“Bảo tàng đồng hồ” của Đỗ Duy Ngọc

28/10/2007 01:08 GMT+7

Sau hơn 30 năm sưu tầm, ông Đỗ Duy Ngọc, 57 tuổi là người đang sở hữu bộ sưu tập nhiều đồng hồ nhất Việt Nam hiện nay.

Hiện ông đã có trong tay 617 cái đồng hồ chế tạo từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có đồng hồ khá ngộ nghĩnh do Đức sản xuất cách đây 120 năm... Đó là đồng hồ treo tường với tượng hai tay bợm nhậu nho nhỏ lúc nào cũng đang cầm sẵn ly rượu trên tay. Họ ngồi trước mặt đồng hồ được tạo hình mỹ thuật y hệt như cửa ra vào của một tửu quán phương Tây thế kỷ 19. Nếu đồng hồ chỉ 6 giờ, hai bợm nhậu này sẽ cùng nâng ly lên 6 lần, chỉ 12 giờ hai bợm nâng ly chúc mừng 12 lần... Mỗi lần như vậy từ trong ruột đồng hồ sẽ tấu lên đoạn nhạc ngắn, âm thanh vừa đủ nghe, ý chừng để nhắc nhở riêng hai chàng rằng: “Thời gian vẫn đang trôi nhanh theo dòng Danube”! Một cái khác thuộc loại đồng hồ “cúc cu chalet”  với hình hai người nhỏ nhắn đang cưa một khúc cây, cưa qua cưa lại hoài hoài theo điệu đu đưa của quả lắc đặt bên dưới. Đứng cạnh là một người thứ ba cầm sẵn cây búa, hễ đúng giờ chim chạy ra cúc cu bao nhiêu tiếng người cầm búa ấy sẽ nện bấy nhiêu cái vào khoảng “không gian vô hình và thời gian vô hạn”.  

Có hơn 80 cái loại cúc cu tương tự, hoặc làm bằng gỗ (black forest) của Đức, hoặc có chim cú mèo tới giờ chỉ lắc lư chứ không hót của Nhật. Chất liệu của thùng đồng hồ bằng đồng, vàng, gỗ; mặt dùng ghi giờ bằng men, thiếc, hoặc giấy; dùng treo tường, để bàn, đeo tay, hoặc trang trí như đồng hồ tủ. Một trong những cái xưa nhất là đồng hồ quả lắc với thùng bằng gỗ chế tác từ châu u. Gần với văn chương có đồng hồ “nghìn lẻ một đêm” với các chi tiết mỹ thuật nhắc nhớ đến hoàng đế Aroun-al-Rachid và cô mỹ nữ có tài kể chuyện cứu người xưa kia. Còn đồng hồ ODO thường thấy ở các gia đình người Việt vào thế kỷ trước, cũng như dạng đồng hồ bát quái có tám cạnh để treo tường được các gia đình người Hoa ưa thích, cũng có mặt trong sưu tập phong phú của Đỗ Duy Ngọc. 


Chủ nhân chăm chút lên dây thiều cho những chiếc đồng hồ cổ lên dây - Ảnh: D.Đ.Minh

Ông sinh năm 1950 tại Quảng Bình, lúc nhỏ ở Huế, trưởng thành tại Đà Nẵng và tốt nghiệp Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Việt Hán tại Sài Gòn, học dở dang Đại học Mỹ thuật, triển lãm tranh hơn 30 năm trước và bước vào lĩnh vực sưu tập từ những năm đầu của thập niên 1970. Ban đầu ông chơi đồ sứ, đồ ngọc, đồ ngà, sau chuyển qua chơi đồng hồ vì theo ông môn chơi này “luôn nhắc nhở cho ta biết dòng thời gian không ngừng trôi để mình sống tốt hơn và có ích hơn trong mỗi giờ mỗi ngày”. Đến cách đây 4 năm (2003) khi Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam - VIETBOOKS (nay là Công ty kỷ lục VIETKINGS) cấp giấy chứng nhận kỷ lục cho ông, lúc ấy số đồng hồ ông sưu tập được ở khoảng 300 cái. Mới đây khi chúng tôi đến nhà ông vào giữa tháng 10.2007 số lượng ấy đã tăng lên gấp đôi với nhiều “chủng loại”. Loại chạy bằng quả tạ. Loại chạy bằng dây xích. Loại lên dây thiều bằng tay. Trong loại lên dây lại chia làm nhiều kỳ hạn. Như có cái cứ 1.000 ngày mới lên dây một lần. Song cũng có cái chỉ 365 ngày mới lên dây lại và chủ nhân có thể chỉnh ngày lên dây vào đúng ngày sinh của mình trong năm, nên được gọi là “đồng hồ sinh nhật”. Cái mới nhất ông đặt mua từ nước ngoài vừa gửi về, được ông đưa ra để chúng tôi xem, là do Hà Lan chế tạo 140 năm trước. 

Những đồng hồ xấp xỉ trăm năm nhiều lắm, như một loạt 6 cái kiểu ATMOS của hãng J.Lecoultre vận hành theo phương thức “air live” (hoạt động bằng không khí) mà khi vừa xuất xưởng hãng này dám tuyên bố bảo đảm độ bền tối thiểu 600 năm! Ông Ngọc nói làm sao mình sống tới đó để xem có đúng như lời “bảo hành” của hãng Lecoultre không? 

Tuy nhiên, ông bảo rằng, nếu tính độ bền thời gian sẽ thấy không thiếu những đồng hồ chạy bằng răng cưa, lên dây thiều, đã “sống lâu” hơn chủ nhân của nó rất nhiều. Một số đồng hồ Thụy Sĩ, Pháp, Đức nằm xếp xó trong đống đồ cũ, nhện giăng, bụi phủ, nhưng khi đem ra lau chùi, vô dầu trở lại, vặn dây lên, là chúng chạy ngon lành sau cuộc “cải tử hoàn sinh”. Để có bộ sưu tập công phu, tốn kém trên, ông cho biết “phải đi tìm và nhìn ngắm, chụp ảnh hàng triệu cái đồng hồ trong nước và nước ngoài, để chọn mua hoặc trao đổi lấy chúng”. Thấy Đỗ Duy Ngọc say mê chơi đồng hồ như thế, trong bạn hữu có người đã dùng ngôn ngữ của triết gia M. Proust để gọi ông là “người đi tìm thời gian đã mất” (A la recherche le temps a perdu). Nhưng với ông thời gian vẫn “tồn tại và được lưu giữ” trong ngôi nhà số 129B Nguyễn Đình Chính, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM - chỗ ông đang cư ngụ. Ở đó, đồng hồ hiện diện khắp nơi, từ cửa ra vào đến bàn làm việc, từ chỗ tiếp khách đến tầng lầu nơi ông có thể đứng nhìn qua khung cửa, để thấy một chút mây trôi miệt mài lãng đãng theo tiếng tích tắc từng giây không bao giờ trở lại...  

Giao hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.