Tăm tối xóm mù kênh nước đen

08/02/2004 21:34 GMT+7

Cứ mỗi buổi sáng, những người mù lại họ mò mẫm tỏa đi khắp các nẻo đường thành phô mà xin ăn. Chiều tối, từng tốp người lại dắt díu nhau trở về xóm mù ở P. Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP Hồ Chí Minh...

Gia đình bác Hoàng Thị Thúy Châu có ba thế hệ mù. Bác Châu bị mù năm 7 tuổi, năm 13 tuổi thì lưu lạc vào Sài Gòn. Chồng bác là bác Nguyễn Văn Thành cũng bị mù từ nhỏ. Năm 1997, bị xe đụng phải làm gãy chân, từ đó bác Châu phải di chuyển bằng xe lăn. Bác sinh được 2 người con. Đứa nhỏ năm 1983 bị kẻ xấu bụng bắt mất. Đứa lớn tên là Phượng, tuy sáng mắt nhưng lại bị gù lưng bẩm sinh. Chị Phượng kết hôn với một người mù là anh Đoàn Thanh Nam, sinh được cháu gái 5 tuổi. Cháu tuy chưa mù nhưng bị dị tật giác mạc bẩm sinh cả hai mắt nên nay thị lực đã rất kém. Trong căn nhà khoảng 20m2 của gia đình mù ba thế hệ này, mọi người đều phải thay phiên nhau để đi ăn xin và bán vé số.

Bên trong những căn nhà khoảng mười mấy mét vuông làm bằng rất nhiều thứ vật liệu đó, có rất nhiều những câu chuyện thương tâm. Ông Dương Minh Mẫn - một người mù bẩm sinh - luôn ước ao có một đứa con sáng mắt. Năm hơn bốn mươi tuổi ông mới tìm được một người cùng cảnh ngộ chịu kết hôn với ông. Vợ chồng ông sinh được 2 cháu nhỏ nay 4 và 2 tuổi. Thật không may, mới đây ông bị tai nạn gãy chân và thế là những người bạn mù phải san sẻ phần thực phẩm kiếm được cho gia đình ông. Gia đình ông Mẫn là một trong hai hộ mù may mắn được hưởng chính sách hỗ trợ mỗi tháng năm mươi ngàn đồng.

Chị Nguyễn Thị Bích, một người mù không nhà được một người bạn mù cho hai mẹ con ngủ nhờ. Chồng chị không biết lạc lối ở nơi nào đã gần một năm nay chưa về (ở xóm mù thỉnh thoảng có người đi lạc hàng tháng trời mới tìm được lối về). Chị Bích bị mù lúc sáu tuổi bị lạc gia đình khoảng mười năm nay. Chắp nhặt từ những câu chuyện chị kể, tôi hình dung chị là một đứa con bị thất lạc của một gia đình khá giả ở TP Hồ Chí Minh.

Mỗi người trong họ sinh ra từ những nơi khác nhau nhưng có chung số phận bất hạnh. Họ tụ họp tại khu vực hoang phế nằm cuối dòng kênh Nước Đen này để dựng nhà sinh sống. Quê hương bản quán chỉ còn lại trong ký ức xa mờ. Tổng cộng ở xóm mù có 81 hộ gia đình mù. Cuối năm 2003, 51 hộ đã thực hiện xong việc giải tỏa để trả lại hành lang kênh Nước Đen với mức hỗ trợ 2triệu đồng/m2. Với số tiền 30 - 40 triệu đồng, mỗi gia đình mù khó mà xoay xở được nơi ở. Qua tìm hiểu của chúng tôi, gần như tất cả các hộ người mù đành phải tái định cư bằng cách thuê phòng ở lại xóm mù (ấp 3 và ấp 5). Những nơi khác khó mà có người chấp nhận cho người mù thuê phòng ở. Bác Nguyên, một cư dân xóm mù thuộc diện giải tỏa tâm sự : “Số tiền Nhà nước phát cho diện giải tỏa ba mươi mấy triệu tôi dùng thuê phòng ở. Tôi mong sao có nơi để ở chớ tiền thì tôi chẳng phân biệt được đồng này đồng kia”. Đó có lẽ cũng là suy nghĩ chung của tất cả những người mù bị giải tỏa. Họ mong muốn có một nơi để an tâm nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc mò mẫm trên bước đường mưu sinh.

Ở xóm mù có rất nhiều trẻ em. Gia đình hai vợ chồng mù Nguyễn Thông –Trần Thị Kim Yến có đến 6 con; đôi vợ chồng mù mới ngoài ba mươi Nguyễn Văn Dũng –Nguyễn Thị Hoa có 4 con, lớn nhất chỉ mới 10 tuổi... Nhiều gia đình có 3 con, 2 con. Chị tổ trưởng dân phố giải thích: “Đối với người mù, sinh được một đứa trẻ con sáng mắt là niềm hạnh phúc lớn”. Lớn lên, các em sẽ dắt bố mẹ ra đường kiếm sống. Sẽ về đâu, những đứa trẻ xóm mù kênh Nước Đen ?

Rời xóm mù, tôi lan man nghĩ về một sự chăm sóc của xã hội để có một ngôi nhà chung mà nơi đó các đứa con những người mù không phải lao động kiếm sống , được quyền cắp sách đến trường. Có xa vời lắm không?

Ghi chép của Đình Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.