Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 41: Hoa hồng giữa đồng cỏ dại

22/03/2013 00:55 GMT+7

Đã là mẹ của một cô con gái 13 tuổi, nhưng cựu VĐV Hà Thu Dậu trông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Hà Thu Dậu có lối ăn mặc trẻ trung và nổi bật, như chính suy nghĩ của chị: “Tôi luôn thích những màu sắc sặc sỡ. Bởi cuộc sống của tôi luôn sôi động và đa sắc màu”.

Đã là mẹ của một cô con gái 13 tuổi, nhưng cựu VĐV Hà Thu Dậu trông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Hà Thu Dậu có lối ăn mặc trẻ trung và nổi bật, như chính suy nghĩ của chị: “Tôi luôn thích những màu sắc sặc sỡ. Bởi cuộc sống của tôi luôn sôi động và đa sắc màu”.

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 40: Khi lực sĩ cử tạ làm trang trại

Bước chân vào làng bóng chuyền Việt Nam là một tình cờ đối với Hà Thu Dậu. Tốt nghiệp Trường THPT Lý Thường Kiệt (Yên Bái), chị Dậu đem hoài bão tuổi trẻ gửi gắm vào ngành luật (ĐH Luật Hà Nội) nhưng trượt. Đúng lúc đó, anh trai chị là Hà Khắc Hùng (VĐV bóng chuyền cho đội Xi măng Thanh Ba, Vĩnh Phúc) “rủ” xuống chơi bóng cho đội Cảng Việt Trì (Phú Thọ). Ra đến sân, chị còn chưa biết… đánh bóng như thế nào. Thế mà chỉ vài tháng tập luyện, tiềm năng và sự nhanh nhẹn của cô gái đến từ vùng Yên Bái cao 1 m 76 nhanh chóng phát lộ. Chơi bóng cho đội Cảng Việt Trì 5 năm thì chị được gọi sang đội Bưu điện Hà Nội. Năm 1993, chị được gọi vào đội tuyển quốc gia Việt Nam và trở thành một trong những VĐV nòng cốt của đội tuyển.

Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 41: Hoa hồng giữa đồng cỏ dại 
Hà Thu Dậu khuyên các VĐV của mình hãy dành thời gian đi chơi, mua sắm, làm đẹp - Ảnh: nhân vật cung cấp

Nhiều người cho rằng, con đường đến với vinh quang trong thể thao của chị có sự may mắn và được trải bằng hoa hồng. Nhưng thực tế, những thành công, huy chương mà chị giành được đều là kết quả của quá trình dài khổ luyện bằng nước mắt, máu và sự quyết tâm không ngừng nghỉ. “Nếu so sánh huy chương là hoa hồng thì với tôi, nó được gieo vào giữa một vùng đất hoang sơ, đầy gai góc và cỏ dại. Tôi phải vượt qua những gai góc, cỏ dại để hái lấy đóa hoa hồng mọc giữa cánh đồng đó” - chị bảo. Chị tự nhận mình là người “tự tin và hiếu thắng” - hai tính cách giúp chị thành công. Bởi thể thao không giống những ngành nghề khác, nếu VĐV không muốn “an phận” và “lặng lẽ” thì phải khẳng định mình bằng chiến thắng vượt lên trên đối thủ. Sau này, khi trở thành HLV đội Ngân hàng Công thương, chị “truyền” lại “bí kíp”, những đường bóng hay cho các VĐV của mình, kèm theo “chỉ thị”: Không nghiêm túc tập luyện và tạo áp lực cho bản thân thì không có thành công.

Nghệ thuật giữ gìn tổ ấm

Gần 20 năm cống hiến cho bóng chuyền, đến khi rời sân thi đấu, chị trở về với vai trò người mẹ, người vợ trong gia đình. “Gia tài” quý giá nhất của chị là cô con gái 13 tuổi và ông chồng hết mực yêu thương vợ. Chị mỉm cười: “Nhiều người hỏi tôi cách giữ hạnh phúc gia đình nhưng vẫn hoàn thành tốt công việc chuyên môn, tôi nghĩ, đó là một nghệ thuật. Nhưng tôi coi bóng chuyền là công việc, và rạch ròi giữa công việc với gia đình”.

