Hiệp sĩ Xóm Đáy

26/12/2009 23:46 GMT+7

Ông Tư Hài lấy cho tôi xem chiếc tù và làm bằng sừng trâu mà nhiều năm nay ông đã không dùng tới nó nữa. Một thời, tiếng tù và là hiệu lệnh của dân xóm này.

Chuyện bên Vàm Tắc Từ Tải

Một vùng đất trù phú nằm khiêm tốn ở bên bờ bắc sông Hậu (ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long) vốn nổi tiếng với đặc sản bưởi Năm Roi. Xóm nhỏ này được biết đến nhiều hơn khi chiếc cầu dài nhất Đông Nam Á chạy qua. Còn dân đi tàu ghe biết đến xóm với cái tên khác: Xóm Đáy. Nhưng cái tên Xóm Đáy bắt đầu ít được nhắc tới từ khi cầu Cần Thơ chuẩn bị khởi công. Để thông luồng, tuyến cho tàu ghe chở vật liệu xây dựng, chở máy móc, công nhân đến xây cầu, lệnh giải tỏa các hàng lưới đáy chằng chịt trên sông đã được ban hành. Nhiều ngư dân chấp nhận thu xếp “nồi cơm” của mình trong một tâm thế nhẹ nhàng. Họ vì chiếc cầu…

Ông Dương Công To (Tư Hài) kể, lúc ông rời khỏi biên chế ngành công an, vì lương bổng không đủ nuôi vợ con, đã về đóng 47 miệng đáy ở đây. Thấy ông là người có trình độ, tính tình lại hòa đồng, ngư dân bầu ông làm “tổ trưởng tổ hàng đáy”, nhằm tương trợ nhau những lúc khó khăn, khi sóng to gió lớn. Nhiệm vụ đề ra là thế, nhưng người trong tổ hàng đáy ít khi gặp chuyện cần tương trợ, mà việc làm thường xuyên của họ là... cứu người, vớt tàu ghe của khách thập phương bị chìm lúc vượt sông. Ông Tư Hài nói, dạo trước đây là tuyến đường sông huyết mạch nối liền các tỉnh nam sông Hậu với Mỹ Tho, Sài Gòn. Tàu ghe chở hàng hóa từ các tỉnh phải vượt sông Hậu, vào sông Tắc Từ Tải mà xuôi hướng. Nhưng chuyện vượt sông Hậu là cả một thách thức. Nhất là các tàu ghe từ các tỉnh vùng xa, không hiểu luồng lạch, quy luật của sông, nên thường xuyên bị con sông “làm tình làm tội”. Ông giải thích: “Địa danh Tắc Từ Tải không phải tự nhiên người ta đặt, mà còn có hàm ý. Vì trước đây, tàu ghe đến sông Hậu gặp sóng to, gió lớn, không tiện vượt sông đã đậu lại ở vàm. Tối, các vị khách tàu lúc đợi sóng yên đã tụ họp nhau lại, quây quần đờn ca tài tử rôm rả cả một khúc sông. Từ đó nơi này mới có tên là “Tắc Tài Tử”. Dân địa phương vì muốn gửi thông điệp đến các tàu ghe khi vượt sông Hậu phải cẩn thận, nên mới đọc láy lại thành… Tắc Từ Tải”.

Ngay từ địa danh đã là lời cảnh báo. Người ta không nhớ hết đã có bao nhiêu tàu, ghe bị nhấn chìm, bao nhiêu số phận con người đã phải ở lại khúc sông này. Chỉ chiếc tàu gỗ mục nằm trên bãi cạn phía sau nhà, ông Tư Hài nói chính nó đã giúp ứng cứu hàng trăm vụ tai nạn trên sông. Vì ông là tổ trưởng, nên có chuyện là người dân Xóm Đáy thường tìm ông. Ngay cả khi ông vắng nhà, chiếc tàu này cũng được “trưng dụng” để cứu người. Có người gặp nạn, người ta cũng đưa tới nhà ông để chia sẻ manh áo, chén cơm. Cả khi nạn nhân đã xấu số, nhà ông cũng trở thành nơi cho họ “tạm nghỉ”… Một thời gian dài, tổ hàng đáy và chiếc tàu gỗ cũ kỹ của ông Tư Hài đã xông xáo ra vào những cạm bẫy trên sông để cứu người. Theo tiếng gọi của lương tâm, của dòng sông mang nhiều ân nợ với dân Xóm Đáy.

