Buồn cho số phận Giresse

23/01/2010 10:11 GMT+7

Với chiều cao vỏn vẹn 1,63m, Alain Giresse để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng giới hâm mộ bóng đá quốc tế nói chung (chứ không riêng gì người Pháp). Nhưng thế hệ của Giresse, Michel Platini, Jean Tigana thất bại ra sao trên đấu trường World Cup hồi những năm 1980, mọi người đều đã thấy rõ. Ở đây, chỉ xin lưu ý: so với ngôi sao cùng thời Platini, số phận Giresse hình như quá hẩm hiu.

Với chiều cao vỏn vẹn 1,63m, Alain Giresse để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng giới hâm mộ bóng đá quốc tế nói chung (chứ không riêng gì người Pháp). Nhưng thế hệ của Giresse, Michel Platini, Jean Tigana thất bại ra sao trên đấu trường World Cup hồi những năm 1980, mọi người đều đã thấy rõ. Ở đây, chỉ xin lưu ý: so với ngôi sao cùng thời Platini, số phận Giresse hình như quá hẩm hiu.

Bây giờ, Platini là chủ tịch UEFA, trong tương lai có thể tấn công vào ghế chủ tịch FIFA. Ở tuổi 33, Platini đã là HLV trưởng đội tuyển Pháp. Ở tuổi 38, Platini là đồng trưởng ban tổ chức World Cup. Nói chung, sự nghiệp bóng đá của Platini cứ lên như diều.

Hóa ra, cú sút luân lưu 11m vọt xà mà Platini thực hiện đúng vào ngày sinh nhật thứ 31 của ông, trong trận tứ kết đáng nhớ Pháp – Brazil tại World Cup 1986, là biểu tượng cho sự đi lên chứ không phải là dấu hiệu thất bại.

Giresse nếu có thua sút một tí so với đồng đội Platini thì đấy cũng chỉ là cái thua do cảm tính, thua một cách ước lệ. Trong mắt các HLV từng dẫn dắt họ trong đội tuyển Pháp là Michel Hidalgo và Henri Michel, Giresse và Platini là các ngôi sao ngang hàng với nhau. Platini qua Ý tỏa sáng trong màu áo Juventus, đoạt cúp C1 châu Âu và 3 lần liên tiếp đoạt “Quả bóng vàng”. Giresse thì gắn bó mãi với Bordeaux, để rồi sự nghiệp của ông cũng mãi mãi khiêm tốn như đội bóng này. Đấy là khác biệt. Và đấy là số phận.

Dường như số phận đã quy định: Giresse mãi mãi chỉ là một HLV thầm lặng, cũng như sự thầm lặng trong đời cầu thủ vậy. Toulouse, PSG và FAR Rabat là các CLB mà Giresse từng dẫn dắt. Trong số ấy, chỉ có Paris SG đáng được xếp vào bóng đá đỉnh cao. Nhưng vài tháng cầm quân ngắn ngủi của Giresse tại PSG lại chỉ là thất bại. Trong khi bạn cũ Platini dẫn dắt đội Pháp ngay sau khi treo giày thì mãi đến tuổi 52, Giresse mới lần đầu tiên có vinh dự huấn luyện một ĐTQG. Đó là đội Georgia, đương nhiên chỉ đóng vai trò lót đường trong làng cầu quốc tế. Sau Georgia là đội Gabon mà Giresse dẫn dắt từ năm 2006. Đây là đội dẫn đầu trong bảng của họ ở CAN 2010 đến tận trước khi vòng bảng khép lại. Nhưng đúng lúc loạt trận cuối cùng của vòng bảng CAN 2010 kết thúc, đội Gabon của Giresse, mà giới quan sát đã hết lời khen ngợi trước đó, đã bất ngờ thua Zambia và bị loại khỏi cuộc chơi.

Đúng là số phận, bởi khả năng huấn luyện của Giresse hoàn toàn không kém. Trong làng bóng châu Phi mà ai cũng biết là vai trò HLV trưởng thay đổi xoành xoạch, dễ gì tìm ra một nhà cầm quân ổn định chỗ đứng trong suốt 4 năm như Giresse? Các tuyển thủ Gabon, xưa nay chưa bao giờ được biết đến trên bản đồ bóng đá thế giới, khẳng định: Giresse đã đến và làm thay đổi cả một bộ mặt của nền bóng đá Gabon. Thủ môn Didier Ovono cho biết: “Trước Giresse, chúng tôi từng được Jairzinho huấn luyện. Nhưng hồi ấy, chúng tôi chẳng tiến bộ chút nào. Bây giờ, chúng tôi quý mến Giresse vì ông ta có công lao thật sự, chứ không phải vì tên tuổi cũ. Tên tuổi Giresse chắc không hơn Jairzinho”.

Nhưng rồi, thất bại vẫn hoàn thất bại. Gabon lại thua vào giờ chót, cũng như họ đã thua và mất vé vào tay Cameroon ở vòng loại World Cup. Đấy là một Cameroon khủng hoảng và lộn xộn về mọi mặt, một Cameroon mà khi gặp lại ở CAN 2010, Gabon đã thắng. 55 tuổi rồi, Giresse còn phải đợi đến bao giờ mới được gặp thời?

Anh Nhi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.