Ca sĩ và mặt trái của những chuyến “tầm sư học đạo”

07/12/2006 15:42 GMT+7

Cho đến nay, sang nước ngoài hợp tác biểu diễn, làm album, du học... là niềm khát khao của không ít ca sĩ trong nước. Mong muốn của ca sĩ là làm cách nào đó để vừa học hỏi, vừa nâng tầm của mình lên một chút trong sự nghiệp ca hát. Song có một điều hơi nghịch lý không phải ai trong số họ cũng làm được điều mình mong muốn.

Cái giá cho những lần “tầm sư học đạo”

Nghe đến chuyện ca sĩ trong nước sang nước ngoài du học hay hợp tác làm album, nhiều người tặc lưỡi, sao mà "oai" thế nhỉ. Chắc chắn họ phải mất rất nhiều tiền và cả nhiều đêm suy nghĩ để có được quyết định ra nước ngoài dài ngày. Nhưng thực tế không phải như vậy bởi hầu hết các chuyến đi, ca sĩ trong nước đều có một hãng băng đĩa nước ngoài hay một "đại gia" nào đó tài trợ.

Nói là không phải mất nhiều tiền, song cái giá mà ca sĩ phải trả là phải mất show diễn trong nước và mất đi những khoản thù lao béo bở. Ngay như Lam Trường, Hồng Nhung, Mỹ Linh, và mới đây nhất là Mỹ Tâm đến Hàn Quốc thực hiện album cũng chỉ tốn kém các khoản là không còn được thu cát-sê từ những show diễn trong nước. Mất mát của ca sĩ còn là tình cảm của khán giả rất dễ quên đi họ trong thời gian vắng mặt quá lâu. Như Lam Trường, trong lúc tên tuổi vẫn còn đang trong giai đoạn đỉnh điểm (năm 2003) thì phải đến Mỹ để du học. Chuyến đi này Lam Trường không phải mất tiền vì anh được một hãng nước giải khát tài trợ. Song "cái" mà anh phải "mất" là thời gian quá lâu hơn một năm không được hát phục vụ quê nhà.

Hay như Mỹ Linh, chuyến xuất ngoại đến Mỹ của cô do một hãng băng đĩa tại Cali (Mỹ) mời hợp tác dù không mất nhiều thời gian nhưng vẫn đủ để các bầu show chọn một ca sĩ khác thay thế cô trong các chương trình lớn. Riêng bản thân Mỹ Linh cũng bỏ ra rất nhiều thời gian nhờ luật sư nước ngoài làm thủ tục để có được bản hợp đồng hợp lý cho "phi vụ" làm ăn này. Ca sĩ đàn chị Hồng Nhung cũng có một thời gian khá dài mất hút trên sân khấu. Nhiều người nghĩ rằng chắc chị ở lại hẳn bên trời Tây. Sự trách hờn của khán giả âu cũng là điều làm cho Hồng Nhung kết thúc sớm khóa học ngắn hạn của chị tại Anh.

Xem các show ca nhạc lớn trong thời gian này nhiều fan Mỹ Tâm thấy buồn buồn khi không có cô xuất hiện. Đối với Mỹ Tâm, khi quyết định chia tay khán giả sang Hàn Quốc hợp tác làm album cũng không mấy dễ dàng. Bởi Tâm cho rằng đi quá lâu như vậy e mọi người sẽ quên cô mất. Nhưng cô vẫn nuôi hy vọng sản phẩm mà bao ngày Mỹ Tâm miệt mài nơi xứ Hàn sẽ là bằng chứng cho sự kiên trì học tập và nghiêm túc đầu tư cho nghiệp cầm ca của mình.


Lam Trường trong một chuyến xuất ngoại

Mặt trái của những chuyến tầm sư

Sau những ngày tháng du học và hợp tác làm album, ca sĩ trở về nước để tiếp tục con đường ca hát. Sự trở về của họ được bao người háo hức chờ đợi xem họ tiến bộ về chất giọng, phong cách như thế nào. Song mọi chuyện không như người ta vẫn tưởng.

Cả fan của Lam Trường và những ai từng yêu mến giọng hát của anh đều nói ngay rằng, sau những ngày du học tại Mỹ Lam Trường trông "đẹp" hẳn lên nhờ ăn mặc sang trọng và gương mặt trông ấn tượng. Ngoài ra Lam Trường còn học thêm cách sáng tác. Riêng về phong cách và chất giọng một số người vẫn thường tâm sự thẳng với Lam Trường rằng sao dạo này anh hát "khó nghe" hơn lúc trước, nhất là qua cách phát âm hơi "nuốt chữ". Phải chăng do thời gian du học anh nói toàn tiếng Anh nên bây giờ mới vậy? Ban đầu Lam Trường bị "sốc" lắm trước các lời nhận xét như vậy, nhưng dần dần anh đã cố gắng để vẫn là một Lam Trường của ngày xưa, mộc mạc trong cách hát, cách thể hiện ca khúc.

Hồng Nhung sau chuyến học ngắn hạn trở về cũng nhận ngay những lời góp ý. Có người cho rằng chất giọng của Hồng Nhung thì hay... khỏi phải bàn rồi, đặc biệt là kỹ thuật thể hiện chất giọng qua album Như cánh vạc bay. Tuy nhiên, nếu như chị đừng kết hợp quá nhiều động tác cơ thể hay những điệu múa trong lúc biểu diễn thì sẽ là một diva thật sự của công chúng.