Ông Tư Hài lấy cho tôi xem chiếc tù và làm bằng sừng trâu, mà nhiều năm nay, ông đã không dùng tới nó nữa. Một thời, tiếng tù và là hiệu lệnh của dân xóm này. Mỗi khi có sóng to, gió lớn, có người gặp nạn trên sông, nghe tiếng tù và của ông Tư Hài, dân Xóm Đáy tức tốc xuồng ghe ứng cứu. Người gần xa gọi nôm na đó là “tiếng còi sông Hậu”.


Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối liền 7 tỉnh cuối cùng của khu vực ĐBSCL gần 10 triệu dân với phần còn lại của đất nước - Ảnh: T.Trình

Dưới bóng cầu Cần Thơ

Đến khi cầu Cần Thơ bắt đầu khởi công vào năm 2003, để làm trống đường sông cho phương tiện phục vụ xây cầu, các hàng đáy được lệnh dỡ bỏ. Không còn hàng đáy, tổ hàng đáy cũng giải tán.  Tuy nhiên, sứ mệnh cứu người trên sông vẫn được dân Xóm Đáy và ông Tư Hài duy trì. Họ tập họp với tên gọi mới: “Tổ tự quản đường sông”. Đây là tổ nhân dân tự quản  đường sông đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày trước, những người vượt sông bị chìm tàu thường là dân nghèo ở các tỉnh đi làm ăn. Về sau, “đối tượng” nạn nhân của khúc sông dữ này còn có các tàu lớn, xà lan chở hàng, du khách… Sau một chuyến cứu người từ chiếc tàu chở vật liệu xây dựng của một người giàu có bị chìm, chiếc tàu cũ của đội đã được giúp đại tu, được đặt thêm chiếc máy dầu, thế là có thể chạy nhanh hơn đến “điểm nóng”. Tuy nhiên, số tàu qua Tắc Từ Tải đã thưa dần. Khi cầu Cần Thơ hoàn thành trong thời gian ngắn tới đây, thì chắc chắn số tàu vượt sông sẽ ít hơn. Ông Tư Hài bảo, người ta nói về cầu Cần Thơ toàn những chuyện lớn lao, nào giúp bao nhiêu xe, bao nhiêu người, bao nhiêu hàng hóa vượt sông, rút ngắn bao nhiêu thời gian… là đòn bẩy kinh tế cho cả vùng. Riêng xóm nhỏ này đã thay đổi ngay từ khi có người đến đo đo, vẽ vẽ, chứ chưa nói có cây cầu “to không thể tưởng” sừng sững vắt qua xóm như ngày nay. Bắt đầu từ một số hộ dân phải dọn đi để nhường đất; đàn ông con trai trong nhóm háo hức với bảng tên trên ngực áo làm công nhân xây cầu; rồi nhiều người ở xóm ra đi, nhiều người khác tới. Cái xóm nhỏ heo hút nay mon men thành đô thị, thành khu du lịch. Ông Tư Hài nói tuy cách có một con sông, nhưng mấy năm rồi ông chưa qua Cần Thơ coi “mặt mũi” nó ra sao. Nhưng ông chưa phải đi thì người khác đã tới, khách Tây có, ta có, khách du lịch có, dân “cò” đất cũng có… Ông kể: hôm có ông Tây ba lô ghé qua, nhiều người hiếu kỳ, ông cũng hiếu kỳ “lâu lắm mới thấy Tây qua đây!”. Ông đa đoan: mà đi sao được, qua con sông sóng gió này, họ run lẩy bẩy, làm sao dám qua… Nhưng khi cầu Cần Thơ bắc từ thành phố to nhất đồng bằng qua xóm nhỏ này, thì người ta sẽ qua. Qua bằng xe, chứ không phải trên những chiếc đò máy, đò chèo để “run lẩy bẩy” nữa. Có cầu, xuồng ghe cũng ít dần. Ngay cả dân trong xóm cũng bắt đầu kêu bán xuồng, bán ghe… Và bán đất!

Chiếc ghe cũ của ông Tư Hài sẽ có dịp nằm lâu trên bãi.

Nhà ông ở cách cầu Cần Thơ 150 mét. Ở đây, mỗi lúc nắng lên, mỗi khi chiều xuống, bóng trụ tháp chính của cầu sẽ đổ dài lên một phần Xóm Đáy, và xa hơn nữa. Bóng của chiếc cầu đã làm thay đổi nhiều thứ, từ đi lại, cách làm ăn, hoạt động gắn với địa danh của một thời khó nhọc dần sẽ chỉ còn là chuyện kể.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.