Họa sĩ Úc bị chỉ trích gay gắt vì vẽ tranh biếm họa về Serena Williams

Tây Nguyên
Tây Nguyên
12/09/2018 10:17 GMT+7

Một họa sĩ tranh biếm họa người Úc đang phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt khi bức tranh vẽ nữ siêu sao quần vợt Serena Williams của ông thể hiện “sự kỳ thị chủng tộc và giới tính”.

Bức tranh biếm của họa sĩ Mark Knight đăng trên nhật báo Herald Sun của Melbourne số ngày 10.9, vẽ hình Serena Williams với gương mặt thô kệch như đàn ông cùng đôi môi dày đang nhảy chồm chồm trên cây vợt bị đập gãy tại giải Mỹ mở rộng. Trước đó, ở ván 2 trận chung kết đơn nữ Mỹ mở rộng 2018 ngày 8.9, tay vợt nữ sở hữu 23 danh hiệu Grand Slam đã tức giận đập gãy vợt của mình và gọi trọng tài là “kẻ trộm”, là “kẻ dối trá”.
Serena sau đó đã bị Hiệp hội Quần vợt Mỹ (USTA) trừ điểm và bị phạt 17.000 USD. Sự việc này khuấy động quần vợt thế giới và dẫn đến một cuộc tranh luận ngày càng lan rộng về những tiêu chuẩn kép đối với các nam và nữ vận động viên trong làng banh nỉ.
Tranh biếm của Knight mô tả Serena nhảy chồm chồm với sự giận dữ rất trẻ con trong khi trọng tài hỏi tân nữ hoàng Mỹ mở rộng người Nhật Bản gốc Haiti Naomi Osaka rằng: “Cô không thể để cho cô ấy thắng sao?”
Serena liên tục có những lời lẽ xúc phạm đối với trọng tài ở trận chung kết đơn nữ Mỹ mở rộng 2018 REUTERS
Knight - họa sĩ vốn nổi tiếng với những bức biếm họa gây tranh cãi, đã bị chỉ trích gay gắt vì bức tranh trên. Trong số khoảng 22.000 người vào bình luận trên trang Twitter mà Knight đăng tải bức ảnh, phần lớn là những phản ứng bất bình, trong đó có ý kiến của một thành viên Quốc hội Mỹ. JK Rowling - tác giả của bộ truyện Harry Potter, viết: “Làm quá tốt việc hạ thấp một trong số những nữ vận động viên xuất sắc nhất hiện nay bằng sự thể hiện phân biệt chủng tộc và giới tính, và biến nữ tay vợt á quân trở thành một kẻ lạnh lùng”.
Họa sĩ người Úc đã đáp trả sự chỉ trích bằng việc nhắc lại rằng anh từng vẽ hình ảnh chân thực của Nick Kyrgios khi ngôi sao nam quần vợt Úc “có hành xử tệ hại”. “Đừng đưa giới tính vào tranh khi tranh miêu tả về hành xử”, Knight nói. Trong khi đó, Michael Miller - Chủ tịch điều hành của News Corp Australasia (Tập đoàn truyền thông phát hành tờ Herald Sun ở Melbourne), bảo vệ họa sĩ biếm của mình với tuyên bố: “Những chỉ trích nhắm vào tranh biếm Serena Williams của Mark Knight cho thấy thế giới này đang hiểu sai về vai trò của tranh biếm và trào phúng. Hành xử tồi tệ trong mọi môn thể thao cần được nêu lên”.
Tờ Washington Post đăng một bài bình luận sắc bén về tranh biếm của Knight khi gọi bức tranh đó “phân biệt chủng tộc” và gợi nhớ về thời kỳ phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Cây bút bình luận của tờ này viết: “Knight vẽ những nhân vật có gương mặt tương tự với những tranh biếm vô nhân đạo của Jim Crow từng phổ biến hồi thế kỷ 19 và 20”. Những phương tiện truyền thông khác ở Mỹ chỉ ra rằng Osaka được vẽ nhỏ nhắn và nữ tính với mái tóc vàng thẳng mượt trong khi ngoài đời thì cô này có mái tóc xoăn đậm màu với những lọn tóc màu vàng và cao hơn Serena.
Serena nổi giận đạp nát vợt ở ván 2 trận chung kết đơn nữ Mỹ mở rộng năm nay REUTERS
Theo AFP, Úc là một đất nước rất đa văn hóa, nhưng cũng thường xuyên bị chỉ trích vì sử dụng ngôn ngữ đậm chất phân biệt chủng tộc và giới tính. Thất bại ở chung kết Mỹ mở rộng năm nay khiến Serena vuột cơ hội san bằng kỷ lục 24 danh hiệu Grand Slam của huyền thoại Margaret Court.
Trong trận này, Serena bị trọng tài chính Carlos Ramos cảnh cáo 3 lỗi. Lần đầu là lỗi “lén” nhận chỉ đạo từ HLV, lần 2 là do hành động đập vợt và lần 3 là có lời lẽ xúc phạm đối với trọng tài. Lỗi thứ 2 và 3 khiến tay vợt nữ được ví như "huyền thoại sống" của thể thao Mỹ bị trừ 1 điểm rồi sau đó là phạt thua 1 game, giúp Osaka giành thắng lợi chung cuộc 6/2 và 6/4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.