Vì sao bóng đá Việt Nam thất bại khi 'xuất khẩu' cầu thủ?

11/02/2020 08:33 GMT+7

Bóng đá Việt Nam có sự “tủi thân” không hề nhẹ khi các cầu thủ ra nước ngoài thi đấu chưa thành công như các đồng nghiệp Thái Lan, vậy lý do nằm ở đâu?

Chưa cầu thủ Việt Nam nào thành danh tại nước ngoài

HLV Chu Đình Nghiêm muốn đưa Văn Hậu về lại Việt Nam

Trước việc Đoàn Văn Hậu vẫn chưa được thi đấu cho CLB Heereveen, phía CLB Hà Nội chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này vì phải chờ hợp đồng cho mượn với CLB Heerenveen hết hạn vào tháng 6.2020 mới có động thái tiếp theo. Tuy nhiên HLV Chu Đình Nghiêm cho biết ông rất mong được đón Hậu về Việt Nam để kịp đăng ký thi đấu lượt về V-League 2020. Một lãnh đạo CLB Hà Nội cho biết CLB có thể sẽ cân nhắc 3 phương án. Hoặc theo nguyện vọng của HLV Chu Đình Nghiêm hoặc sẽ bán đứt nếu CLB Hà Lan chính thức đề nghị, hoặc nếu có CLB nào khác ở các nước khác muốn có Hậu thì Hà Nội sẽ xem xét.
Trong vòng 24 năm, từ 1996 - 2020, Thái Lan “xuất khẩu” 22 cầu thủ sang Nhật Bản thi đấu. Đó là một kỷ lục mà đến thời điểm này chưa có một quốc gia Đông Nam Á nào đạt được. Minh chứng rõ ràng nhất là hiện có 4 cầu thủ Thái Lan khoác áo các CLB tại J-League, giải đấu cao cấp nhất Nhật Bản, gồm Theerathon Bunmathan (CLB Yokohama Marinos), Chanathip Songkrasin, Kawin Thamsatchanan (CLB Consadole Sapporo), Teerasil Dangda (CLB Shimizu S-Pulse). Chưa kể trước đó còn có Thitipan Puangchan. Hầu hết những cầu thủ xuất ngoại đều là trụ cột của đội tuyển Thái Lan và tạo được dấu ấn nổi bật.
Bóng đá Việt Nam cũng đã có nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, nhưng thành công một cách sắc nét như cầu thủ Thái thì chưa. Tại sao vậy? HLV Đoàn Minh Xương cho rằng: “Khi bóng đá Thái Lan đã có cầu thủ thi đấu ở nước ngoài vào những năm 1996, 1997 thì thời điểm đó bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể coi là phát triển, công tác tuyển chọn và đầu tư đào tạo cầu thủ trẻ còn khá yếu. Đến năm 2001, chúng ta mới có cầu thủ đầu tiên là Lê Huỳnh Đức sang Lifan (Trung Quốc) nhưng hợp đồng chủ yếu mang tính thương mại. Sau này có thêm Công Vinh và lứa kế tiếp là Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… Tuy nhiên việc “xuất khẩu” cầu thủ của các CLB ở Việt Nam mới chỉ phản ánh bước tiến bộ ban đầu của bóng đá nội chứ hầu như chưa có một cầu thủ nào tạo được tiếng vang ở nước ngoài”.
Ông Đoàn Minh Xương phân tích tiếp: “Hầu hết các cầu thủ Việt Nam chưa đạt được sự thành công về chuyên môn (bao gồm yếu tố thể lực, thể hình, kỹ năng, khả năng tư duy), chưa đáp ứng được ở mức cao yêu cầu của CLB. Công Phượng, Tuấn Anh sang Mito Hollyhock, Yokohama FC tại J-League 2 vào cuối tháng 12.2015 nhưng không thành công. Hai cầu thủ này được ví là “viên ngọc quý” của bóng đá Việt Nam với nền tảng bóng đá, văn hóa và ngoại ngữ được xem là chuẩn mực trong giới cầu thủ Việt Nam. Tuy nhiên, hành trang tuổi 20 chỉ là 1 năm kinh nghiệm đá trụ hạng V-League không đủ để họ lập tức thích ứng và có phần bị ngộp ở J-League 2.
Ở môi trường nước ngoài lạ lẫm nhưng lại được kỳ vọng quá nhiều, quá lớn, khiến họ càng thêm áp lực, không thể vượt qua nổi. Hơn thế, những cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài buộc phải tìm hiểu kỹ đội bóng đó có thực sự cần mình, có phù hợp và lối chơi ổn định không? Ở đây còn có trách nhiệm của CLB là tìm hiểu thật kỹ về điểm đến mà họ định đưa cầu thủ sang đó, về nền bóng đá, về lối chơi của CLB đó liệu có phù hợp với cầu thủ của mình hay không. Đó cũng là cái thiếu lớn của bóng đá Việt Nam”.

