Nhật ký World Cup 2018: Messi khác gì Ronaldo?

30/06/2018 08:46 GMT+7

Đội tuyển của Messi và Ronaldo sẽ thi đấu trong ngày đầu tiên của vòng 1/8. Tôi đã tò mò tìm hiểu xem suy nghĩ của người Argentina về Messi có gì khác suy nghĩ của người Bồ Đào Nha về Ronaldo.

NGƯỜI ARGENTINA BẬT KHÓC TRÊN KHÁN ĐÀI 
Chia tay Kaliningrad ở miền cực tây nước Nga, tôi đến thành phố Kazan bên dòng Volga. Kazan là thủ phủ nước Cộng hòa Tatarstan và là một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng. Dân số thành phố chỉ khoảng 1,2 triệu người, nhưng mỗi năm đón tầm 2 triệu lượt du khách. Năm nay, con số này có lẽ còn cao hơn nữa khi mà Kazan là một trong những thành phố đăng cai World Cup.
Lan man vậy thôi chứ hôm qua tôi đến đây không phải để du lịch. Tôi đi theo dòng chảy của những cổ động viên màu áo xanh da trời với điệp khúc “Vamos, vamos Argentina” không ngừng vang vọng. Buổi chiều hôm nay theo giờ địa phương, Lionel Messi và đồng đội sẽ đối mặt với đội tuyển Pháp hùng mạnh. Sau đó vài tiếng, Cristiano Ronaldo sẽ cùng đội tuyển Bồ Đào Nha đối đầu với Uruguay. Rất tiếc là 2 trận đấu diễn ra cùng ngày và cách xa nhau nên tôi chỉ có thể chọn xem được 1 trận. Và tôi chọn xem trận đấu của Messi, một phần do việc di chuyển tới Kazan tiện hơn so với Sochi, phần còn lại là tôi muốn xem Messi sẽ như thế nào. Tôi đã xem anh thi đấu 3 lần ở World Cup 2018, nhưng đến nay vẫn chưa thấy một Messi như tôi đã từng chứng kiến ở World Cup trước đây và khi anh thi đấu tại Barcelona.
Có rất nhiều khác biệt giữa Messi và Ronaldo, và cách tiếp cận của người hâm mộ từ 2 nền bóng đá với ngôi sao trụ cột của họ cũng rất khác nhau. Có lẽ đó là nguyên nhân khiến Messi đang chịu một áp lực lớn hơn nhiều so với Ronaldo. Đêm nay, 2 ngôi sao ưu tú nhất của bóng đá đương đại sẽ cùng ra sân, sẽ cùng phải chứng minh rằng họ có thể vượt qua tất cả để giành chiến thắng. Và nếu như điều đó xảy ra, ở vòng đấu kế tiếp, chúng ta sẽ được chứng kiến một cuộc đối đầu Messi - Ronaldo. Đã có quá nhiều sự so sánh giữa hai cầu thủ này. Đã có quá nhiều cuộc đối đầu giữa họ ở cấp câu lạc bộ. Bây giờ, hãy thử chờ một cuộc chạm trán ở cấp đội tuyển quốc gia, tại sân chơi World Cup vậy!
Trên đất Nga, sau khi Messi và đội tuyển Argentina thi đấu nhạt nhòa trong 2 trận đầu tiên, họ đã chơi khởi sắc chút đỉnh trong trận cầu quyết định với Nigeria ở Saint Petersburg. Đặc biệt, Messi, niềm kỳ vọng của gần 45 triệu dân Argentina và là tình yêu của hàng triệu người hâm mộ toàn cầu, đã có một khoảnh khắc diệu kỳ với bàn thắng mở tỷ số.
Ở tuổi 31, Messi đang gồng mình trước gánh nặng quá lớn mà cả đội tuyển dồn lên đôi chân anh, và niềm kỳ vọng mà cả đất nước đặt lên vai anh.
“Messi là số 1. Chúng tôi sẽ vô địch”, không biết bao nhiêu lần tôi đã nghe những khẩu hiệu lên gân kiểu này của cổ động viên Argentina. Messi tỏa sáng, tất nhiên đó là do phẩm chất thiên tài của anh. Nhưng khi Messi bế tắc, người Argentina luôn tìm cách đổ lỗi cho HLV Jorge Sampaoli, hoặc là do “áp lực quá lớn”, cho dù đã có không ít thông tin cho biết ở đội tuyển, Messi giờ đây có quyền lực còn hơn cả ông Sampaoli. Với người Argentina, họ không dám tưởng tượng một viễn cảnh đội tuyển thi đấu mà không có Messi.
“Anh ấy là 50% sức mạnh của đội tuyển”, anh Alejandro Kozlowski, một người Nga gốc Argentina sống tại Kaliningrad, chia sẻ. Hình ảnh Giáo hoàng Francis, danh thủ Diego Maradona và siêu sao Lionel Messi luôn song hành, từ World Cup 2014 đến nay tôi vẫn thấy điều đó.
Khác với cách người Argentina trông chờ ở Messi, người Bồ Đào Nha có cách tiếp cận khác với Cristiano Ronaldo. “Anh ấy là số 1. Anh ấy là linh hồn của đội tuyển. Anh ấy sẽ giúp chúng tôi mang cúp về Bồ Đào Nha”, anh bạn Carlos Brum, cổ động viên có lẽ nổi tiếng nhất World Cup lần này, đã nhiều lần chia sẻ với tôi như thế. Ở góc độ này, Ronaldo với người Bồ Đào Nha không khác mấy Messi với người Argentina. Nhưng khác nhau ở chỗ, người Bồ Đào Nha không coi Ronaldo là duy nhất, là tất cả; họ sẵn sàng chấp nhận thực tế là có đôi khi Ronaldo không thi đấu hoặc thi đấu nhưng bị đối phương vô hiệu hóa. Với người Bồ Đào Nha, Ronaldo là cầu thủ cực kỳ quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất, là thủ quân tài năng, chứ không hề là “đấng cứu thế”. Chẳng hạn trong trận chung kết Euro 2016, Ronaldo bị chấn thương ngay từ đầu nhưng Bồ Đào Nha vẫn chiến thắng chủ nhà Pháp.
“Ronaldo là cầu thủ quan trọng nhất, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng điều mà Bồ Đào Nha sở hữu không chỉ là bản thân Ronaldo, mà là tinh thần chiến thắng, khát vọng chiến thắng của Ronaldo. Khi anh ấy thi đấu hay không thi đấu thì tinh thần ấy vẫn hiện diện trong đội tuyển”, anh Pedro Lobito, một cổ động viên Bồ Đào Nha khác mà tôi đã quen nhiều năm, lý giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.