Rồi Mỹ Linh cũng vậy, dù chị chỉ kết hợp với một ê-kíp của Mỹ để thực hiện album trong một thời gian khá dài chứ không phải tham gia một khóa học nhưng xem ra kết quả vẫn chưa được mỹ mãn. Đĩa đơn và chiến lược đưa hình ảnh Mỹ Linh đến với công chúng Mỹ vẫn không thành công như mong đợi. Riêng chim "sơn ca" Mỹ Tâm thì vẫn phải chờ đợi thành quả của bao ngày miệt mài nơi xứ Hàn của cô qua việc phát hành album. Chiến lược thực hiện một sản phẩm đầu tay Việt-Hàn chất lượng cao của Mỹ Tâm cũng gặp không ít ý kiến. Cũng có người thắc mắc, Mỹ Tâm có cần phải bỏ quá nhiều thời gian để sống nơi Hàn Quốc chỉ để phục vụ cho việc ghi âm, quay vài video clip ngắn hay không... Một số ca sĩ trẻ khác cũng đã và đang có những chuyến "tầm sư" như Đoan Trang, Đức Tuấn, Lương Bích Hữu, Trí Hải, Đình Trí... Nhưng thật sự họ vẫn chưa nắm chắc sẽ tiến bộ hơn...

Du học nước ngoài và tham gia các lớp đào tạo ca hát cũng như hợp tác làm album là điều rất cần đối với ca sĩ chúng ta. Nhưng thật sự ca sĩ cũng phải cân nhắc để làm sao trau dồi cho mình những kiến thức, kỹ năng biểu diễn hiệu quả nhất cho nghề nghiệp. Bỏ bao công sức, thời gian, tiền bạc để có một kết quả không như mong đợi âu cũng thật phí phạm.

Đừng mong sẽ thay đổi chỉ bằng vài tháng du học

Ca sĩ Hà Anh Tuấn: "Trong thời gian học văn hóa tại Đức, Tuấn có cơ hội gặp gỡ và quen biết với một nhà sản xuất âm nhạc của Đức, được tham gia 2 chươngtrình của anh ấy và được đến phòng thu của anh để tìm hiểu, học hỏi... Một người bạn thân của Tuấn, chơi jazz, là người Đức, cũng rủ Tuấn đến phòng thu nhiều lần, và Tuấn đã hiểu thêm một chút về tư duy cách làm việc - trong âm nhạc - của người Đức. Bên cạnh đó, Tuấn cũng được xem nhiều show diễn, như: Mariah Carey, Bon Jovi, nhóm Westlife..., cũng học thêm được một chút về cách họ làm show, cũng như sự thể hiện trên sân khấu. Sau Sao mai Điểm hẹn, Tuấn hiện đang học thanh nhạc với cô Măng Thị Hội; và nếu có điều kiện chắc chắn Tuấn sẽ ra nước ngoài để học thêm. Với Tuấn, không phải là học về giọng hát - nó là bản chất, mà quan trọng là tư duy âm nhạc, học để có thể tiếp thu tư duy hiện đại".

Ca sĩ Lam Trường (từng tham gia khóa học 4 tháng tại Trường Berklee, Mỹ): "So với các nước trong khu vực và cả thế giới, nhạc trẻ VN vẫn còn "trẻ" lắm, nên nếu có cơ hội đi học thì ca sĩ VN cứ mạnh dạn xuất ngoại, vì ít hay nhiều cũng đều có lợi cho mình. 4 tháng học của Trường tại Berklee chỉ như một cách làm quen với môi trường âm nhạc mới nhiều hơn là học, nhưng Trường thấy cũng mở mang được nhiều. Tuy nhiên, không phải ai đi học về cũng thay đổi, hoặc nghĩ rằng tên tuổi mình sẽ nổi hơn vì có "mác" nước ngoài; cái chính là học về có áp dụng được gì không, và mọi người có công nhận cái mới đó không".

Nhạc sĩ Huy Tuấn: "Nếu đi học một vài tháng mà hy vọng về sẽ tạođược thay đổi - từ trường phái này sang trường phái khác, hoặc có một phong cách mới... trong sự nghiệp thì không bao giờ có thể đạt được! m nhạc lại là lĩnh vực nghệ thuật đòi hỏi sự đào tạo, trui rèn cả hàng chục năm, chứ không thể nóng vội. Học vài tháng, có thể có chút kinh nghiệm về nghề nghiệp, chứ không mong gì có được cách hát mới. Với ê-kíp của chúng tôi, đi nước ngoài nhiều chỉ là quan sát chứ không phải học. Quan sát xung quanh nền showbiz, từng đường đi nước bước trong cách tổ chức show...; nhờ vậy mà chúng tôi nắm bắt được nhiều để đưa vào concert của Mỹ Linh vừa qua. Vấn đề không đơn giản chỉ là con người mà còn nhiều thứ xung quanh khác, là cả một công nghệ tổ chức biểu diễn. Riêng Mỹ Linh, mục đích xuất ngoại không phải là học gì để về thay đổi được gì, mà cái cần thiết là quan sát công nghệ xung quanh để hiểu mình đang ở đâu, đâu là thế mạnh - điểm yếu của mình, và mình cần bổ sung những gì".

Nguyên Vân

Dạ Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.