Đứng dậysau chấn thương - Kỳ 7: “Oanh tạc cơ” trở lại

20/06/2013 03:20 GMT+7

Chấn thương đủ các “bộ phận” trong cơ thể, cựu đội trưởng đội tuyển quốc gia bóng chuyền nam Ngô Văn Kiều vẫn nỗ lực tập luyện để có mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia năm 2013.

Chấn thương đủ các “bộ phận” trong cơ thể, cựu đội trưởng đội tuyển quốc gia bóng chuyền nam Ngô Văn Kiều vẫn nỗ lực tập luyện để có mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia năm 2013.

Chấn thương vẫn cắn răng thi đấu

Năm 2011, Ngô Văn Kiều bị dính rất nhiều chấn thương. Đầu năm, anh bị viêm dây chằng gối, có hiện tượng teo cơ chân phải. Tháng 7, sau khi thi đấu ở giải các CLB châu Á, anh bị chấn thương rất nặng ở vùng bụng, đứt cơ cân. Tháng 9, khi tập trung đội tuyển quốc gia tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, anh bị đau gối trái nên phải “chuyển trụ” sang gối phải, và rồi gối phải cũng đau luôn. Bác sĩ trung tâm phê “Không tiếp tục tập luyện được”, nhưng anh không được về để chữa trị nên chấn thương ngày càng nặng. Tháng 11, dồn sức cho SEA Games tại Indonesia, hai gối vẫn chưa bình phục nên Kiều di chuyển rất khó khăn. Anh đành phải chuyển qua dùng lực bả vai và cơ bụng rất nhiều và nếm sự đau đớn từ vai và bụng. Xong nhiệm vụ ở SEA Games 26, Kiều về đến TP.HCM ngày 21.11.2011 thì 3 ngày sau anh đã phải căng sức thi đấu vòng chung kết giải VĐQG dưới màu áo CLB Sanest Khánh Hòa.

Ngô Văn Kiều đang tập hồi phục - d
Ngô Văn Kiều đang tập hồi phục - Ảnh: Nhựt Quang 

Bác sĩ Phạm Quốc Hùng (Khoa Y học thể thao - Bệnh viện 115 TP.HCM - người theo sát các chấn thương của Kiều) tạm tổng kết: “Do tập luyện và thi đấu liên tục mà không có thời gian dưỡng thương, hồi phục, Ngô Văn Kiều đã bị chấn thương rất nhiều như: tổn thương sụn chêm cả hai gối, rách gân chớp xoay vai, rách cơ bụng, cổ chân bị lật “sơ mi”. Khi gặp chúng tôi, Kiều tâm sự: “Tôi bị chấn thương khắp người và đều rất nặng. Suốt từ năm 2006 đến cuối 2011, gần như trận nào tôi cũng phải uống và chích thuốc giảm đau. Nhiều bác sĩ yêu cầu phải phẫu thuật thì mới có thể trị dứt điểm được nhưng một phần vì không đủ tiền, phần khác do phải thi đấu trên quá nhiều “mặt trận” nên không có thời gian để chữa trị”.

Trong số các “mặt trận” đó có 2 nơi chính là đội tuyển quốc gia và CLB Sanest Khánh Hòa. Ở các “mặt trận” còn lại thì Kiều là VĐV bóng chuyền VN đầu tiên được thi đấu nước ngoài, được CLB Samato (á quân Indonesia) mời sang thi đấu 3 năm liên tục (2008 - 2010). Ở trong nước, năm 2010, anh còn thi đấu cho cả đội Sanna Khánh Hòa ở hạng A1, do năm này Liên đoàn Bóng chuyền VN cho phép VĐV thi đấu ở đội mạnh được đánh ở hạng thấp hơn.

