Nền bóng đá ảo

28/10/2010 10:43 GMT+7

Giá trị ảo của cầu thủ chỉ là một phần trong chuyện ảo của một nền bóng đá. Và chuyện cả một nền bóng đá ảo mới là quan trọng...

Bóng đá VN sẽ khó phát triển nếu khán đài cứ vắng lặng như thế này - Ảnh: S.H.

Giá trị ảo của cầu thủ chỉ là một phần trong chuyện ảo của một nền bóng đá. Và chuyện cả một nền bóng đá ảo mới là quan trọng...

1. Trả lời PV, bầu Đức (Hoàng Anh Gia Lai) cho rằng giá trị cầu thủ VN hiện nay là ảo khi được nâng giá vô tội vạ. Theo ông, hiện không cầu thủ VN nào có giá chuyển nhượng hơn 5 tỉ đồng.

Cách đây vài năm, bầu Thắng (Đồng Tâm Long An) cũng đã lên tiếng về chuyện giá ảo của cầu thủ VN. Và ông cương quyết giữ vững lập trường: thà xuống hạng, thậm chí chơi phong trào chứ không tham gia cuộc đua để nâng giá cầu thủ vượt quá xa giá trị thật của họ.

Vì vậy, hiện hai đội Đồng Tâm Long An cùng Hoàng Anh Gia Lai đều không còn nằm ở tốp đầu tại V-League do cùng đang chăm chút khâu đào tạo trẻ nhằm chứng minh đường đi đúng đắn của mình. Tuy nhiên, liệu đến lúc ấy họ có trụ nổi trước chuyện cầu thủ chao đảo vì những lời đề nghị hấp dẫn từ các đại gia “ăn xổi”? Câu trả lời có lẽ phải chờ thời gian...

2. Một quan chức có cỡ của thể thao VN đã bày tỏ âu lo khi nói mỗi năm các doanh nghiệp bỏ ra trên 1.000 tỉ đồng cho 28 đội bóng dự V-League và hạng nhất. Tiền ấy ở đâu ra? Chắc chắn không phải từ tiền bán vé khi khoảng trống vẫn còn xuất hiện nhiều trên khán đài các sân. Như sân Thống Nhất, tổng số tiền thu được từ bán vé các trận đấu của Navibank Sài Gòn trong mùa qua chỉ được hơn 1 tỉ đồng - con số chưa đủ để trang trải phí tổ chức.

Hiện các doanh nghiệp biện minh rằng tiền ấy là chi phí quảng cáo của họ. Nhưng chuyện này phải xem lại bởi nếu là kinh doanh thuần túy, liệu Navibank có dám chỉ ngần ấy tiền cho một đội bóng suýt rớt hạng không?

3 PGS-TS Lương Kim Chung, nguyên vụ phó Vụ Thể thao quần chúng, đã nghiên cứu khá kỹ về vấn đề này và trong một bài viết dài đến 6.000-7.000 chữ, ông đã nêu ra nhiều yếu tố hết sức đáng lo ngại về bóng đá nước nhà.

Thu nhập của cầu thủ VN hiện cao hơn rất nhiều so với thu nhập bình quân của người lao động, và người ta biện minh rằng đây là một loại hình lao động đặc biệt, tuổi thọ nghề nghiệp ngắn. Tuy nhiên, nếu như bóng đá thật sự thu hút được người dân đến sân, làm thỏa mãn nhu cầu giải trí của người dân thì không có gì đáng bàn. Đằng này bóng đá đang làm người dân ngao ngán bởi những hình ảnh tiêu cực ngày càng phát triển.

Vì vậy, ông Chung cho rằng năng lực kinh doanh bóng đá ở nước ta chưa đủ trang trải chi phí tối thiểu. Mức lương cho cầu thủ không tương thích với trình độ bóng đá và đó là điều đáng lo ngại.

Điều đáng lo ngại khác là chuyện vung tay quá trán của các doanh nghiệp trong việc thưởng. Ông Chung dẫn chứng ở giải Pháp, người ta quy định thưởng mỗi cầu thủ không quá 5.000 franc/trận trong khi ở VN, Navibank Sài Gòn thưởng 2 tỉ đồng trong trận thắng Hà Nội T&T ở vòng 12; Ximăng Ninh Bình thưởng 1 tỉ đồng cho trận thắng LS Thanh Hóa ở vòng 9; Hà Nội T&T thưởng mỗi trận thắng nửa tỉ đồng nhưng nhiều lúc cũng trên con số đó như thưởng 800 triệu đồng ở trận thắng Đồng Tháp ở vòng 19...

Theo ông Chung, đã đến lúc VFF và các CLB phải ngồi lại tính toán với nhau để thống nhất quan điểm trong việc chuyển nhượng, trả lương, chi phí sao cho hợp lý, phù hợp với trình độ bóng đá nước nhà và tình hình kinh tế - xã hội VN nhằm có được sự phát triển lành mạnh.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.