Đội tuyển Việt Nam gặp khó khi Thái Lan 'J-League hóa'

12/02/2020 08:33 GMT+7

Ngôi vị số 1 Đông Nam Á của thầy trò HLV Park Hang-seo đang bị đe dọa bởi chiến lược chọn bóng đá Nhật Bản làm đối tác của bóng đá Thái Lan.

Không phải ngẫu nhiên Thái Lan quyết định chọn HLV người Nhật Bản Akira Nishino trong chiến dịch tìm lại hào quang Đông Nam Á. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà HLV Akira Nishino nhấn mạnh lối chơi của Thái Lan sẽ dựa trên hạt nhân là những cầu thủ chơi bóng ở J-League, giải bóng đá hàng đầu Nhật Bản. Ngày càng nhiều tuyển thủ quốc gia Thái Lan sang Nhật Bản thi đấu thì việc nhất thể hóa lối chơi ở một trình độ cao hơn đang được Thái Lan thực hiện một cách khá trơn tru.

Lấy J-League làm trọng tâm

Chính phát biểu trong thời gian đầu dẫn dắt Thái Lan của ông Nishino xoay quanh yếu tố J-League cho thấy rõ chiến lược của FAT. Đó là dựa trên những ngôi sao được chơi bóng ở J-League, một trong những giải đấu hàng đầu châu Á, để làm hạt nhân cho lối chơi của bóng đá Thái Lan. Và một người có kinh nghiệm dẫn dắt các cầu thủ từ nội binh đến ngoại binh chơi bóng ở J-League như ông Nishino sẽ là cầu nối để phát triển lối chơi của Thái Lan lên một đẳng cấp cao hơn.

Đặng Văn Lâm như người khổng lồ tại Thái Lan khiến đối phương nản lòng

Quả thực 5 trận đấu ở cấp độ đội tuyển tại vòng loại World Cup 2022 trong giai đoạn cuối năm 2019 đã cho thấy bộ mặt khác biệt của Thái Lan. Thay vì cách đá bóng dài trái sở trường được thực hiện một cách tù túng dưới thời Rajevac, HLV Nishino đã xây dựng lối đá bóng ngắn, kiểm soát không gian và liên tục gây sức ép tầm cao phù hợp hơn cho Thái Lan.
Tất nhiên, với một lối đá đòi hỏi thể lực, kỹ thuật và tư duy chiến thuật cao thì những gương mặt được chơi ở Nhật Bản như Chanathip, Bunmathan hay Thitipan, Dangda trở thành những nhân tố quan trọng vận hành cách chơi này. Cũng vì vậy theo chiều ngược lại, bản thân ông Nishino cũng không mất quá nhiều thời gian trong việc hòa nhập và mang đến luồng hơi thở mới cho tuyển Thái Lan. Năm 2020, số lượng cầu thủ Thái Lan sang Nhật Bản chơi bóng vẫn được duy trì (gồm 4 người). Nhờ vậy lối chơi của đội tuyển xứ chùa vàng cũng đã phát triển lên một tầm cao hơn nữa.