Cầu thủ Thái Lan có bệ đỡ vững chắc

Tiến sĩ quản lý thể thao Huỳnh Trí Thiện - cầu nối cho “mối lương duyên” giữa CLB Hà Nội, Tập đoàn SCG và CLB Muangthong United SCG - cho rằng thuận lợi lớn cho cầu thủ Thái Lan là thỏa thuận hợp tác phát triển với Nhật Bản. “Nhờ thỏa thuận này khích lệ, các CLB Nhật Bản khi tìm kiếm cầu thủ, thay vì các nước khác sẽ chọn Thái Lan. Với cầu thủ Thái Lan, khi đang ở tốp đầu Đông Nam Á thì gia nhập J-League là bước tiến phù hợp về chuyên môn. Các tập đoàn Nhật Bản tại Thái Lan cũng ủng hộ chuyện các đội bóng Nhật ký hợp đồng các cầu thủ Thái Lan để phát triển thị phần. Khi các CLB Nhật Bản cân nhắc các suất cầu thủ Đông Nam Á, họ gợi ý nên ký với tuyển thủ Thái Lan để phát triển đôi bên đều có lợi, giữa CLB và nhà tài trợ”, anh Thiện chia sẻ.
Không như Việt Nam xuất khẩu cầu thủ là nỗ lực, cơ duyên cá nhân (Đặng Văn Lâm, Lê Công Vinh...) hoặc đơn độc một CLB HAGL, Hà Nội..., chiến lược của Thái Lan được chuẩn bị và tổ chức rất bài bản. CEO Thai League, ông Benjamin Tan chia sẻ kỹ hơn với Thanh Niên: “Về cơ bản chúng tôi có mối quan hệ khăng khít mạnh mẽ với đối tác J-League Nhật Bản. Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm các con đường phát triển bóng đá của mình, cho dù là khía cạnh kỹ thuật, cầu thủ, tiếp thị hay những khía cạnh kinh doanh khác của bóng đá. Nhờ mối quan hệ này, Thái Lan đã có được những bản hợp đồng của Chanathip, Teerasil, Theerathon và các cầu thủ khác chứng minh họ có thể chơi ở những giải hàng đầu châu Á. Khi trở lại Thái Lan - các giải chuyên nghiệp, CLB hay đội tuyển quốc gia..., họ bổ sung những giá trị gia tăng, chia sẻ kinh nghiệm cho đồng đội và đó là cách Thái Lan ngày một tự tin hơn”.
Ông Benjamin Tan nói tiếp: “Động thái mới nhất là sự xuất hiện của cựu HLV trưởng Nhật Bản, ông Nishino Akia, người tin rằng các cầu thủ Thái Lan có chất lượng, giúp nhiều CLB Nhật Bản có cái nhìn cận cảnh hơn về các cầu thủ Thái Lan. Ngày càng có nhiều HLV, tuyển trạch viên Nhật Bản đến “xem giò cẳng” cầu thủ tại Thái Lan”.
Cựu danh thủ Lưu Ngọc Hùng nhận xét: “So trên mặt bằng chung, trình độ cầu thủ Việt Nam không kém Thái Lan. Nhưng ngoài lý do có bệ đỡ thì công tác đào tạo cầu thủ Thái vẫn cơ bản và ổn định hơn chúng ta. Họ cũng được trang bị tốt kiến thức nên thích ứng nhanh với bóng đá Nhật Bản, vì thế luôn thể hiện sự tự tin, đủ sức cạnh tranh và không mặc cảm. Cầu thủ Việt Nam đi Nhật hay Hàn Quốc vừa chưa có sự chuẩn bị tốt, thể lực thiếu tích lũy mạnh mẽ, lại vướng vào tâm lý này nên 1 hoặc 2 lần không được ra sân là “bó chân” luôn...”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.