FIFA cứu VPF một bàn thua trông thấy

29/11/2020 09:36 GMT+7

CLB không đạt tiêu chí cấp phép của Liên đoàn Bóng đá châu Á nhưng chủ tịch đội vẫn trúng cử Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), cựu Trưởng ban tổ chức V-League tái xuất VPF với chức danh tổng giám đốc, dự thu mùa giải 2021 của VPF là gần 104 tỉ đồng.

Trên đây là một số thông tin đáng lưu ý tại Đại hội đồng cổ đông VPF nhiệm kỳ 2020 - 2023 ngày 28.11.

“Tân tổng giám đốc VPF không được tạo phe cánh”

Với số phiếu cao thứ 6/7, ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), đã trúng cử HĐQT VPF và trở thành Phó chủ tịch VPF kiêm tổng giám đốc. Ông Ngọc từng giữ chức vụ quan trọng tại VPF nhưng giữa năm 2018, vì một số lý do, ông được VFF kéo về. Mới đây, ông được đích thân Chủ tịch VPF Trần Anh Tú giới thiệu ngồi vào chiếc ghế nóng Tổng giám đốc VPF trong 3 năm tới.
Năm 2021, VPF dự thu 103,8 tỉ đồng, tổng chi 103,7 tỉ đồng, lãi 100 triệu đồng. Mà nói như ông Trần Anh Tú sau khi tái đắc cứ chức Chủ tịch VPF: “Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã nhắn cho tôi là làm gì thì làm, không được để lỗ”

Ông Nguyễn Minh Ngọc (trái) từng bị xem là hay né tránh các điểm nóng, giờ phải thay đổi

VPF

Một lãnh đạo CLB chia sẻ ngay sau Đại hội cổ đông VPF: “Chúng tôi không quá lăn tăn với hai chức vụ mà anh Ngọc đảm đương tại VPF. Tuy nhiên, các CLB thật sự mong muốn anh Ngọc dù rất có kinh nghiệm trong điều hành các giải đấu nhưng cần có những xử lý uyển chuyển, linh hoạt hơn, cứng rắn hơn để tránh cho bóng đá Việt Nam xảy ra những sự cố đáng tiếc. Năm 2017, khi còn làm trưởng BTC giải, anh Ngọc dự khán sân Thống Nhất nhưng đã thiếu cương quyết trước hành động phi thể thao của một số cầu thủ Đồng Tâm Long An đối với CLB TP.HCM. Chúng tôi muốn tân Tổng giám đốc VPF phải bản lĩnh, không thiên vị đội nào, không tạo ra phe cánh và ngăn chặn được tình trạng một số đội khi đã trụ hạng an toàn, cố tình đá “cò cưa”, cù nhầy, làm ảnh hưởng đến uy tín giải đấu”.

Trở lại “mái nhà xưa”

Một nhân vật đình đám khác từng gây sự chú ý của dư luận bởi những phát ngôn mạnh mẽ, những hành động “khác lạ” - Chủ tịch CLB Hải Phòng (HP) Trần Mạnh Hùng - đã trở lại “mái nhà xưa” VPF. Tại Đại hội cổ đông VPF hôm qua, được 5 CLB giới thiệu ứng cử vào HĐQT gồm HAGL, Sài Gòn FC, Thanh Hóa, Than Quảng Ninh và HP, ông Hùng đã trúng cử với số phiếu cao thứ 2, chỉ sau ông Trần Anh Tú. Hai năm trước, ông Hùng từng xin từ chức Phó chủ tịch HĐQT VPF sau scandal thóa mạ Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền tại một cuộc họp và băng ghi âm đã bị lộ ra ngoài.

Ông Trần Mạnh Hùng

VPF

Điều đáng nói ở đây, CLB HP do ông Hùng làm chủ tịch lại đang là một trong 4 CLB vi phạm tiêu chí cấp phép của AFC (cụ thể, HP không cử đội tham dự giải trẻ năm 2020). Tuy nhiên, mới đây Ban Chấp hành VFF vẫn đồng ý cấp phép ngoại lệ cho HP và 3 đội còn lại (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Sông Lam Nghệ An, Dược Nam Hà Nam Định) nên 4 đội vẫn được quyền tham dự V-League 2021.

Bị tác động bởi dịch covid-19

Về hoạt động tài chính, năm 2018, VPF tổng thu gần 100,5 tỉ đồng, tổng chi gần 97,6 tỉ, lợi nhuận gần 2,9 tỉ đồng. Năm 2019, lợi nhuận khoảng 306 triệu đồng với tổng thu khoảng 111,438 tỉ đồng còn chi là gần 111,132 tỉ đồng. Tuy nhiên đến năm 2020, ngân quỹ của VPF đã bị sút giảm do tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Các giải chuyên nghiệp quốc gia phải tạm dừng, tạm hoãn nhiều lần đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc bán quảng cáo. Việc thay đổi phương thức thi đấu làm giảm xấp xỉ 30% số trận dẫn đến giá trị bán quảng cáo cũng bị giảm.

Các đại biểu bấu chọn

VPF

Năm 2019, VPF đặt ra kế hoạch tổng các nguồn thu năm 2020 là 111,5 tỉ đồng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tổng các nguồn thu dự kiến chỉ đạt khoảng 93,2 tỉ đồng. Dự kiến tổng chi năm 2020 là 100,15 tỉ đồng, bao gồm khoản chi phí quyền tổ chức giải cho VFF cố định hằng năm và hỗ trợ cho các CLB theo kế hoạch là 16 tỉ đồng. Vì bị hụt gần 7 tỉ đồng nên VPF đã lo ngại việc hỗ trợ cho các CLB chỉ thực hiện được trên 50% (khoảng 9 tỉ đồng). Nhưng đúng vào bối cảnh VPF khó khăn về tài chính, VFF đã trích 7 tỉ đồng cho VPF từ khoản “giải cứu” của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Như vậy, VPF vẫn thực hiện đầy đủ khoản chi hỗ trợ cho 26 CLB theo đúng kế hoạch là 16 tỉ đồng. Có thể xem như FIFA đã cứu VFF, VPF một bàn thua trông thấy, giúp VPF không bị lỗ nặng, mà còn lãi nhẹ khoảng 50 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.