Khán giả hờ hững với V-League

08/05/2011 23:43 GMT+7

V-League đã bước vào mùa giải chuyên nghiệp thứ 10 nhưng sức hút của giải đấu này có chiều hướng ngày càng giảm sút, thể hiện ở lượng khán giả đến sân.

V-League đã bước vào mùa giải chuyên nghiệp thứ 10 nhưng sức hút của giải đấu này có chiều hướng ngày càng giảm sút, thể hiện ở lượng khán giả đến sân.

Nhiều sân đìu hiu

Chỉ cần so với mùa bóng 2010 cũng thấy lượng người xem ở lượt đi V-League lần này đã tuột dốc đáng kể. Theo con số thống kê của VFF, năm 2010 tính đến hết lượt đi (13 vòng) có 790.000 khán giả, trung bình 11.286 người/trận thì sau 13 vòng đấu lượt đi năm nay, con số khán giả đến sân là 724.500 người, trung bình 8.050 người/trận, tuột hơn 3.000 người/trận so với cùng kỳ năm trước. Những con số này thật ra được nhiều giám sát ước lượng bằng mắt thường, chứ cũng chưa có sân nào thống kê một cách đầy đủ số lượng người xem.


Khán giả đìu hiu trên sân Hàng Đẫy - Ảnh: Ngô Nguyễn

Ngoài một vài nơi do mặt bằng giải trí tại địa phương còn khan hiếm nên bóng đá vẫn giữ được thế mạnh truyền thống như sân Cao Lãnh (Đồng Tháp), sân Vinh hay sân Thanh Hóa luôn có lượng khán giả chiếm hơn 2/3 sân thì các sân vốn nổi tiếng đông khán giả trước đây đang dần ít đi như sân Gò Đậu (Bình Dương), sân Chi Lăng (Đà Nẵng), sân Lạch Tray (Hải Phòng) và đặc biệt là sân Long An. Các sân này trước đây mỗi khi có đội nhà thi đấu luôn có từ 15.000 đến hơn 20.000 người xem/trận, nhưng năm nay nếu quan sát kỹ các trận đấu được truyền hình trực tiếp cũng thấy rõ khán giả không còn đông. Sân Chi Lăng nhiều trận còn chỗ trống rất nhiều ở khán đài B, sân Gò Đậu cũng không phủ kín như trước, còn sân Lạch Tray nổi tiếng với khán giả cuồng nhiệt nhưng từ khi chuyển giao giữa Xi măng và Vincem thì lượng CĐV đến sân cũng giảm hẳn. Thê thảm nhất là sân Long An từ khoảng 8.000 đến 10.000 người/trận, giờ chỉ còn trên dưới 4.000 người.

Nhưng tình hình đó cũng còn khá hơn các sân Hàng Đẫy (Hà Nội) và Thống Nhất (TP.HCM). Sân Hàng Đẫy có đến 3 đội Hà Nội T&T, Hòa Phát và Hà Nội ACB thi đấu, nhưng số người xem bình quân mỗi trận khoảng 1.000. Hòa Phát và Hà Nội ACB đẳng cấp không thu hút đã đành, ngay ĐKVĐ quốc gia Hà Nội T&T cũng chẳng thể đưa khán giả đến sân khi nhiều trận lèo tèo vài người xem, nhìn rất đìu hiu. Ngay sân Thống Nhất, nhiều trận của Navibank Sài Gòn cũng chỉ có chưa đến 2.000 người khiến không khí trên sân khá ảm đạm.

