Ngày 16.10, LHQ sẽ bỏ phiếu bầu VN làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an

21/09/2007 00:33 GMT+7

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm qua 20.9, Bộ Ngoại giao cho biết: Từ ngày 24 - 28.9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa họp thường niên lần thứ 62 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Tại phiên thảo luận này (25.9-5.10.2007), lãnh đạo các nước sẽ phát biểu nêu quan điểm, lập trường, chính sách lớn của mình đối với những vấn đề nổi cộm đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, qua đó thúc đẩy thảo luận, đề ra những định hướng giải quyết. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng đoàn Việt Nam sẽ có bài phát biểu trong ngày 27.9. Bên lề phiên thảo luận chung cao cấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ có các cuộc gặp gỡ song phương với lãnh đạo một số nước.

Đối với Việt Nam, khóa họp 62 Đại hội đồng LHQ có ý nghĩa đặc biệt vì tại khóa họp này sẽ diễn ra việc bỏ phiếu bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 (dự kiến ngày 16.10.2007), đúng dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập LHQ.

Tại khóa họp, Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm và thể hiện những quan điểm, đóng góp xây dựng đối với các công việc chung của LHQ với tư cách là ứng cử viên duy nhất của Nhóm châu Á vào chức vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

* Cũng theo thông báo của Bộ Ngoại giao: nhận lời mời của Thủ tướng Pháp Francois Fillon, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 30.9 - 3.10.2007.

Trong thời gian thăm Pháp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Pháp Francois Fillon; gặp một số nghị sĩ Quốc hội Pháp; tiếp lãnh đạo của một số tập đoàn lớn của Pháp, gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Pháp; thăm một số địa phương và cơ sở kinh tế văn hóa của Pháp.

Về thương mại và đầu tư, Pháp hiện đứng đầu các nước châu u và đứng thứ 9 trong số các nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 179 dự án trị giá gần 2,25 tỉ USD. Pháp đồng thời cũng là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở châu u. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt gần 1,2 tỉ euro năm 2006. Pháp tiếp tục ưu tiên dành ODA cho Việt Nam và là nhà tài trợ song phương thứ hai sau Nhật Bản với cam kết 1,4 tỉ euro từ nay đến năm 2010, khoảng 350 triệu euro/năm.

N.Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.