Thay tên đổi họ... đội bóng

12/01/2010 11:01 GMT+7

Việc VFF ra quyết định các doanh nghiệp mua đội bóng phải tuân thủ việc không được đổi tên liên tục trong thời gian ngắn là qui định cần thiết trong thực tế bóng đá Việt Nam (VN) hiện nay.

Việc VFF ra quyết định các doanh nghiệp mua đội bóng phải tuân thủ việc không được đổi tên liên tục trong thời gian ngắn là qui định cần thiết trong thực tế bóng đá Việt Nam (VN) hiện nay.

Hiện tượng có những doanh nghiệp vừa chính thức "mua" đội bóng xong đã lập tức "bán" ngay, không biết ngoài chuyện kiếm lời còn kiếm "quan hệ" hay gì nữa, là chuyện đã và đang xảy ra với bóng đá các CLB ở VN. Như Viette, vừa chính thức "mua" được Thể Công, họ đã vội vàng "bán" ngay cho Thanh Hóa khiến một số cầu thủ Thể Công cũ bất mãn không chịu khoác áo Thanh Hóa, và khến sự việc có cơ rối tung.

Trên thế giới, chuyện các CLB bóng đá, kể cả những CLB nổi tiếng được “bán” cho các ông chủ đáp ứng điều kiện tài chính là chuyện bình thường. Nhưng, dù CLB ấy có thay chủ đổi thầy, thì nhất quyết không bao giờ họ thay tên đổi họ! Như Chelsea, từ hơn mười năm nay họ đã thay hai ông chủ, nhưng Chelsea vẫn là…Chelsea. Không có chuyện Chelsea lại đổi tên thành…Abramovich, chẳng hạn, dù đại gia này đang là ông chủ của Chelsea.

Nhưng ở VN thì khác. Một đội bóng khi đổi chủ là đổi luôn tên, vì chủ nào cũng muốn tên doanh nghiệp, tên công ty mình chường ra trước hoặc sau cái tên “phần cứng” của đội bóng. Bây giờ lại tiến tới mức, “chủ” mua đội bóng rồi…”bán” ngay, bán nóng cho “chủ” khác, khiến đội bóng phải đổi luôn tên “phần cứng”. Thật chẳng ra làm sao nữa! Cái quy định trên ít ra cũng khiến chuyện “thay tên đổi họ” không xảy ra như chong chóng đến chóng cả mặt, nhưng cũng chưa giải quyết được rốt ráo vấn đề.

Tại sao bóng đá VN lại không như bóng đá trên khắp thế giới này, các CLB hoàn toàn tự do chuyển đổi “chủ” nhưng tên đội bóng thì không bao giờ thay đổi. Bởi vì tên đội bóng luôn gắn với người hâm mộ, luôn gắn với khán giả, gắn với cộng đồng. Cái phần “gắn” ấy là “phần cứng”, dù người hâm mộ, cổ động viên, khán giả chỉ mua vé tới sân xem đội bóng của mình trình diễn, chứ không mua đội bóng. Họ không mua đội bóng, nhưng chính họ mới là người nuôi đội bóng. Không chỉ mua vé vào sân, họ còn mua các biểu tượng, những khăn quàng hay áo đấu của cầu thủ đội bóng, tóm lại là họ mua tất tần tật những vật lưu niệm gì mà đội bóng “của họ” bán ra. Vậy thì họ mới là chủ nhân đích thực của đội bóng. Bóng đá VN sẽ phải đi con đường như vậy, con đường mà bóng đá chuyên nghiệp cấp CLB cả thế giới này đang đi. Chứ không phải các “ông chủ” cứ lao vào mua bán tùm lum đội bóng, thay tên đổi họ đội bóng như thay áo, bất chấp tình cảm và nguyện vọng của người hâm mộ, của khán giả.

 Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.