Một thời vàng son của Judo Việt Nam

27/11/2019 21:34 GMT+7

Gia đình đầy vinh quang của ông Nguyễn Hữu Huy và chiến thắng quá đổi tự hào của Cao Ngọc Phương Trinh khi 3 lần vô địch SEA Games chính là những ấn tượng lớn nhất khó phai của Judo Việt Nam trong 60 năm qua

Những tấm huy chương vàng giá trị

Trước 1975, vận động viên judo MN-VN giành huy chương vàng đầu tiên tại SEAP Games là ông Huỳnh Văn Có (hạng cân 86 kg) tại SEAP Games 3 (năm 1965) ở Malaysia sau khi thắng Quek Ser Hong (Singapore) ở bán kết và Boonlert Buakeo (Thái Lan) ở chung kết. Bốn năm sau đó, ông Nguyễn Xuân Kháng (57kg) cũng được bước lên bục cao nhất tại SEAP Games 5 ở Myanmar trong hạng cân 57 kg khi loại một vận động viên khác của Thái Lan là Nadvarut Khongsiri ở bán kết và trong trận chung kết thắng rất kịch tính trước Tan Sin Ann của Singapore.

Ngoài ra còn có các huy chương bạc của các vận động viên Nguyễn Xuân Kháng, Trương Văn Xuân và huy chương đồng của Nguyễn Hữu Huy, Nguyễn Long Vân, Thạch Cẩm Tòng, Trương Đức Hiếu, Đặng Phước Tống, Lê Văn Vinh, Hồng Xương Kim Nam…

Sau nhiều năm vắng bóng, thể thao nước Việt Nam thống nhất tái hội nhập với SEA Games từ SEA Games 15 năm 1989 tổ chức tại Malaysia. Riêng bộ môn judo thì phải đợi đến  năm 1991 ở SEA Games 16 do Philippines tổ chức mới cử được vận động viên đi thi đấu. Và ngay lần đầu tham dự, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Nguyễn Hữu Huy, Cao Ngọc Phương Trinh đã có ngay huy chương vàng cho Việt Nam ở nội dung nữ hạng cân 48 kg.

Quốc Trung chúc mừng Phương Trinh (trái) khi vừa thắng trận chung kết SEA Games 18 năm 1995

Đến SEA Games 17 (1993) tại Singapore, ngoài việc  Phương Trinh tiếp tục có huy chương vàng ở hạng cân 48 kg sở trường của mình, judo Việt Nam lại vinh dự có thêm huy chương vàng đầu tiên của nam (thời kỳ sau 1975) do Nguyễn Quốc Trung đoạt được ở hạng cân 60 kg. Đặc biệt, qua năm 1995 ở SEA Games 18 tại Thái Lan, cùng với chiến tích đoạt huy chương bạc của bóng đá nam, Cao Ngọc Phương Trinh lại lập được hat-trick khi lần thứ ba liên tiếp đoạt huy chương vàng hạng cân 48 kg, làm uy thế của judo Việt Nam càng mạnh mẽ hơn.

Chính Phương Trinh đã nói vui: "Nếu không chấn thương trước khi đến với SEA Games năm 1997, biết đâu tôi có thể đoạt luôn huy chương vàng hạng cân 48 kg này lần thứ tư ở SEA Games 19 năm 1997. Mà cũng rất vui, một học trò khác do thầy Nguyễn Hữu Huy huấn luyện là Nguyễn Thị Kim Vui lại đoạt HCV ở SEA Games 19 này giúp Việt Nam thống trị hạng cân 48kg trong 4 kỳ SEA Games liên tiếp".

Kể lại chuyện cách đây 26 năm, ông Nguyễn Quốc Trung (hiện là Trưởng bộ môn kiêm Trưởng ban kỹ thuật Liên đoàn judo TP.HCM) nhớ lại: "Đối thủ của tôi ở bán kết hạng cân 60 kg tại SEA Games 17 năm 1993 là một vận động viên của Singapore, anh ấy bị chấn thương ở trận vòng bảng ngay trước đó. Đáng lý chỉ được nghỉ 30 phút để vào đánh bán kết nhưng ban tổ chức chủ nhà đã cố tình kéo dài thời gian nghỉ lên đến 2 giờ để vận động viên của mình kịp hồi phục. Tôi vui khi đã đánh thắng anh này bằng đòn Ippon".

Sau đó, Quốc Trung còn gặp khó khăn hơn vì đối thủ Indonesia trong trận chung kết rất mạnh. Tuy nhiên, cuối cùng Quốc Trung cũng giành được chiến thắng trước sự vui mừng của toàn đội. Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Huy (cũng là ba của anh) quá sung sướng, ào vào sân bế xốc con mình lên với hình ảnh rất đẹp khi người của hai thế hệ khác nhau đã giành được vinh quang cho đất nước.Quốc Trung nói thêm: "Đứng trên bục nhận huy chương vàng, nhìn lá cờ Việt Nam được kéo lên, tôi rất hạnh phúc, xúc động tuyệt vời và bật khóc vì quá sung sướng".  

