Việt Nam đủ tiềm năng phát triển điện hạt nhân

30/10/2008 11:24 GMT+7

Theo dự thảo đang được Bộ Công thương hoàn thành để trình Quốc hội, Việt Nam sẽ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh duyên hải Nam Trung bộ Ninh Thuận, với 4 lò phản ứng công suất 1.000 MW mỗi lò.

Dự kiến, đến năm 2020, tổ máy đầu tiên được đưa vào vận hành sẽ cung cấp khoảng 1% tổng lượng điện tiêu thụ trong cả nước và đến khi hoàn thành toàn bộ, 2 nhà máy này sẽ cung cấp lượng điện tăng dần, từ 6% tổng lượng điện cả nước vào năm 2030 lên 20%-25% vào năm 2050.

Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu điện sản xuất ở Việt Nam đến năm 2020 vào khoảng 294 tỷ kWh và đến năm 2030 khoảng 562 tỷ kWh. Trong khi đó, khả năng cung cấp nhiên liệu từ các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện năng chỉ đáp ứng được khoảng 230 tỷ kWh vào năm 2020 và 293 tỷ kWh vào năm 2030.

Chính vì vậy, các chuyên gia về năng lượng nguyên tử cho rằng việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam là hợp lý trong bối cảnh điện hạt nhân đang trở thành giải pháp thích hợp để thế giới đối mặt với khủng hoảng năng lượng và giảm tải phát thải khí ô nhiễm. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Đăng Vang, Việt Nam có đủ năng lực để vận hành nhà máy điện hạt nhân và kế hoạch hoàn thành lò phản ứng hạt nhân đầu tiên vào năm 2020 là “vô cùng quan trọng” trong bối cảnh thiếu điện hiện nay.

Bên cạnh đó, ông Vang tin tưởng rằng trong thời gian ngắn có thể đào tạo một đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý đến việc phát triển nguồn nhân lực, xử lý chất thải hạt nhân, bảo vệ môi trường và an toàn bức xạ. Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN cho rằng cần thiết sản xuất điện hạt nhân ở Việt Nam nhưng phải có thời gian để hoàn thiện hơn về nhân lực, tiềm lực công nghệ và năng lực quản lý.

Theo Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nên thử nghiệm trước một lò diện hạt nhân, sau đó hoàn thiện dần về cơ chế, cơ sở hạ tầng, nhân lực. Nhằm đáp ứng nhân lực cho lĩnh vực này, bắt đầu từ năm 2009, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng sẽ tuyển sinh chuyên ngành điện hạt nhân. Hiện bộ này đang xây dựng đề án và chọn các trường phù hợp để mở khoa đào tạo chuyên ngành này.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Đăng Vang hiện nay cả nước có nhu cầu tăng trưởng năng lượng khoảng 17%/năm nhưng thực tế chỉ sản xuất được 13%-14%, tức là mỗi năm thiếu khoảng 3%-4%. Trong khi đó các nguồn thủy điện, nhiệt điện liên tục thiếu hụt. Vì vậy, ông Vang khẳng định không nên chần chừ trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân và Việt Nam đủ tiềm năng để thực hiện.

Theo Việt Lâm / Báo SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.