Dọc đường SEA Games 30: Thế giới đá gà ở Philippines

Quốc Việt
Quốc Việt
01/12/2019 08:35 GMT+7

Những hôm rồi khi theo bóng đá, lang thang trên đường tôi để ý thấy người dân Philippines cũng rất thích nuôi gà. Đi đâu cũng thấy. Chỗ ít lèo tèo vài lồng. Nhiều có khi gần chục lồng hình bán cầu úp ngược, hoặc chuồng hình hộp chữ nhật... san sát nhau.

Người Philippines mê đá gà

Trên đường tắt từ bãi xe tricycle đến sân Binan, có thể thấy rất nhiều chuồng gà chọi để ở những khoảng trống được ưu tiên làm sạch, thông thoáng 2 bên đường rất giống khu người Hoa hay Q.4 ở Sài Gòn.

Gà chiến trên đường phố Manila

Mà quả thật người Philippines có rất nhiều điểm tương đồng với VN. Bản thân các bác tài xế, người qua đường hay bảo vệ trường gà khi biết tôi đến từ VN đều toe toét cười, bắt tay và hỏi: “Sang Manila thế nào? Đồ ăn ăn được không? Đi lại thuận tiện chứ?...”. Khi nghe tôi trả lời TP.HCM đỡ kẹt xe hơn nhưng người Philippines thân thiện như Sài Gòn, tất cả đều rất khoái chí. “Người Philippines và VN có khuôn mặt giống nhau, tính cách chúng ta giống nhau”, anh bảo vệ trường gà Pasay City Cockpit, nơi diễn ra các trận đá gà hợp pháp, vui vẻ nhường ghế mời tôi ngồi.
Quay trở lại hành trình đi xem đá gà, xách ba lô đi hỏi dò. Khá ngạc nhiên là hầu hết mọi người đều biết đá gà nhưng lại mù mờ về các trường đá gà. Câu trả lời chung là người nuôi gà rất nhiều, nhưng sới gà, trường đá gà thì chỉ biết sới gà hợp pháp ở Sabungan rất to và hoành tráng. Rất may, chúng tôi được những chàng trai đang độ xe máy chỉ đến một sới gà tự phát cách khách sạn khoảng 1 km. Nhác thấy một người ông đứng tuổi, cổ đeo dây giống dây thẻ SEA Games, tôi tiến lại trò chuyện. Mauro Inguito Murlillo cho biết mình là thành viên BTC chuyên quản lý sân quần vợt tại tổ hợp thể thao Rizal Memorial. Tự giới thiệu đã 60 tuổi, ông nhiệt tình dẫn chúng tôi đi đến sới gà gần đó. Về sau tôi mới biết Mauro hóa ra cũng là “người trong giang hồ”, có dính líu đến đá gà.

Vẫn nở rộ sới gà bất hợp pháp

Thế giới đá gà ở Philippines

Mauro, Bogs và PV Thanh Niên

Hóa ra đây là một khu đất nằm gần sân Rizal Memorial khoảng vài trăm mét, có sân bóng rổ, quần vợt cho thanh thiếu niên gần đó chơi. Bãi đất hoang được người dân tại đây tận dụng làm sới gà dã chiến, được san nền phẳng phiu đá bóng được. Sới hay còn gọi là hồ được xây hình vuông, trông chỉn chu hơn hẳn mấy trường gà tôi biết ở Sài Gòn hay Nha Trang, quây lại bằng tường xi măng cao khoảng nửa mét, dài khoảng 40 m. Mauro cho biết ở Philippines đá gà được công nhận hợp pháp nhưng phải ở những nhà thi đấu đủ tiêu chuẩn như Pasay hoặc Sabungan. Mỗi trận đấu tại đó - như người địa phương gọi là Cock Fighting - được phát trực tiếp trên truyền hình đàng hoàng, dân tình có thể tham gia cá độ từ xa (giống đua chó ở Vũng Tàu). Những sới gà dân dã kiểu này bị coi là bất hợp pháp dù nó vẫn nở rộ khắp nơi tại Manila cũng như các khu vực khác. Người đàn ông nhiệt tình này tiết lộ: “Tôi sinh ra, lớn lên ở đây nên hiểu rất rõ. Bạn biết không, tôi ít khi tham gia đá hoặc cá cược những trận đá gà tại đây bởi thông thường sẽ làm nhiệm vụ… cảnh giới. Nếu cảnh sát tới sẽ thông báo cho mọi người ở trong sới gà chạy trốn. Thực ra, do đá gà đã là môn hợp pháp nên cảnh sát cũng ít khi làm căng”.
Theo đề nghị của tôi, Mauro sang bắt chuyện với Bogs Soronel, một người đàn ông 41 tuổi gầy gò đang ngồi sửa ít dụng cụ để cho gà ăn. Dưới chân chiếc ghế nhựa màu trắng của anh là một hộp làm từ bình nước suối 5 lít cũ chứa đồ ăn, gồm ngũ cốc và thực phẩm gia cầm, một chiếc bạt ni lông cũ để trên đó 2 chai bia Red Horse, 1 chai San Miguel bạc, đĩa, chén, dao... Đó là khu vực Bogs đang thả cho 10 chú gà cách xa nhau, chân cột dây cố định để tránh cảnh “gà nhà đá nhau”. Chỉ vào nồi cơm, Bogs nói: “Đây là thứ duy nhất của tôi” và khoe ngoài 10 chú gà này còn đang nhốt trong khu vực riêng gần đó khoảng 20 chú gà chiến khác. Bogs kể về lịch trình nuôi những chú gà chiến này: sáng dậy sớm cho gà ăn lúc 7 giờ, đến 16 giờ chiều cho ăn lần nữa. Trung bình 1 tuần 2 lần sẽ tiêm thuốc, vitamin... Riêng vệ sinh thì 1 tuần mới tắm 1 lần cho gà.

