Bóng đá Việt Nam cần giảm “xung đột” văn hóa với chuyên gia ngoại

11/04/2020 08:21 GMT+7

Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã sử dụng nhiều chuyên gia ngoại ở cả cấp độ đội tuyển cũng như CLB và bài học lớn nhất từ những thành công lẫn không ít thất bại chính là phải có sự thấu hiểu, tôn trọng, hỗ trợ hiệu quả giữa các bên với mục tiêu chung là thúc đẩy bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển.

Những ví dụ không mấy vui vẻ

Ở bình diện đội tuyển, không tính ông Park Hang-seo đương nhiệm, trong số các HLV ngoại đã từng hành nghề tại Việt Nam, không phải HLV nào cũng mang đến thành tích rực rỡ cho dù tất cả đều đến từ những nền bóng đá phát triển hàng đầu thế giới như HLV Dido, Tavarez (Brazil), Letard (Pháp), Calisto (Bồ Đào Nha), Riedl (Áo), Falko Goetz (Đức), Toshiya Miura (Nhật Bản)…
Ở cấp độ CLB, khá nhiều HLV ngoại thất bại, thậm chí có HLV phải rời khỏi Việt Nam khi hợp đồng với đội bóng chưa kịp ráo mực. V-League 2019, CLB Viettel thuê HLV người Hàn Quốc Lee Heung-sil nhưng mới chỉ 6 tháng đã đứt gánh giữa đường. Trước đó ở Thanh Hóa, HLV Ljupko Petrovic từng có kỳ tích là đoạt Cúp C1 châu Âu nhưng chuỗi ngày dẫn dắt đội bóng xứ Thanh là những ký ức không mấy tươi đẹp. Khi HLV Petrovic rời đi, Thanh Hóa lại tiếp tục đặt niềm tin vào chuyên gia ngoại và mời cựu Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Romania Marian Mihail về dẫn dắt. Nhưng đôi bên đã sớm nói lời chia tay. Thanh Hóa hiện đang ký hợp đồng với HLV người Ý Fabio Lopez nhưng chưa thể nói trước điều gì khi 2 vòng đầu của V-League 2020, đội bóng của bầu Đệ đều không may thất trận.
Thêm những ví dụ khác, ông Miura quay lại Việt Nam với tư cách HLV CLB TP.HCM lại tạo ra những khối mâu thuẫn trầm trọng khi đưa ra giáo án tập luyện quá khác biệt khiến cầu thủ bị trầm cảm nặng. HLV Hàn Quốc Chung Hae-seong trước khi đầu quân cho TP.HCM cũng có những trải nghiệm không mấy vui vẻ cùng CLB HAGL... Câu chuyện thời sự liên quan đến nhà đương kim vô địch V-League Hà Nội khi Giám đốc kỹ thuật người Uruguay Daniel Enriquez và các cộng sự đã không được đội bóng của bầu Hiển ký hợp đồng trước mùa giải 2020.

Phải giải tỏa được xung đột văn hóa

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương phân tích: “Bóng đá Việt Nam mời HLV ngoại, chuyên gia ngoại là một xu thế tất yếu nhưng sự thành công chỉ đến khi các bên thấu hiểu, đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau. Trường hợp khá đáng tiếc của CLB Hà Nội khi không thể hợp tác với một chuyên gia giỏi như ông Daniel Enriquez, mà theo lý giải của lãnh đạo đội bóng trên Báo Thanh Niên là do sự xung đột về văn hóa, về quan điểm hành nghề. Đây có lẽ là điểm chung của những HLV đã từng thất bại tại Việt Nam.
HLV Park Hang-seo là HLV ngoại thành công nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này dù thành tích trong quá khứ của ông không có gì nổi bật. Nhưng có những HLV sở hữu sự nghiệp khá lẫy lừng với hồ sơ rất đẹp vẫn không tìm được chỗ đứng ở Việt Nam. Có thể năng lực không tồi nhưng tư duy và lề lối làm việc của các HLV ngoại không hợp với bóng đá Việt Nam. Sự va chạm vì khác biệt văn hóa là điều khó tránh khỏi. Sự xung đột về tư duy chính là chất xúc tác làm xói mòn những giấc mơ từ ngay khi nó chỉ mới chớm bắt đầu”.

Bóng đá VN mời HLV ngoại, chuyên gia ngoại là một xu thế tất yếu nhưng sự thành công chỉ đến khi các bên thấu hiểu, đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau.

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương

Vậy vấn đề được đặt ra ở đây là làm thế nào để các đội bóng không từ bỏ chiến lược mời các chuyên gia ngoại, phát huy được tài năng của họ vì rõ ràng khối lượng kiến thức về bóng đá hiện đại và kinh nghiệm quản trị đội bóng là những thứ mà bóng đá Việt Nam đang rất cần.
Ông Đoàn Minh Xương nói: “Bóng đá tiên tiến, tính chuyên nghiệp rất cao và được chuyên môn hóa, còn bóng đá Việt Nam, tính kiêm nhiệm cao - một người có thể gánh vác nhiều việc cùng lúc. Khi đến Việt Nam, chuyên gia ngoại có lẽ đã bị sốc văn hóa bởi đặc điểm này. Hầu hết trong số họ đều muốn tạo ngay dấu ấn cá nhân và áp đặt lập tức mọi thứ về chuyên môn với trình độ cao, yêu cầu cả bộ máy phải tuân theo. Điều này đôi khi phản tác dụng. Hãy nhìn cái cách mà ông Park ứng xử với cầu thủ sẽ hiểu tại sao ông lại thành công tại Việt Nam. Nghiêm khắc nhưng không áp đặt, ông Park hòa cái tôi của mình vào cái tôi của cộng sự và học trò, dung hòa được nền văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc vốn cũng có những điểm chung nhất định. Những HLV ngoại từng ít nhiều gặt hái được thành tích ở Việt Nam đều có khả năng thích ứng tốt với đặc thù bóng đá và văn hóa Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng. Như ông Calisto hiểu cầu thủ Việt Nam. Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá VN Gede cũng trụ lại ở Việt Nam bởi có hàng chục năm làm việc tại châu Á và hiện hợp tác rất tốt với HLV Park Hang-seo”.
Theo ông Đoàn Minh Xương, trước khi thuê chuyên gia ngoại, các đội bóng nên để chuyên gia đó có thời gian nhất định tìm hiểu về không chỉ bóng đá Việt Nam mà chính đội bóng đó. Giúp chuyên gia có cái nhìn bao quát, toàn diện, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của đội, tạo điều kiện để họ nắm bắt được phần nào lối sống, cách suy nghĩ của cầu thủ. Mặc khác, chính các CLB cũng phải biết “tái cấu trúc” chiến lược phát triển của mình, cần phải tổ chức đội bóng một cách kỷ luật hơn, chuyên nghiệp hơn, phù hợp với xu thế của bóng đá thế giới. Có như thế mới chọn được nhân tài, thu hút được những bộ óc tài giỏi, có thể đưa ra được đề án sâu sắc, định hướng được tương lai lâu dài. Thậm chí các bên cần có những thực nghiệm ngoài sân cỏ, để chuyên gia hiểu hơn về đội bóng và đội bóng có cái nhìn tổng quan hơn về chuyên gia. Từ đó mới có thể tìm được tiếng nói chung trên cơ sở thấu cảm, tôn trọng và hỗ trợ cho nhau, tránh xung đột về quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.