Du học không phải chuyện đùa

09/10/2004 13:54 GMT+7

Tôi là một sinh viên hiện đang đi du học tại Thuỵ Sĩ. Là người trong cuộc, tôi hiểu rõ cuộc sống và môi trường học tập mà sinh viên Việt Nam phải trải nghiệm. Tôi vốn ít nhiều biết về cậu du học sinh, người mà phụ huynh ở Việt Nam khởi kiện công ty Linh Chi; và cũng biết khá rõ về sự việc này, nhưng tôi không muốn đưa ra nhận xét chủ quan của riêng mình. Tôi chỉ muốn, qua bài viết này, đưa ra một hình ảnh cụ thể hơn đến các quý phụ huynh có con em chuẩn bị đi du học và đặc biệt là các bạn sinh viên học sinh muốn du học ngành Quản trị khách sạn tại Thụy Sĩ.

Để hoàn thành một năm học chuyên ngành Quản trị khách sạn tại Thuỵ Sĩ, thứ nhất, mỗi sinh viên phải "vuợt qua" các kỳ thi lý thuyết, thực tập và bảo vệ đề tài thực tế. Sở dĩ tôi dùng từ "vượt qua" là để muốn nhấn mạnh rẳng các bạn phải tự học và trau dồi kiến thức của bản thân rất nhiều, và thông thường, các bạn phải đạt 70% tổng số điểm để được công nhận là "Đậu". 7/10 chỉ là điểm "Đậu", trong khi ở Việt Nam là 5/10. Hơn nữa, các bạn phải dùng hoặc tiếng Anh hoặc tiếng Pháp trong quá trình học tập, chứ không phải là tiếng Việt. Do vậy, trình độ ngoại ngữ là yếu tố CẦN để các bạn có thể hiểu được giáo viên giảng bài, và chính bản lĩnh và sự quyết tâm học tập là nhân tố "ĐỦ" để các bạn có thể "Pass" trong các kỳ thi. Thông thường, vì lợi nhuận, các công ty tư vấn du học, hoặc bỏ qua hoặc làm qua loa quá trình kiểm tra trình độ ngoại ngữ sinh viên trước khi đi du học. Và đây chính là nguyên nhân của cái gọi là "cơn ác mộng du học tại Thuỵ Sĩ".

Để khách quan hơn, tôi muốn đưa ra một ví dụ cụ thể về quy chế tuyển sinh của trường Hotel Institute Montreux, nơi tôi đang theo học. Để được phép du học ở trường, sinh viên phải trải qua kỳ thi kiểm tra trình độ ngoại ngữ ở nước nhà do đại diện chính thức của trường H.I.M tổ chức. Sau đó, những sinh viên được phép du học sẽ phải trải qua một kỳ thi thứ hai tại trường sau khi đến Thuỵ Sĩ. Những học sinh nào không đủ trình độ phải học thêm lớp bồi dưỡng tiếng Anh tại trường bên cạnh các giờ học chuyên ngành và ngoại ngữ thứ hai (Pháp hoặc Đức). Sau khoá học tại truờng (thông thường là 4 hoặc 5 tháng), sinh viên phải đi thực tập bắt buộc tại các khách sạn hoặc nhà hàng trong thời gian tối thiểu là 4 tháng và tối đa là 6 tháng. Thực tập chính là khoảng thời gian để các sinh viên thể hiện bản lĩnh tự lập và vượt khó khăn của mình. Thông thường, các khách sạn và nhà hàng nhận sinh viên thực tập dựa vào kết quả học tập tại trường, trình độ ngoại ngữ và sự tự tin của sinh viên. Nhân tiện tôi xin nói thêm, ngành Quản trị khách sạn bao gồm hai nửa không thể tách rời là Nhà hàng và Khách sạn. Do vậy, việc sinh viên thực tập tại nhà hàng là chuyện bình thường, không cần phải bàn cãi. Vấn đề quyết định sinh viên có chỗ thực tập tốt hay xấu, phần lớn là do ở... chính bản thân họ. Nếu bạn giỏi, bạn có chỗ thực tập tốt, nếu không, bạn phải làm việc ở những nhà hàng rẻ tiền (cụ thể như rửa chén, chùi cầu tiêu,...). Đó là quy luật lựa chọn và đào thải của cuộc sống ở Thuỵ Sĩ. Không có một ông chủ khách sạn hay nhà hàng nào dám để một sinh viên thực tập, nguời mà không thể nói được tiếng Pháp, hoặc tệ hơn, tiếng Anh, tiếp xúc với khách hàng của họ. Và thật dễ hiểu khi du học sinh Việt Nam (100% là con cái của gia đình khá giả) khi họ phải đối mặt với "cú sốc" này, nếu thiếu bản lĩnh, họ dễ dàng gục ngã, và họ sẽ tìm mọi lý do (hay đúng hơn là cái cớ) để đổ lỗi cho hoàn cảnh để nói lại với gia đình, và sau đó chuyển chỗ làm, hoặc chuyển trường, hoặc thậm chí bỏ về Việt Nam mà quên rằng gia đình của họ đã phải bỏ ra một số tiền rất lớn cho họ có mặt tại Thuỵ Sĩ.

Tôi xin kết thúc bài viết này với lời khuyên chân thành cho các bạn sinh viên học sinh muốn đi du hoc: Du học không phải là chuyện đùa. Các bạn cần phải có đủ khả năng ngoại ngữ, bản lĩnh vượt khó và tự lập, bản lĩnh thích nghi cuộc sống và đặc biệt là, ý thức và niềm tự hào "Tôi là người Việt Nam".

Thuy Si Nguyen

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.