Manny Pacquiao: Vua boxing cũng là tay săn gà hiển hách

Ngoài những chú gà của riêng mình, việc chính của Bogs là nhận nuôi gà cho các ông chủ khác. Trung bình tổng chi phí lo cho mỗi chú gà là 500 peso/tháng (khoảng 230.000 đồng VN): “Tôi sẽ chăm nuôi gà cho các ông chủ đá gà. Họ có tiền và có thể có hàng chục con nên cần người chuyên nghiệp nuôi. Việc này không có lương nên không thể tính thu nhập trung bình. Trong bầy gà của tôi đang có khoảng 6 - 7 “em” sẵn sàng chiến đấu được. Tháng nào may mắn thắng nhiều, thua ít thì có vài ngàn peso bỏ túi. Hoặc chủ gà đi đá độ nếu thắng 10.000 peso sẽ chia cho tôi khoảng 1.000 peso. Nghề này cũng không ổn định, nhưng lại hợp với tôi vì tôi rất mê chăm gà. Tôi có thể ngồi coi “tụi nhỏ” chạy nhảy cả ngày không chán”.
Cuộc trao đổi càng lúc càng sôi nổi, nhất là sau khi tôi chia sẻ kỷ niệm xem đá gà ở VN. “Tôi từng sang VN làm việc ở một hãng tàu thủy và từng coi đá gà ở VN. Gà VN đánh rất hay nhưng theo phong cách đá đòn nên kéo dài hơn, xem lâu hơn”, Mauro cười nói.
Nhìn Bogs vuốt ve con gà chiến lúc nào cũng ngẩng cao đầu kiêu hãnh, anh kể gà chiến có thể bán với giá 500 peso một con. Đó là gà bình dân kịch trần kiểu Bogs. Anh từng chứng kiến có người bỏ ra 13.000 peso (khoảng 6 triệu đồng VN) để mua một chú gà xịn. Bogs kể nghe trong “truyền thuyết” ở ngoài Manila, ở các tỉnh khác như Iloilo có rất nhiều gà đắt, từ 20.000 - 30.000 peso (tầm 10 - 15 triệu đồng VN) là bình thường.
“Anh biết Manny Pacquiao chứ? Ông ấy là võ sĩ huyền thoại, đang là nghị sĩ ở Philippines. Manny Pacquiao cũng là một tay nuôi gà cự phách đó. Ông ấy sở hữu rất nhiều gà xịn và đắt tiền”, Bogs mơ màng. Có lẽ vì vậy nên Philippines là quốc gia hiếm hoi ở châu Á và thế giới cho đá gà hợp pháp, bên cạnh Thái Lan, Malaysia, Campuchia và đảo Guam.
Cám ơn GoHub đã hỗ trợ nhóm phóng viên Thanh Niên có điều kiện tác nghiệp tốt nhất tại SEA Games 30, giúp công tác truyền dữ liệu từ text, hình ảnh, video clip… luôn suôn sẻ, liên tục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.