Đỉnh điểm “nỗi đau” của Ngô Văn Kiều là trận chung kết giải vô địch quốc gia năm 2011 trên sân nhà Nha Trang gặp Sacombank Biên phòng. Anh cắn răng thi đấu, và cuối cùng phải gục xuống nhiều lần trên sàn đấu trước khi rời hẳn sân, khi trận chung kết chưa kết thúc. Kiều nhớ lại: “Chấn thương trong trận đấu đó làm tôi rất buồn. Chẳng lẽ đời VĐV của tôi phải chấm dứt sớm thế sao? Phải chọn phương án về làm công việc văn phòng hay bộ phận sản xuất của Sanest, như CLB đã hứa và từng giải quyết cho một số VĐV đã nghỉ thi đấu hay sao?”.

Ca phẫu thuật “đổi đời”

Với chấn thương nặng trong giải VĐQG 2011, Ngô Văn Kiều đã có suy nghĩ khác: tự quyết định phải phẫu thuật vết thương đã quá nặng, thay vì chần chừ như trước. May sao, lúc này niềm vui lại đến với chàng trai Hà Nam khi lãnh đạo CLB Sanest đồng ý tài trợ cho anh sang Bệnh viện Mount Elizabeth (Singapore) chữa trị.

Ngày 11.1.2012, Kiều đến Singapore, được bác sĩ cho biết “đã đứt hết cơ bụng, chỉ còn gân”. Nhờ Kiều không hề dùng rượu bia, không hút thuốc lá... nên bệnh viện quyết định mổ luôn ngay trong tối hôm đó. Anh được bắt 5 con vít (đinh vít làm bằng vi cá mập tự tan) và may 15 mũi. Ca phẫu thuật diễn ra thành công 95% nhờ Kiều có sức khỏe và tập luyện tốt, sợi cơ cứng, khỏe nên khi níu lại không bị đứt. Chi phí mất hơn 30.000 USD cho ca mổ này.

Nghe lời dặn của bác sĩ “5% còn lại để kết quả được hoàn hảo tùy thuộc vào bản thân anh”, khi trở lại quê nhà dưỡng thương, Ngô Văn Kiều đã rất tích cực tập luyện hồi phục. Suốt thời gian gần 2 tháng sau ca mổ ở Singapore, người dân Khánh Hòa thường xuyên thấy Kiều tập chạy trên cát mỗi ngày ở bãi biển Nha Trang. Dù mưa hay nắng, anh chạy trên 10 km lui tới từ Bưu điện tỉnh Khánh Hòa đến công viên Phù Đổng. Ông Huỳnh Thúc Phong - Phó trưởng khoa Phụ trách khoa huấn luyện thể thao (Trường ĐH TDTT TP.HCM) và cũng là HLV trưởng đội Sanest, cho rằng: “Đây là một phương pháp tập luyện rất khoa học; khi tập chạy trên cát, chính độ lún của cát sau mỗi bước chạy làm cho cơ bụng của VĐV được cân bằng, hồi phục chức năng cơ cân. Đây là biện pháp có tác dụng đặc biệt tốt đối với Ngô Văn Kiều sau khi mổ... bụng”.

Ngoài ra, Kiều còn tập tạ, tập cơ lưng, cơ bụng để duy trì sức bền, sức mạnh. Chính nỗ lực này giúp cho anh có được sự hồi phục nhanh và đã kịp trở lại ở vòng 1 giải VĐQG năm 2013 vừa rồi. Hiện anh đang tập trung cùng đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho vòng loại giải vô địch thế giới khu vực Đông Nam Á tại Thái Lan trong tháng 7 và SEA Games 27 vào cuối năm tại Myanmar.

Ngô Văn Kiều sinh năm 1984 tại Hà Nam, vô địch quốc gia 2008, á quân quốc gia 2011, đoạt HCB SEA Games 24. Anh là đội trưởng đội bóng chuyền nam quốc gia trong ba năm 2009, 2010 và 2011, có lối đánh hiện đại và được báo chí khu vực gọi là “oanh tạc cơ” với những cú đập như búa bổ, ghi nhiều điểm thắng đẹp mắt.

Nhựt Quang

>> Tuyển bóng chuyền nam đang bị lão hóa
>> Cơ hội cho bóng chuyền nam
>> Gay cấn vòng 2 bóng chuyền nam
>> Giải bóng chuyền nam quốc tế Cúp Hoa Lư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.