Nghề đan thúng chai

10/12/2006 16:37 GMT+7

Nằm cheo veo trên một vùng bán sơn địa của xã Hòa Nhơn, thôn Phước Hưng (TP Đà Nẵng) là nơi cung cấp thúng chai nhiều nhất cho ngư dân Đà Nẵng. Cả thôn chỉ có 7 hộ sống bằng nghề đan thúng, nhưng nghề này đã tồn tại cả trăm năm.

Ông Trần Phi là  người đan chiếc thúng đầu tiên, nay đã thành người thiên cổ. Hiện nay, trong 7 hộ làm nghề đan thúng ở Phước Hưng có 3 người con trai của ông Trần Phi là Trần Phiệt, Trần Ngưu và Trần Quyệt nối nghiệp cha. Trong đó, thúng do ông Trần Quyệt đan luôn được bà con ngư dân tín nhiệm nhất về độ sắc sảo và bền chắc. Vì được ngư dân tin tưởng, mùa mưa cũng như mùa nắng, ngày cũng như đêm, công việc đan thúng của ông Quyệt không bao giờ ngơi nghỉ. Đôi lúc, ông nhận đặt hàng của ngư dân rồi nhượng lại cho anh em đan nhưng riêng việc vót vành lận thúng - khâu quan trọng nhất để tạo nên sự sắc sảo, bền chắc của thúng - đều do ông đảm nhiệm.

Thúng chai được đan bằng tre nhưng phải từ 2 loại: tre mỡ dùng để chẻ nan và tre đực (tre có gai) dùng để vót vành lận thúng. Người đan thúng thường giỏi luôn cả nghề chặt tre, họ phải lên tận Hòa Phong, Hòa Phú, Tùng Sơn, An Ngãi tìm mua tre. Tùy theo tre lớn hay nhỏ, để đan được một chiếc thúng, thợ đan cần từ 10-15 cây tre, đặc biệt, tre phải từ một năm tuổi trở lên mới bảo đảm được độ bền, dẻo dai của thúng. Đường kính của thúng từ 7- 8,5 mét và người bán thường tính theo đơn vị mét để  bán. Theo giá hiện nay, thúng chai trơn khoảng 750- 800 nghìn đồng/thúng, nếu trét dầu thì lên đến 1,4 - 1,5 triệu đồng/thúng.

Ôâng Trần Quyệt cho biết: “Nghề đan thúng chai là một nghề khó, công kỹ, ngoài việc cần có đôi bàn tay khéo léo, khỏe mạnh, người đan thúng phải có kinh nghiệm và kỹ thuật điêu luyện để làm công đoạn vót vành lận thúng”. Tre mua về được cắt khúc theo thước tấc đã tính sẵn, chuốt hết tinh màu xanh của tre để sau này trét dầu rái cho tre thấm, sau đó, nổ tre chẻ nan ra vót. Nan tre đem phơi nắng cho khô nhưng phải phơi qua 2 lớp sương cho tre thẳng ra mới đan được. Khi phơi nan tre, điều tối kỵ là không được để nan tre thấm nước mưa vì nước mưa sẽ làm nan tre bị gãy. Mùa mưa, phải chuẩn bị tre thật nhiều trong nhà để chẻ nan ra dựng đứng hong khô.

Trước nhà thợ đan thúng chai nào cũng có những cọc tre ngắn đóng xuống đất làm khuôn đan thúng. Thúng cho ngư dân vùng Nam Ô có hình hột xoài và thúng cho ngư dân Thanh Khê đi câu mực thì tròn vành vạnh. Hình dáng của thúng là do yêu cầu đặc điểm đánh bắt của ngư dân. Ngư dân Nam Ô chỉ đánh bắt thủy sản ven bờ, sáng sớm đi chiều tối đã về, mũi thúng hơi nhọn,  tựa như mũi ghe, tàu để dễ lướt đi trên biển. Trong khi đó, thúng cho ngư dân Thanh Khê đi câu mực phải tròn để lênh đênh hàng tháng trời trên biển.

Ở Đà Nẵng, số người sinh sống bằng nghề biển rất đông, có cả gần 2 nghìn chiếc tàu đánh bắt thủy hải sản nên những người đan thúng chai luôn có việc để làm. Nếu đan cật lực, gia đình ông Quyệt gồm 3 người (vợ chồng ông và một người thợ đan thuê) có thể đan từ 6 - 8 thúng/tháng. Ông Quyệt khẳng định: “Nếu có người, mỗi tháng đan từ 30 - 40 cái thúng ngư dân vẫn mua hết. Tuổi thọ trung bình của một thúng chai thường từ 3-5 năm, nhưng xoay vòng, ngư dân vẫn cứ đặt hàng thường xuyên, chỉ sợ chúng tôi không có sức để làm”.

7 hộ đan thúng ở Phước Hưng đều ở tuổi trung niên trở lên, nỗi lo của họ là không có người kế nghiệp. Hầu hết con cái của những hộ này đều không theo nghề của cha mẹ. Hiện nay, loại thúng bằng nhựa composit với nhiều tính năng ưu việt đã có mặt trên thị trường nhưng ngư dân vẫn chuộng thúng chai đan bằng tre. Họ cho rằng, thúng chai đan bằng tre nặng, có độ đằm, trong khi đi câu mực tít tận ngoài khơi xa, lại chủ yếu vào ban đêm, ngư dân chỉ một mình một thúng, lênh đênh trên biển, thúng nhựa nhẹ dễ bị sóng lớn đưa đi xa, đêm trên biển lại đen kịt, khó xác định vị trí tàu nên thúng chai vẫn được họ ưu tiên lựa chọn khi đi làm nghề.

Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, những loại thúng composit sẽ đáp ứng, thỏa mãn mọi yêu cầu đánh bắt của ngư dân. Nghề đan thúng chai có thể không còn nữa và biết đâu mai này đan thúng lại trở thành một địa điểm làng nghề cho du khách tham quan. Hiện tại, những hộ dân ở thôn Phước Hưng vẫn ngày đêm cặm cụi với nghề. Họ vẫn khẳng định một điều:“ Nếu  ngư dân còn thì chúng tôi vẫn sống với nghề”. Dẫu rằng, nỗi lo không có người kế nghiệp luôn thấp thoáng trong tâm trí họ.

Thu Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.