 

Hà Thu Dậu sinh năm 1969, là chủ công đội tuyển bóng chuyền quốc gia Việt Nam, lần lượt giành HCĐ SEA Games năm 1997, HCB SEA Games năm 2001, vô địch quốc gia từ năm 1995-1999 trong màu áo Bưu điện Hà Nội.

Những năm tháng say mê cống hiến cho thể thao của chị có hình bóng anh Triệu Lâm Đông (Vĩnh Phúc) bên cạnh động viên, giúp đỡ. Đến khi trở thành vợ chồng, anh vẫn luôn ở bên cạnh để hỗ trợ chị theo đuổi mơ ước. Quãng thời gian “sung sức” với thể thao nhất, sinh con có thể làm giảm đi sức khỏe của mẹ, chị quyết định “kế hoạch”. Nghe tin đó, hai bên nội ngoại kịch liệt phản đối, trách móc, đặc biệt là bố mẹ anh. Anh lại đứng ra bênh vợ. Tám năm “kế hoạch” cũng là thời gian chồng chị bên cạnh chị trong từng trận thi đấu, từng đợt tập luyện miệt mài quên giờ giấc, từng khoảnh khắc chị và đồng đội nhận huy chương. Năm 2000, bé gái xinh xắn chào đời, cũng là lúc chị Dậu quyết định rời bỏ bóng chuyền để chuyên tâm làm tròn thiên chức làm mẹ, làm vợ.

Với Hà Thu Dậu, chồng chị không quá lãng mạn để thường xuyên nhắn cho chị những lời yêu thương ngọt ngào nhưng luôn nhớ đến từng buổi làm việc, lịch thi đấu, công tác để nhắc chị. Anh cũng từ bỏ đam mê điền kinh để trở về làm nhân viên bưu điện, hằng ngày cùng vợ chăm sóc mái ấm nhỏ. Năm 2004, chị về làm HLV cho đội Ngân hàng Công thương, đào tạo VĐV trẻ trên từng đường bóng. “Bình quân mỗi năm, thời gian đi công tác của tôi lên đến 6 - 7 tháng, mọi việc ở nhà đều cậy nhờ chồng tôi. Chúng tôi cũng không thuê người giúp việc. Anh ấy đưa đón con, cơm nước cho con ăn, dạy con học hành. Các cô giáo vẫn ngạc nhiên vì con bé chỉ có bố thường xuyên đưa đón, họp phụ huynh”. Sau những đợt công tác, chị lại bận bịu với những bữa cơm gia đình. “Thể thao là công việc, tôi có thể say mê nó nhưng về nhà, tôi là người phụ nữ của chồng tôi” - chị tự hào.

Đang kể chuyện, chị Dậu cho tôi xem ảnh của con gái. Đôi mắt chị long lanh: “Cháu giống bố ở khuôn mặt nhưng tính cách và cao giống mẹ”. Tôi hỏi, cháu có hay chơi bóng chuyền không. Chị mỉm cười, con bé không thích bóng chuyền như mẹ.

Phải biết cách làm đẹp

Trong tủ quần áo của chị hiện có đủ trang phục mặc cho bốn mùa, ở những môi trường giao tiếp khác nhau như công sở, dạ hội, đi biển… “Có những bộ đầm tôi mua về, chỉ thử trước gương, chỉ vì tôi muốn thấy mình là phụ nữ” - chị kể.

Có lẽ, hiếm có HLV thể thao nào lại khuyên các VĐV của mình hãy dành thời gian để đi chơi, mua sắm, làm đẹp và… thỉnh thoảng, hãy tự “ngông” một chút. Nhiều HLV cho rằng, việc “làm đẹp” sẽ khiến các VĐV lơi là tập luyện. Nhưng chị Dậu nghĩ khác. Ngoài sân tập, các em phải hết mình với thể thao. Nhưng sau đó, các em vẫn là những cô gái, những người vợ, người mẹ quyến rũ và nữ tính.

Thủy Triều

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 40: Khi lực sĩ cử tạ làm trang trại
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 38: Người đào tạo ra “nữ hoàng”
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 37: Tay cờ tướng, tay cờ vua
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 36: Tay vợt tìm đến cõi Phật
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 35: Bóng đá giúp tôi trở nên quyết đoán

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.