V-League 2020: 4 đội đầu bảng giai đoạn 1 đá sân nhà nhiều hơn 4 đội sau

14/05/2020 20:31 GMT+7

Thể thức thi đấu chia nhóm đua vô địch và đua trụ hạng giúp V-League giảm tải số trận, dù tính công bằng chưa hoàn toàn đảm bảo nhưng cũng phần nào chấp nhận được.

Trở lại sau đợt nghỉ dịch Covid-19, V-League đã trình làng thể thức “chưa từng có” trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Các đội sẽ đá vòng tròn một lượt 13 vòng (đã đá 2 vòng) để xác định bảng xếp hạng lượt đi.
Sau đó 8 đội dẫn đầu lượt đi V-League 2020 sẽ đá vòng tròn một lượt để chọn ra ba đội vô địch, á quân và hạng ba. 6 đội xếp sau cũng đá vòng tròn một lượt để chọn ra một đội xuống hạng thẳng, không đá play-off.

Covid-19 khiến V-League thi đấu theo kiểu lạ chưa từng thấy và tin vui cho người hâm mộ

Nhìn rộng ra, thể thức chia đôi bảng xếp hạng để các nhóm đội đua vô địch - đua trụ hạng đá riêng tương đối phổ biến trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc (K-League) hay Scotland (Scottish Premier League) hay giải vô địch CH Czech của Filip Nguyễn.

Cầu thủ đa năng Dương Văn Hào tranh bóng cùng cầu thủ Hà Nội chiều 13.5

Minh Tú

Với riêng V-League, thể thức đá này từng được HLV Chung Hae-seong của CLB TP.HCM gợi ý với cách phân nhóm 7-7 mà về sau ông Chung thừa nhận Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sau khi họp ban chấp hành (BCH) chia lại thành 8-6 là hợp lý. 
Nhờ cách đá kiểu chia đôi, các đội sẽ giảm tải được số trận, từ 26 trận mỗi mùa V-League xuống còn 20 trận (với các đội đua vô địch) và 18 trận (với các đội đua xuống hạng).
Đây cũng là số trận hợp lý cho phần còn lại của mùa giải V-League 2020, với quỹ thời gian chỉ còn khoảng 4 đến 5 tháng. Nếu đá đủ 26 vòng như kế hoạch ban đầu thì số trận quá nhiều, không thể đá dồn 3 ngày một trận suốt nửa năm.
Dù vậy, vẫn có những bất cập được cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải của Thể Công chỉ ra. Đó là có một nửa số đội được đá 7 trận sân nhà, nửa còn lại chỉ được đá 6 trận sân nhà trước khi phân hạng. Hoặc nếu nhiều đội bóng cùng nhà tài trợ vào một nhóm sẽ khiến họ hưởng lợi.

CLB Viettel tích cực tập luyện chuẩn bị cho ngày trở lại V-League

Minh Tú

“Sẽ có những đội chịu thiệt thòi. Trước đây, các đội đá 13 trận lượt đi, 13 trận lượt về. Lượt đi tôi đá với anh sân nhà, thì lượt về tôi đá với anh sân khách.
Chia theo kiểu một lượt thế này thì sẽ có những đội chỉ đá với đội này trên sân khách mà không được đá sân nhà, như thế là không công bằng”, ông Hải phân tích.
Theo chuyên gia kỳ cựu này, một trận đấu trên sân nhà có thể mang tới khác biệt rất lớn. Ngoài ra, ông Vũ Mạnh Hải cũng nghi ngờ cách phân chia mới có thể ảnh hưởng đến động lực thi đấu của các đội.
“Sẽ có những đội không tích cực lắm. Họ biết thực lực không vô địch được thì sẽ nảy sinh tiêu cực, dàn xếp, cho điểm, giành điểm giữa liên minh đội nọ, đội kia, cho điểm để đội nào đó vô địch. Các đội còn lại không có mục tiêu, thiếu cạnh tranh và kém hẳn hấp dẫn đi”, ông Hải phân tích. 

Quãng thời gian nghỉ vì Covid-19 giúp Quang Hải dẹp nỗi lo quá tải như mùa trước

Minh Tú

Đang có một số thông tin cho rằng các CLB V-League sẽ được đưa điểm số về 0 khi kết thúc lượt đi để chuẩn bị bước vào vòng phân hạng. Điều này dẫn đến nỗi lo có những CLB chắc suất nằm trong nhóm tranh vô địch rồi bị mất động lực thi đấu.
Đơn cử như đội X sau 10 vòng đã chắc suất nằm trong nhóm 8 đội dẫn đầu tranh vô địch, liệu có động lực đá tốt 3 vòng còn lại của lượt đi, khi thực tế V-League đứng thứ 1 hay đứng thứ 8 cũng không khác gì nhau, đều có 0 điểm khi bước vào loạt trận phân hạng.
Đây là luận điểm VFF cần nghiên cứu. Bởi với giải đấu đã tương đối thiếu sức cạnh tranh ở nhiều cuộc đua như V-League, xếp thế nào đảm bảo động lực cho các đội là nhiệm vụ rất quan trọng. 

Tiền đạo Văn Quyết sút bóng trận giao hữu với Viettel

Minh Tú

Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh cũng là ủy viên BHV VFF cho rằng ban soạn thảo của VFF và VPF sẽ cùng tích cực tính toán những chi tiết còn lại, như sau lượt đi V-League 2020 sẽ trả điểm về bằng 0 hết để đá vòng tròn 2 nhóm 8 và 6 đội, hay giữ nguyên điểm sau lượt đi V-League 2020, điểm số có là cơ sở tạo lợi thế sân nhà không...
“Phương án dựa vào thứ hạng giai đoạn 1 để ưu tiên ai xếp cao hơn được đá sân nhà nhiều hơn, ví dụ 4 đội đầu sẽ được đá 4 trận sân nhà còn 4 đội đứng sau đó chỉ được đá 3 trận sân nhà. Tương tự như vậy 3 đội xếp thứ 9 đến 11 đá 3 trận sân nhà và 12 đến 14 chỉ đá 2 trận sân nhà. Hoặc giữ điểm ở lượt đi và cộng dồn vào lượt về sẽ kích thích các CLB phải luôn nỗ lực, tập trung tạo lợi thế điểm số cho mình.
Điều này sẽ tránh được tình trạng một số đội đá V-League chỉ phấn đấu lọt vào top 8 hoặc đằng nào cũng nằm trong top 6 nên sẽ lơi chân, để dành sức quyết chiến cho giai đoạn 2 V-League 2020”, ông Thanh bày tỏ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.