Lượng giảm do chất xuống

Nhiều ý kiến khi giải thích nguyên nhân khiến khán giả không còn mặn mà với V-League cho rằng do tác động của truyền hình khi tường thuật các giải bóng đá quốc tế ngày càng tạo sức hút lớn làm người xem chán bóng đá nội. Lý giải này xem ra vẫn chưa thỏa đáng, bởi người xem thực chất không hề quay lưng với bóng đá nội nếu như giải đấu đó hay trận đấu đó được tổ chức đàng hoàng, được quảng bá tốt và nhất là các đội phải thể hiện tinh thần thi đấu cống hiến cũng như thái độ phục vụ người xem tốt. Nhưng đằng này những trận đấu như vậy trên sân cỏ V-League thật là hiếm. Bạo lực xuất hiện nhan nhản từ dưới sân lan lên khán đài, từ bên trong ra cả bên ngoài; cầu thủ tấn công nhau thô bạo, bao vây khiếm nhã và xúc phạm trọng tài, khiêu khích CĐV bằng những hành vi phi thể thao. Đạo đức cầu thủ thì xuống cấp trầm trọng, một số sinh hoạt bê tha, không thể hiện sự cầu tiến trên sân, nhiều trận đá đúng sức thì ít mà làm tật thì nhiều khiến khán giả đến sân cảm thấy thất vọng. Công tác giáo dục cầu thủ của các CLB cũng chưa được chú trọng nên cứ mỗi vòng đấu lại xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến hành vi khó coi trên sân…

Nhưng tựu trung hết thảy là do chất lượng lượt đi V-League mùa này không cao. Khán giả không còn thích thú khi phải chứng kiến nhiều trận cầu tẻ nhạt, cầu thủ đá như đi bộ, sức đến phút 70 của các đội gần như đã hết nên tốc độ càng lúc càng chậm dần. Ngay cả nhiều bàn thắng trên sân cũng không phải là kết quả của sự phối hợp hay, dàn xếp đẹp nên chẳng gây được ấn tượng. Số cầu thủ ngôi sao có lối chơi mạnh mẽ thu hút người xem không có, quanh đi quẩn lại vẫn là những cái tên cũ, phong độ đã nhạt nhòa, trong khi nhân tố mới lại chưa nhiều. Ngoại binh còn tệ hơn khi BTC khống chế chỉ có 4 “ông Tây” được thi đấu nên hầu như các đội (trừ SLNA) không có những đột phá nào mới mà chỉ tận dụng những con bài cũ nên không thể tạo nên những đột biến trên sân. Thế nên người xem hờ hững và không còn mặn mà với V-League cũng là điều không quá khó hiểu.

Ý kiến

* “Chúng tôi luôn dành tình yêu cho bóng đá nội vì dù sao nó vẫn gắn bó với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và chúng tôi vẫn tổ chức, động viên anh em đến sân mỗi chiều cuối tuần để cổ vũ cho các trận đấu. Nhưng phải nói thật là chất lượng nhiều trận đấu ở V-League và giải hạng nhất kém quá, diễn biến cứ nhàn nhạt, cầu thủ đá thô bạo, câu giờ nhiều, trọng tài lại thiếu quyết đoán và thiếu cả dũng khí khiến khán giả đến sân mất hứng thú nên dần dần không còn mặn mà. Ngay cả chúng tôi nhiều khi đến sân vì trách nhiệm chứ không còn say mê V-League nhiều như trước” - ông Trần Song Hải (Phó chủ tịch lâm thời Hội Cổ động viên bóng đá VN)

* “Tôi thất vọng với V-League năm nay vì nó không lôi cuốn được người xem như nhiều giải đấu trước. Trước hết là bóng đá xấu xí tồn tại quá nhiều. Cuối tuần mở ti vi xem lại thấy nhan nhản những hành vi bạo lực, phi thể thao trên sân, nhất là những cú vào bóng triệt hạ đối phương nhưng trọng tài lại bỏ qua. Tôi rất ngạc nhiên về sự giải thích của ông Trưởng BTC V-League trên Báo Thanh Niên khi so sánh trận Barca - Real cũng có thẻ đỏ để bào chữa cho V-League ngày càng nhiều thẻ. Đây là sự so sánh khập khiễng. Người đứng đầu mà lập luận như vậy thì thử hỏi làm sao khán giả không mất niềm tin, bóng đá nước nhà không đi xuống?” - ông Nguyễn Thanh Bình (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM)

T.N (ghi)

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.