'ASIAD 2018 phải có HCV môn Olympic'

25/09/2017 10:59 GMT+7

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn xung quanh kết quả tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2017 (AIMAG 5) và sự chuẩn bị cho Việt Nam (VN) tham dự ASIAD 2018.

* Đánh giá của ông thế nào về kết quả thi đấu của đoàn thể thao VN tại AIMAG 5 lần này?
Ông Trần Đức Phấn: Đến giờ này dù còn một vài nội dung, một vài môn sẽ thi đấu nốt trong 3 ngày còn lại 25, 26, 27.9 là vật, cờ nhanh, cờ chớp, bơi lội và khiêu vũ thể thao, nhưng có thể nói về cơ bản đoàn thể thao VN đã hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, số lượng huy chương đề ra là 9 HCV, 7 HCB và 16 HCĐ vẫn xếp trong top 10 tổng sắp của đại hội.
Nếu so với 4 năm trước tại Incheon (Hàn Quốc) thì tuy thành tích có cao hơn nhưng do chúng ta tham dự nhiều nội dung hơn, nhiều môn hơn với số lượng gần như gấp đôi nên về mặt nào đó có tiến bộ nhưng chưa thể coi đó đã phản ánh đúng chất lượng đầu tư của chúng ta cho các môn trong nhà. Một phần do chủ trương của chúng ta lần này đưa một số VĐV trẻ tốt tham dự để hướng đến tương lai, phần khác một số VĐV mạnh chủ lực vừa mới trải qua thi đấu tại SEA Games nên điểm rơi cho AIMAG cũng chưa phải đã hoàn toàn hài lòng.

tin liên quan

AIMAG 2017: Bất ngờ từ những người ít được chờ đợi
Đô cử Trịnh Văn Vinh dù từng thắng tại SEA Games nhưng có rất ít người tin anh sẽ giành HCV ở AIMAG còn Nguyễn Tiến Trọng, người không được chờ đợi ở môn điền kinh cũng gây bất ngờ với chiến thắng ở môn nhảy xa.
* Tại AIMAG lần này, 4 môn Olympic của chúng ta đều có huy chương. Từ đây liệu có thể xem là tín hiệu lạc quan cho sự khởi sắc của thể thao VN?
Ông Trần Đức Phấn: Chúng ta không đưa lực lượng mạnh nhất đến AIMAG nhưng các môn Olympic như điền kinh, bơi lội, cử tạ và taekwondo cũng đã cố gắng đảm bảo phần nào yêu cầu. Cử tạ đã chơi tốt, điền kinh, bơi lội cũng đạt một số kết quả như mong đợi, chỉ có taekwondo vẫn trông cậy vào quyền vì đối kháng rõ ràng bây giờ các nước Trung và Tây Á đã mạnh lên rất nhiều mà các nước Đông Nam Á khó là đối thủ xứng tầm. Nhưng nếu căn cứ vào thành tích này để cho rằng thể thao VN đã mạnh lên thì cũng chưa hoàn toàn đúng. Bởi cũng có rất nhiều nội dung chiến thắng của chúng ta trong điều kiện một số nước mạnh chưa đưa lực lượng tốt nhất đến AIMAG. Đơn cử như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước ở châu Đại dương, họ không đưa những con người tốt nhất đến AIMAG mà muốn tập trung cho ASIAD năm sau và xa hơn là Olympic Tokyo 2020.
Niềm vui của ông Phấn với đội cử tạ và đội muay Việt Nam Đăng Khoa
Vì thế không nên xem chuyên môn tại AIMAG là cơ sở để dự báo cho ASIAD hay xa hơn. Cuộc họp các trưởng đoàn vào hôm qua chính Ủy ban Olympic châu Á (OCA) cũng than phiền là kỳ này một số quốc gia mạnh không đưa lực lượng mạnh đến AIMAG. Ngay việc xác định môn thi và nội dung thi, OCA cũng sẽ phải tính lại để đảm bảo cho sự cân bằng giữa các khu vực và có tính đại chúng, cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Như AIMAG lần này trong hơn 300 nội dung thi đấu thì khoảng 1/3 là các nội dung thế mạnh của chủ nhà và không nhiều nước tham gia nên đến giờ họ vượt trội với 79 HCV là đương nhiên, hơn gấp 3, 5 lần so với đoàn nhì là Trung Quốc.
* Như vậy VN sẽ chuẩn bị gì cho ASIAD sau AIMAG?
Ông Trần Đức Phấn: Chúng tôi xác định AIMAG là bước đệm để chúng ta vừa tiếp tục hòa nhập với ngôi nhà chung châu Á vừa là dịp đảm bảo khả năng cọ xát thử thách cho nhiều VĐV triển vọng để có hướng đầu tư lâu dài. Từ nay đến ASIAD 2018 chỉ còn 11 tháng. ASIAD 2018 khai mạc ngày 18.8.2018 tại Jakarta và Palembang (Indonesia) nên thể thao VN đang gấp rút chuẩn bị. Chúng tôi xác định ASIAD là ‘chiến trường” quan trọng nhất cho thể thao VN bước ra tầm thế giới, là trục trung tâm hướng đến SEA Games 2019 tại Philippines và vòng loại Olympic Tokyo 2020.
Hiện chúng tôi đã rà soát và sẽ tập trung đầu tư cho gần 100 VĐV trọng điểm, phần lớn là các VĐV môn Olympic để mục tiêu là giành một số HCV. Chúng tôi sẽ lựa chọn và cho đi tập huấn nước ngoài một số VĐV, mời chuyên gia giỏi về các mặt chuyên môn lẫn tâm lý để hỗ trợ cho VĐV VN. Những ASIAD gần đây chúng ta luôn rất khó nhọc để giành HCV và thường rơi vào các môn không phải Olympic như karatedo với Lê Bích Phương năm 2010 hay Dương Thúy Vi ở môn wushu năm 2014. Trong khi đó rất nhiều HCB và HCĐ lại rơi vào các môn Olympic. Vì thế mục tiêu lần này là chuyển bạc thành vàng. Phải quyết tâm và thật cố gắng để có HCV môn Olympic tại ASIAD tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.