Giá bản quyền AFF Cup, Olympic tăng “sốc” ở Việt Nam

13/02/2020 09:10 GMT+7

Vài năm trở lại đây, câu chuyện bản quyền truyền hình các giải đấu lớn luôn rất nóng ở Việt Nam và năm 2020, các đơn vị truyền thông trong nước không chỉ phải chạy đua quyết liệt với nhau mà còn bị các đơn vị nước ngoài gây khó dễ.

Chủ sở hữu bản quyền bắt chẹt

Đã có bản quyền truyền hình vòng loại thứ 3 World Cup 2022 trên lãnh thổ Việt Nam 

Đội tuyển Việt Nam vẫn đang thi đấu vòng loại thứ 2 khu vực châu Á World Cup 2022 nhưng BQTH vòng loại thứ 3 trên lãnh thổ Việt Nam đã được một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam rất mạnh về công nghệ, viễn thông và giáo dục mua từ đối tác Trung Quốc. Như vậy nếu Việt Nam đi tiếp vào vòng 3 thì người hâm mộ trong nước sẽ được xem thầy trò HLV Park Hang-seo thi đấu trên kênh sóng nào đó.
Ngay sau khi AFF Cup 2018 kết thúc, chủ sở hữu bản quyền truyền hình (BQTH) AFF Cup 2020 - một công ty lớn của Pháp - đã chào bán bản quyền giải đấu này trên lãnh thổ Việt Nam. So với năm 2018, đợt này đối tác nước ngoài đã không tách thành hai gói gồm gói phát sóng trên các kênh quảng bá (2 năm trước VTV mua được gói này) và gói trên internet, ứng dụng di động, vệ tinh, cáp (Next Media mua) mà bán cả gói nguyên vẹn nên giá cũng tăng gấp 3 lần. Số tiền không được người trong cuộc tiết lộ, nhưng được biết không dưới 5 triệu USD.
Hiện có 4 đơn vị truyền thông và truyền hình trong nước đang săn đuổi gói bản quyền nói trên và cuộc đua chưa thể có hồi kết. Ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập VTV, cho biết VTV đã tiến hành đàm phán từ cuối năm ngoái nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Do đối tác bán trọn gói nên giá quá đắt, mà VTV đã dành một khoản tài chính khá lớn để mua BQTH giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2020) nên phải cân đong đo đếm “từng đồng một”. Cũng theo một số đơn vị truyền thông khác, do AFF Cup quá hấp dẫn, được khán giả đặc biệt quan tâm nên chủ sở hữu BQTH chưa chịu xuống nước mà vẫn giữ cái giá ở “trên trời”. Tâm lý của các đơn vị truyền hình trong nước lại rất muốn mua gói này vì có thể có lãi, nhưng chưa thỏa thuận thành công.
Tuy đội U.23 Việt Nam không thể có vé dự Olympic Tokyo vào mùa hè năm nay nhưng BQTH Thế vận hội cũng rất đắt. Năm nay, BQTH sân chơi thể thao lớn nhất thế giới thuộc về ban tổ chức chủ nhà Nhật Bản và họ ra giá cao gấp... 20 lần Olympic 2016. Từ tháng 6.2018, VTV và đối tác của VTC đã tiến hành đàm phán nhưng suốt gần một năm rưỡi qua vẫn chưa thể mua nổi. Thậm chí vào tháng 6.2019, tại cuộc họp với Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ Thông tin - Truyền thông, VTV cho biết đã được đối tác đồng ý giảm giá nhưng vẫn còn cao hơn gấp 10 lần so với Thế vận hội 2016. VTV đã đề nghị 7 đài truyền hình khác tại Việt Nam cùng góp tiền mua nhưng chưa nhận được sự đồng ý.

Mất cơ hội xem tuyển nữ và U.19 Việt Nam trên sóng truyền hình

Khán giả Việt Nam sẽ được xem cả Euro lẫn Copa America

Với một số giải quốc tế khác như Euro 2020 (diễn ra từ 12.6 - 12.7), VTV được UEFA cấp phép độc quyền truyền thông, gồm truyền hình và phát thanh, trên cơ sở miễn phí và/hoặc trả tiền tất cả các chương trình liên quan tới trên mọi hạ tầng truyền dẫn như mặt đất, cáp, vệ tinh, IPTV, internet, di động; quyền trình chiếu công cộng, khai thác trên mạng xã hội... trong lãnh thổ Việt Nam. Còn Copa America cùng thời gian với Euro tuy chưa có đài nào thông báo đã sở hữu BQTH nhưng theo một chuyên gia về bản quyền, giải đấu này cũng sẽ được phát sóng hợp pháp tại Việt Nam bởi chắc chắn sẽ có đơn vị mua với giá không quá cao.     
T.N
Các đài cạnh tranh với nhau là chuyện tất yếu của thị trường bản quyền, nhưng việc các đài bị “phá đám” bởi yếu tố nước ngoài cũng sẽ khiến khán giả Việt Nam bị mất cơ hội theo dõi những giải đấu hấp dẫn trên các kênh quảng bá. Ví dụ như VCK giải U.19 châu Á với sự góp mặt của đội U.19 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier. Một công ty truyền thông trong nước đã gần như đạt được thỏa thuận với AFC về BQTH giải đấu này, nhưng mới đây AFC đã chọn một đối tác Trung Quốc đứng ra làm đại lý phân phối BQTH tất cả các giải do AFC tổ chức và chịu trách nhiệm, gồm cả giải U.19 châu Á 2020. Oái oăm ở chỗ đại lý này đã không đồng ý bán cho Việt Nam nữa và đưa ra tối hậu thư nếu không “chồng” thêm tiền thì sẽ không ký hợp đồng.
Liên quan đến bóng đá nữ, khán giả Việt Nam cũng sẽ không có cơ hội thưởng thức trên bất kỳ kênh sóng nào tại Việt Nam hai trận lượt đi và về vòng play-off Olympic của thầy trò HLV Mai Đức Chung. Đơn giản vì BTC không bán BQTH cho các đài ở Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.