HLV Nguyễn Hữu Huy (phải) vui mừng bế xốc con trai Quốc Trung sau khi thắng trận chung kết SEA Games 17 năm 1993

Bộ ba dày công, dày chiến tích cho Judo Hữu Huy- Phương Trinh-Quốc Trung

Khi còn là vận động viên, ông Nguyễn Hữu Huy là vô địch nhiều hạng cân của MN-VN suốt từ năm 1962 đến 1973. Ông cũng giành được 2 huy chương đồng ở hạng không kể cân tại SEAP Games 1967 và hạng cân 71 kg tại SEAP Games 1969. Tuy vậy có thể xem ông Huy là người đã gắn bó suốt đời cho judo Việt Nam, nhất là trong những năm tháng hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn để trở lại với thể thao Đông Nam Á.

Những ngày đầu sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), hoạt động của các môn võ tạm thời chưa được phép hoạt động. Đến năm 1976, những hoạt động mang tính võ thuật ở TP.HCM mới được khơi dậy từ nhóm võ sư gồm các ông Nguyễn Quốc Tâm, Lê Duy Khiêm, Trần Minh Chánh… cùng 3 người đóng góp hoạt động judo trước đây là Nguyễn Long Vân, Nguyễn Hữu Huy, bà Nguyễn Thị Ngọc Chi (vợ ông Huy). Nhóm võ sư này đã soạn ra một chương trình huấn luyện tổng hợp “Võ tự vệ chiến đấu”, tổ chức biễu diễn võ thuật tạo nhiều ấn tượng đẹp với các cấp lãnh đạo và những người hâm mộ.

Dần dần các môn võ (trong đó có judo) được cấp phép hồi sinh, thành lập Liên đoàn các môn võ tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác trong nước.Sau này cố võ sư judo 8 đẳng Nguyễn Hữu Huy (mất năm 2013) vẫn tiếp tục có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của judo VN. Khi giữ chức Phó chủ tịch chuyên môn của Liên đoàn Judo Việt Nam, với quan hệ rộng rãi và uy tín của mình có từ trước, ông đã giúp judo nước nhà nhanh chóng hòa nhập lại với đấu trường khu vực.

Những VĐV dự SEAP Games trước 1975: - Hàng đứng từ trái: Trương Đức Hiếu, Lê Văn Vinh, Nguyễn Hữu Huy ----- Thạch Cẩm Tòng (bìa phải hàng ngồi)

Không chỉ vậy ông còn hướng các con mình theo nghiệp võ. Ngoài Quốc Trung, ông còn 2 người con là Nguyễn Quốc Tuấn và Nguyễn Quốc Thắng từng thi đấu Judo và cũng là những võ sĩ có hạng.Có thể xem ông Huy là cầu nối rất quan trong cho nhiều thế hệ vận động viên judo qua nhiều thời kỳ, và chính ông lại là huấn luyện viên trực tiếp đào tạo cho Phương Trinh và Quốc Trung có được các huy chương vàng danh giá nêu trên. Tất cả những tấm huy chương trong những SEA Games khởi đầu cho thời kỳ hội nhập của thể thao Việt Nam đã tạo đà hết sức quan trọng để những giai đoạn tiếp đó judo Việt Nam càng ngày càng phát triển.

Sau khi giã từ thảm đấu vì chấn thương, Cao Ngọc Phương Trinh trở thành HLV trưởng đội tuyển TP.HCM, rồi là Trưởng bộ môn judo của Sở TDTT TP.HCM. Cho đến năm 2006, Phương Trinh chuyển về làm giáo viên thể chất phụ trách môn judo cho trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) và vẫn tham gia huấn huyện, đào tạo các tài năng trẻ cho judo TP.HCM.

(Từ trái) HLV Nguyễn Hữu Huy (1), Quốc Trung (3), Cao Ngọc Phương Trinh (6)

Cô bày tỏ: "Tình thương của thầy Huy đối với tất cả học trò rất lớn lao, hình ảnh của thầy không bao giờ phai trong tôi. Những lúc lười biếng, yếu mềm, tôi luôn được thầy động viên, vực đứng lên. Ngoài những truyền đạt về võ thuật, thầy còn rèn cho tôi và các bạn nhiều đức tính: luôn phấn đấu vươn cao trong cuộc sống và nghề nghiệp, kiên nhẫn, chú trọng đạo đức và nhân cách.Tôi đã học được ở thầy rất nhiều, đến khi bước vào công tác huấn luyện, tôi áp dụng lại cho học trò của mình rất hiệu quả”.

Võ sư Nguyễn Quốc Trung thì tâm tình: “Không chỉ là học trò, tôi còn là con của ba Huy nên tự hiểu rằng mình phải làm gương cho tất cả VĐV trong cả tập luyện lẫn sinh hoạt thường nhật, phấn đấu đạt thành tích tốt cho đất nước khi thi đấu quốc tế. Ba tôi luôn căn dặn tôi  và đồng đội phải khổ luyện, ngủ nghỉ đúng quy định đề ra thì mới có sức để thi đấu. Trong trận chung kết SEA Games năm 1993, nhờ Ba tôi luôn nhắc nhở phải ra đòn liên tục và kỹ thuật nhá bên phải đánh trái (hoặc ngược lại) mà tôi đã có trận thắng điểm vận động viên Indonesia để gianh huy chương vàng".  

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.