Thách thức với thầy Park

Thái Lan càng mạnh, thách thức dành cho thầy Park cùng tuyển Việt Nam càng lớn. Bởi sẽ không dễ dàng để Việt Nam có thể bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup vào cuối năm nay. Có thể ông Park sẽ có trong tay những cầu thủ hay nhất mà ông dày công xây dựng trong 2 năm qua. Nhưng cần phải nói thêm rằng, ngoài Văn Hậu tiến bộ hơn về thể lực, tư duy chiến thuật và phong độ ngày càng đi lên của Văn Lâm, 2 cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài, thì phải thừa nhận một thực tế rằng mặt bằng trình độ của cầu thủ Việt Nam hiện tại không có sức bật thực sự đáng kể. Bởi suy cho cùng, chất lượng ở V-League nếu có đi lên vẫn chỉ giới hạn ở khu vực Đông Nam Á.
Bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng: “Về mặt nền móng rõ ràng Thái Lan vẫn trội hơn. Vừa rồi Việt Nam có lứa cầu thủ tinh nhuệ, đạt được một số kết quả tốt trước Thái Lan nhưng không có gì bảo đảm lứa sau bằng hay hơn cầu thủ Thái Lan cả. Bóng đá Việt Nam phải làm việc rất nhiều, lao động không ngừng, cầu tiến, cầu thị để giảm thiểu cách biệt tương quan với người Thái. Thực tế, chúng ta từng coi Nhật Bản là hình mẫu để đi theo. Đi rồi mới thấy không theo được. Kiểu làm bóng đá của người Nhật dựa trên nền kinh tế vững chắc, các đội bóng phải có tiềm lực tài chính.
Ở Việt Nam, 14 đội V-League nhưng chưa chắc được một nửa số lượng đội bóng có tài chính khỏe mạnh. Bóng đá Thái Lan có vẻ sẵn sàng hơn. Nói ví von, Việt Nam muốn dàn trận ra đánh, đá đôi công đẹp mắt nhưng phải trở về cách chơi thực dụng. Phương án tối ưu trong giai đoạn ngắn hiện tại là tinh hoa hóa lứa cầu thủ “vàng” đang có, xen kẽ bổ sung cầu thủ trẻ để họ cống hiến 5 - 7 năm nữa. Những tấm gương xuất ngoại thành công như Đặng Văn Lâm sẽ là những cú hích. Tôi tin rằng muốn bắt kịp người Thái thì cách duy nhất là tiếp tục lao động không ngừng, nếu không sẽ rơi vào tình trạng gặt hái một lứa rồi sau đó rơi tự do vì khoảng trống sau lưng”.
HLV Đoàn Minh Xương nhận xét: “Đúng là đang có sự đối trọng nhất định giữa hai nền bóng đá Thái Lan và Việt Nam khi cùng sử dụng HLV đến từ các nước có nền bóng đá phát triển hàng đầu châu lục. Đây có lẽ là những nước cờ đúng đắn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và FAT. Có thể xem đang có sự cạnh tranh ngấm ngầm nhưng không kém phần quyết liệt giữa ông Park và ông Nishino. Đây thực sự là cuộc cạnh tranh làm mạnh, mang đến cho bóng đá khu vực một màu sắc hết sức thú vị và rõ ràng đã thúc đẩy sự phát triển chung của bóng đá Đông Nam Á. Mỗi HLV có một triết lý khác nhau, có cách huấn luyện không giống nhau nhưng điểm chung là muốn vượt lên đối thủ của mình”.
Ông Đoàn Minh Xương nói tiếp: “Thầy Park không phải áp dụng hoàn toàn lối chơi của bóng đá Hàn Quốc mà biết dựa theo con người thực tế, hoàn cảnh thực tế của bóng đá Việt Nam rồi mới đưa ra những phương pháp và chiến lược sao cho phù hợp. Nhưng chúng ta có lý do để âu lo phần nào khi VFF và ông Park đang vấp phải một chiến lược hết sức bài bản, chuyên nghiệp của người hàng xóm. Hợp đồng mới của ông Park và VFF sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 2.2020 và kéo dài trong 3 năm. Do đó, yêu cầu cấp thiết sớm được đặt ra là đôi bên cần phải ngồi lại với nhau, bàn bạc để cùng thống nhất lộ trình tiếp theo cho bóng đá Việt Nam”.
J-League hút khán giả Thái
Cầu thủ Thái Lan thành công tại Nhật Bản, ngoài yếu tố chuyên môn thì còn có cả những yếu tố quan trọng khác nữa. Trang Facebook tiếng Thái của J-League có đến 450.000 lượt theo dõi, gấp đôi tài khoản “mẹ” ở Nhật Bản. Từ năm 2015, phòng quan hệ quốc tế của J-League được phát triển hơn để mở rộng tầm phủ sóng, đặt dấu ấn tiếp thị ở thị trường mới Đông Nam Á. Năm 2017, Consadole Sapporo ký bản hợp đồng “vàng” với Chanathip Songkrasin và tạo ra một cơn sốt bóng đá mạnh mẽ.
Tờ Japan Times dẫn lời một quan chức đưa ra ví dụ rõ nét: Sapporo chỉ có 2 triệu dân nhưng CLB Consadole Sapporo đạt đến 3 triệu người xem buổi tập đầu tiên của Chanathip tại đây. Tháng 8.2019, Công ty năng lượng Idemitsu Kosan đã mang 100 cầu thủ trẻ và phụ huynh Thái Lan đến Sapporo theo dõi trận sân nhà của Consadole. Nhiều CLB J-League đã bắt đầu sử dụng cổng bán vé bằng tiếng Anh cho người hâm mộ, khách du lịch quốc tế. Sự nhanh nhạy của các tour du lịch giúp mỗi buổi tập của Consadole Sapporo có trung bình từ 40 - 50 CĐV Thái.
Những trận đấu J-League ngày nay thu hút lượng lớn người xem theo dõi các ngôi sao Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda hay Theerathon Bunmathan. Khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Sports cho thấy sự quan tâm của CĐV Thái đến J-League đã bắt kịp những giải hàng đầu thế giới như Đức, Tây Ban Nha.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.