Cô giáo thổ cẩm

15/11/2008 10:38 GMT+7

Ở xã Abung - Đkrông (Quảng Trị), bà con gọi chị Hồ Thị Ngà bằng tên thân thuộc “cô giáo thổ cẩm”. 14 năm rồi “cô giáo” Hồ Thị Ngà đã lặn lội, vượt núi rừng đến từng bản dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em, bạn gái trẻ dân tộc Pa Cô, Vân Kiều.

Lớn lên giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, từ nhỏ Hồ Thị Ngà đã biết dệt vải thổ cẩm, làm những sản phẩm để dùng hay mang ra chợ đổi vải lấy gạo, nhu yếu phẩm sinh hoạt... 

Năm 1994, lúc vừa tròn 20 tuổi và là cán bộ dân số của xã, trong một lần ra thị xã Đông Hà (Quảng Trị) học tập và vào Huế tham quan mô hình sản xuất, chị phát hiện những sản phẩm vải dệt thổ cẩm của dân tộc Pa Cô, Vân Kiều bày bán ở các cửa hàng lưu niệm rất đắt và nhiều khách mua. “Vải thổ cẩm bản mình nhà nào cũng có. Sao mình không liên hệ để tiêu thụ!” - chị nghĩ. Ngay sau chuyến đi đó, chị về lại bản Kutai nơi chị sinh sống mời gọi được sáu chị em trong bản dệt vải thành thạo cùng thực hiện ý định của mình. Chị thú thật: “Buổi đầu mình cũng không tự tin lắm! Phải làm sao cho sản phẩm của chị em có sức cạnh tranh với các sản phẩm khác là điều làm mình lo lắng”.

Sau một thời gian mày mò trên khung cửi, một tín hiệu vui là những chuyến hàng đầu tiên chị đưa xuống miền xuôi bắt đầu được tiêu thụ. Những bạn gái, phụ nữ nghèo bản Kutai bắt đầu có thu nhập từ những nghề truyền thống, không còn phải lên rừng chặt củi hay đốt rẫy nữa. Nhưng trong lòng người con Pa Cô khi đó còn áy náy bởi có quá ít chị em biết dệt  thổ cẩm. Xã Abung có bảy bản nhưng số chị em biết dệt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế là chị bắt đầu mở lớp dạy nghề dệt vải cho hơn 30 chị em trong xã Abung. Và cũng từ đó chị được người dân trong xã gọi là “cô giáo thổ cẩm”. Nói về kinh nghiệm dệt vải thổ cẩm, chị Ngà tâm sự: điều quan trọng nhất là phải làm sao chỉ cho chị em biết cách dệt, chất liệu vải khác nhau giữa dân tộc Pa Cô và Vân Kiều.

Cũng từ ngày đó người ta thấy “cô giáo thổ cẩm” vượt qua bao thôn bản khác ở các xã A Ngo, A Dơi, A Túc của huyện Đkrông; vòng qua các bản dân tộc Vân Kiều ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) dạy nghề dệt thổ cẩm cho các bạn trẻ ở đây.

Không sợ con rắn, con voọc, chỉ sợ trễ giờ 14 năm dạy nghề dệt thổ cẩm, “cô giáo” Hồ Thị Ngà không nhớ mình đã dạy được bao nhiêu học sinh biết dệt thổ cẩm. Bà con Pa Cô, Vân Kiều ở các thôn bản chỉ biết từ ngày có nghề dệt thổ cẩm đời sống của dân làng đã khấm khá lên. Cụ Hồ Thị Nghè (70 tuổi) ở bản Kutai bảo: “Nó nhỏ mà liều! Nhiều hôm mưa gió nó vẫn vượt rừng để đến với dân bản ở xa. Con rắn, con voọc trong rừng nó không sợ. Nó chỉ sợ trễ giờ lên lớp thôi!”.

Với cô giáo thì những chuyến đi của cô đến với các bản làng đầy những kỷ niệm vui. Cô còn nhớ như in lần đi dạy nghề đầu tiên tại xã A Túc: “Để đến bản xa nhất của xã nằm sâu trong rừng chỉ có cách đi bộ. Lần đó mình bị lạc đường gần một giờ, may mà gặp mấy người đi rừng biết mình đi dạy nghề cho dân làng nên đưa về bản và nhận đưa đón mình!”.

Không chỉ dừng lại ở việc dạy nghề, chính cô giáo cũng là người liên hệ các mối đặt hàng để tiêu thụ sản phẩm của chị em. “Muốn dệt được một tấm thổ cẩm phải mất ít nhất 4-5 ngày, đòi hỏi lòng kiên trì. Cái đó thì chị em phụ nữ Pa Cô, Vân Kiều nào cũng có. Mình chỉ là người bày vẽ cho họ cách dệt sao cho đẹp mà thôi!” - cô giáo nhỏ nhẹ nói về mình như thế!

Theo Tuổi Trẻ/NG.THÀNH - NG.KHÁNH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.