Cái nôi của nền giáo dục hiện đại Việt Nam

14/11/2005 22:21 GMT+7

Hôm nay 15/11, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) kỷ niệm ngày khai giảng khóa đầu tiên với tên gọi ĐH Quốc gia Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh (15/11/1945). Đây là ngôi trường có bề dày 100 năm thành lập với tiền thân là Đại học Đông Dương.

Ngày 16/5/1906, ĐH Đông Dương ra đời chấm dứt thời kỳ của nền giáo dục theo Nho giáo đã tồn tại hàng ngàn năm ở Việt Nam, mở ra nền giáo dục ĐH mới. Đây là trường học kiểu hiện đại đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức theo mô hình ĐH đa ngành, đa lĩnh vực. Với 4 ngành cơ bản là y học, khoa học, văn học, luật học và chỉ có 94 người ghi danh, ĐH Đông Dương đã được mở rộng và phát triển cả về quy mô lẫn số lượng sinh viên (SV) đào tạo để phục vụ nhu cầu tiếp cận khoa học hiện đại châu u, đào tạo đội ngũ trí thức nòng cốt của Việt Nam giai đoạn bấy giờ, đạt tới con số 1.000 SV trong niên khóa 1942-1943. Phần lớn SV đã trở thành những nhà trí thức lớn của Việt Nam. Những nhà khoa học nổi tiếng như: Cù Huy Cận, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng... đều trưởng thành từ cái nôi của nền giáo dục hiện đại Việt Nam này.

Sau lễ khai giảng tháng 11/1945, ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu hoạt động với 1.500 SV và phát triển từ đó đến nay. ĐHQGHN cũng là đơn vị đào tạo đầu tiên trong cả nước thí điểm đào tạo hệ trung học phổ thông năng khiếu. Bắt đầu từ các lớp toán đặc biệt bậc phổ thông được thành lập cách đây 40 năm, các khối trung học phổ thông chuyên toán - tin, vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ lần lượt được xây dựng, thực sự đã trở thành vườn ươm tài năng hàng đầu trong cả nước. Nơi đây đã bồi dưỡng hàng chục ngàn học sinh xuất sắc đoạt nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia đồng thời trở thành nòng cốt để thành lập các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và đã đoạt được nhiều giải cao, mang lại vinh quang cho đất nước. Nhiều người đã trở thành tiến sĩ khoa học, giáo sư đầu ngành giữ trọng trách tại các trường ĐH, viện nghiên cứu quốc tế. Một số người còn giành được những giải thưởng khoa học quốc tế danh tiếng. Đáng nói hơn, qua nhiều năm hoạt động, mô hình này đã khẳng định được hiệu quả và hiện đang được nhân rộng ở nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước. ĐHQGHN cũng là cơ sở đầu tiên đưa ra sáng kiến thành lập và thực hiện hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng  - mô hình thí điểm đào tạo chất lượng cao trên cơ sở đầu tư tập trung thầy giỏi, trò giỏi, điều kiện cơ sở vật chất tốt, phương pháp dạy học tiên tiến để thực hiện một chương trình đào tạo đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Đây là ngôi trường đã có tới 325 lần được đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 249 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng; 8 lần đón nhận Huân chương Độc lập; 1 Huân chương Hồ Chí Minh và hàng ngàn lần được đón nhận các bằng khen của các bộ ngành và địa phương. 

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.