Tiền nào, của nấy

16/01/2010 11:26 GMT+7

Sở dĩ những siêu sao như Drogba hoặc Eto'o đều tỏ ra mờ nhạt, không đáp ứng được sự chờ đợi khi họ trở về châu Phi dự CAN 2010, là vì ĐTQG của họ không có điều kiện chuẩn bị một cách nghiêm túc trước một giải lớn, như cách chuẩn bị trước EURO hoặc World Cup của các đội tuyển châu Âu.

Sở dĩ những siêu sao như Drogba hoặc Eto'o đều tỏ ra mờ nhạt, không đáp ứng được sự chờ đợi khi họ trở về châu Phi dự CAN 2010, là vì ĐTQG của họ không có điều kiện chuẩn bị một cách nghiêm túc trước một giải lớn, như cách chuẩn bị trước EURO hoặc World Cup của các đội tuyển châu Âu.

Đấy là sự thật hiển nhiên, Essien chỉ xuất hiện ở đội Ghana 2 ngày trước khi đội này quyết đấu với Bờ Biển Ngà lúc rạng sáng nay (nghĩa là CAN 2010 khai mạc lâu rồi, Essien mới có mặt).

Rất có thể, bất ngờ sẽ giảm dần theo dòng trôi của CAN 2010, vì các đội mạnh khi đã thi đấu đến trận thứ 2 hoặc khi đã vượt qua vòng bảng thì sự ăn ý giữa các ngôi sao trong đội đã được cải thiện. Trận sau họ sẽ ăn ý hơn, đá nhuần nhuyễn hơn trận trước. Khi ấy, Eto’o sẽ phải hay hơn các cầu thủ Gabon, Drogba sẽ phải hay hơn các cầu thủ Burkina Faso.

Xin nhắc lại, “có thể” thôi, chứ không chắc chắn như vậy, vì đấy chỉ là lý thuyết. Và lý thuyết “càng đá càng hay” chỉ có giá trị khi các ngôi sao được huấn luyện bởi một HLV giỏi. Thường thì, các HLV tự thấy mình giỏi trong bóng đá đỉnh cao sẽ không chọn các đội bóng châu Phi, nguyên nhân vì sao chắc không cần phải nói nhiều.

Hỏi lại lần nữa: vì sao Drogba hoặc Eto’o không xuất sắc như sự chờ đợi ở CAN 2010? Những ai phản đối lập luận rằng họ không có điều kiện chuẩn bị tốt có thể chỉ vào một nguyên nhân khác: HLV của họ ở các đội tuyển châu Phi không nghĩ ra được cách tốt nhất để tận dụng cái hay về mặt cá nhân của các ngôi sao ấy. Drogba thất bại vì HLV Halilhodzic của Bờ Biển Ngà không được như những Ancelotti, Hiddink hoặc Mourinho ở Chelsea. Tương tự, Eto’o chỉ được dẫn dắt bởi Le Guen ở đội tuyển Cameroon. Cỡ Le Guen chắc không có cơ hội tìm việc ở Inter Milan hoặc Barcelona.

Chuyện càng trở nên rõ ràng đối với Mikel và hàng chục hảo thủ ở đội tuyển Nigeria. Từ khắp châu Âu, họ trở về ĐTQG, dự CAN và… mạnh ai nấy đá dưới sự dẫn dắt của HLV Amodu. Trong cơn giận dữ kể cũng hơi quá, báo chí Nigeria chỉ trích đội hình của Amodu trong trận thua Ai Cập: họ đá 2-4-4!

Amodu hiện lĩnh mức lương 125.000 euro/năm, thấp nhất trong số 32 HLV trưởng của các đội bóng chuẩn bị World Cup, thấp hơn cả lương của HLV tuyển CHDCND Triều Tiên Kim Jong Hung (nghe nói là khoảng 170.000 euro/năm). Ở đội Algeria, một đội Bắc Phi không thể cho là nghèo, HLV Rabah Saadane lĩnh khoảng 245.000 euro/năm, cũng nằm trong nhóm 6 HLV lĩnh lương thấp nhất trước thềm World Cup. Thế còn các HLV lĩnh lương cao nhất? Capello kiếm được 8,8 triệu euro/năm ở đội tuyển Anh, Lippi 3 triệu ở đội tuyển Ý, Loew 2,5 triệu ở đội tuyển Đức. “Tiền nào của nấy”. Không phải mọi chuyện trên đời là phải như vậy, nhưng đa số là vậy. Và trong làng bóng châu Phi, nơi người ta có thể giải tán cả đội bóng chỉ vì chuyện chia tiền thưởng, tiền bạc càng là vấn đề quan trọng.

Phải có lý do khiến Amodu dẫn dắt đội tuyển Nigeria đến 4 lần nhưng ông chưa có một lần được dẫn dắt các đội bóng châu Âu. Và cũng phải có lý do khiến Amodu chấp nhận mức lương thấp nhất so với các đồng nghiệp khác. Khi các ngôi sao Nigeria mờ nhạt hẳn dưới sự dẫn dắt của một HLV như vậy, thì đâu có gì lạ.

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.