh nghiệp lớn vẫn đang giao dịch tại đây như Ngân hàng Á châu (ACB), Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVS), Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (PVI)... và sắp tới sẽ niêm yết như Công ty kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam. Việc chọn sàn sẽ tùy thuộc vào doanh nghiệp cũng giống như NĐT lựa chọn CP cho danh mục đầu tư của mình. Dù niêm yết ở sàn nào thì điều quan trọng cuối cùng vẫn là kết quả kinh doanh của công ty khả quan, lợi nhuận cao, minh bạch trong việc công bố thông tin... thì CP của doanh nghiệp đó vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của các NĐT.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.