Sức mạnh vô hình của M.U

10/05/2011 10:43 GMT+7

(TNO) M.U hay ở chỗ nào? Trả lời câu hỏi này cũng khó như trả lời câu hỏi về cái hay của đội tuyển Đức mỗi khi thành công.

Manchester United đang tiến sát ngôi vô địch Premier League lần thứ 19 - Ảnh: AFP

(TNO) M.U hay ở chỗ nào? Trả lời câu hỏi này cũng khó như trả lời câu hỏi về cái hay của đội tuyển Đức mỗi khi thành công.

Không có Tiqui-taca như Barcelona, không có “tổng lực” như người Hà Lan, không có phẩm chất sáng tạo đan xen với sự điêu luyện ở đẳng cấp cao như Brazil, thậm chí cũng chẳng ma mãnh như kiểu Argentina, khi đội tuyển Đức chiến thắng, người ta chỉ có thể kết luận ngắn gọn là “họ phải thắng”, chứ không nói được là thắng vì xuất sắc chỗ nào, thắng bằng con đường nào.

Cái hay của M.U cũng vậy. M.U xuất sắc hơn Chelsea. Đá như thế thì M.U phải thắng. Và chức vô địch Premier League mùa này sẽ phải thuộc về M.U. Nhưng thầy trò Alex Ferguson xuất sắc ở chỗ nào, có những nét riêng độc đáo nào? Chịu! M.U hoàn toàn không có phong cách tấn công thanh thoát, đẹp mắt như Arsenal những lúc đội bóng của Arsene Wenger vô địch. M.U cũng không toát ra sự chắc chắn đáng nể trong phòng ngự như Chelsea thời Jose Mourinho.

Chỉ có thể khẳng định một điều: M.U xứng đáng vô địch Premier League mùa này. Đã có những lúc, người ta cho rằng nếu ngôi đầu bảng trong tay M.U được giữ nguyên thì đây sẽ là mùa bóng mà dân Anh phải chứng kiến nhà vô địch… dở nhất trong lịch sử Premier League. Trận thắng Chelsea cho thấy thầy trò Ferguson không đáng bị chê như vậy. Họ thắng Chelsea một cách thuyết phục. Nhưng có lẽ, phải nói thế này thì chính xác hơn: M.U làm cho người xem thấy rõ Chelsea dở hơn họ.

Từ Branislav Ivanovic, David Luiz, Michael Essien đến Frank Lampard, Florent Malouda… đều trở nên tầm thường khi phải đọ sức với M.U. Cũng giống như dù là Michel Platini, Alain Giresse hay Jean Tigana tài hoa đi nữa, hễ đụng phải những cỗ máy chơi bóng người Đức thì họ đều trở nên tầm thường, chẳng còn chút đường nét nghệ thuật nào.

Trong khoảng 1 tháng, Chelsea đụng độ M.U 3 lần. Trận đầu - có lẽ là quan trọng nhất, Chelsea thua tại sân nhà ở lượt đi vòng tứ kết Champions League. Khi ấy, nhà đương kim vô địch Premier League chơi 4-4-2. Đến trận lượt về, Chelsea chơi với sơ đồ 4-3-2-1. Bây giờ, Chelsea lại chơi 4-3-3 trong trận đấu quyết định chức vô địch Premier League. Giả sử chiến thắng thuộc về thầy trò Carlo Ancelotti, báo chí hẳn đã có khối đề tài hấp dẫn về mặt chuyên môn, để mổ xẻ sự linh động của nhà cầm quân người Ý. Đằng này, M.U toàn thắng trong cả 3 trận, và HLV Alex Ferguson chỉ sử dụng một sơ đồ bất di bất dịch, 4-4-1-1. Cái sự chắc nịch của M.U làm cho mọi giá trị của Chelsea tan vỡ, trong 3 trận đấu đỉnh cao liên tiếp.

Thế là quá khẳng định, quá thuyết phục rồi! Người ta chẳng nói điều gì lặp lại 3 lần thì là khoa học, là chân lý đấy thôi.

Xét kỹ thì cũng có khối đề tài. Chẳng hạn người ta cho rằng M.U thắng ở 2 biên, với Valencia lấn lướt ngôi sao Ashley Cole của Chelsea trong khi Park Ji-sung luôn xuất sắc trong khâu chọn vị trí. M.U thắng nhờ có Wayne Rooney đang ở phong độ tuyệt vời, hoặc vì Alex Ferguson thành công trong chiến lược dùng đội hình hai ở trận lượt về bán kết Champions League vài ngày trước đó… Tất cả đều có lý. Những đấy đều chỉ là những tình tiết cụ thể, không nói lên được một hình ảnh tổng thể về đội bóng sắp vô địch Premier League.

Hay phải kết luận: đặc điểm của M.U chính là sức mạnh vô hình, ẩn trong cái vẻ ngoài bình thường của họ? Vì sức mạnh… ẩn vào trong, nên M.U trông chẳng có đường nét độc đáo nào? Dĩ nhiên, M.U phải mạnh ghê gớm thì mới (chuẩn bị) vô địch Premier League lần thứ 12, dù giải này mới có thâm niên 19 năm!

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.