Theo chân người giữ rừng trên đảo

10/12/2003 14:30 GMT+7

Vẫn còn trên 1 ngàn hộ dân di cư tự do đang sống trong rừng sâu Phú Quốc, theo đó là nạn chặt phá rừng. Việc bảo vệ mảng xanh quý giá trên hòn đảo Phú Quốc hôm nay được giao cho những người trẻ tuổi...


Những nấm mộ... chôn rừng

Giữa thượng tuần tháng 10, đặc phái viên của Thanh Niên đã có dịp theo chân những chiến sĩ của tổ 2 - một trong 4 cánh quân thực hiện lệnh truy quét, giải tỏa những hộ dân lấn chiếm đất rừng - luồn sâu vào khu rừng già thuộc địa phận xã Hàm Ninh (cách thị trấn Dương Đông 16 Km về phía đông). Men theo một đường mòn nhỏ tương đối bằng phẳng của khu vực rừng phòng hộ chừng 30 phút chúng tôi đến được khu rừng già thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Con đường bắt đầu khó khăn hơn, bởi phải băng qua nhiều con suối, đồi dốc và dây rừng. Chốc chốc các chiến sĩ dừng lại để nghe ngóng tiếng

Ngoài những tiềm năng về hải sản, cây công nghiệp... Phú Quốc còn mang một thảm thực vật, động vật vô cùng phong phú, đa dạng. Rừng Phú Quốc bạt ngàn với 42.760 ha, chiếm hơn 2/3 diện tích của đảo.
động lạ, hoặc rẽ vào một lối mòn nhỏ luồng vào rừng vì nghi là có kẻ chặt trộm gỗ. Anh Trần Văn Tiến - xã đội phó xã Hàm Ninh, vừa là thành viên vừa là người dẫn đường cho Đội khẳng định: “Không cần tìm đâu, bọn nó (những người chặt gỗ) xuống núi hết rồi, vì đã hay tin lực lượng từ đất liền ra truy quét cả tuần nay, nhưng chắc chắn các lò than vẫn còn, chút nữa các anh sẽ thấy”.

Quả thật, đi thêm khoảng 5 phút đường rừng chúng tôi đến được một thung lũng nhỏ, nhiều cây rừng nơi đây đã bị đốn hạ. Cạnh những gốc cây rừng chừng 4, 5 cái lò than nhô lên màu đất ngói mới toanh trông như những nấm mồ hoang giữa rừng. Phía trước một cửa lò đang chất đầy 3-4 bao than (loại 50kg) chứng tỏ chủ lò đang thu hoạch than từ lò ra nhưng đã kịp tẩu thoát vào rừng chừng vài phút trước khi chúng tôi đến.

Anh Tiến kể: “ Đây là khoảnh rừng do bà Tô Thị Thu chiếm cứ hơn 10 năm qua để đốt than. Bà thuê mướn một cả “đội quân” phá rừng từ 8 đến 10 người, xây dựng cả chục lò than tại “cứ điểm” này, Lực lượng bảo vệ rừng đã nhiều lần phát hiện đập bỏ, nhưng cứ đập hôm trước thì hôm sau bà cho xây dựng lại cái khác. Mới tháng trước đập 5 lò, tịch thu trên một tấn than, nay 5 lò đã được sửa lại, hầm tiếp”. Không thể thống kê chính xác có bao nhiêu lò than trong rừng, nhưng chỉ riêng ở Hàm Ninh đã trên 20 lò thì chắc chắn toàn đảo không dưới con số 100. Chỉ tính sơ mỗi lò 3 ngày (theo dân địa phương hầm gỗ trong 3 ngày đêm mới thành than, bình quân mỗi lò hầm được 1m3) thiêu rụi 1m3 gỗ, thì hàng tháng với 100 lò thiêu hủy hơn 1.000m3 gỗ của rừng Phú Quốc.

Và những căn lều... vắng chủ

Dọc theo rừng phòng hộ từ Hàm Ninh đến bãi Cây Sao dài khoảng 6Km, thì có đến hàng chục túp lều được dựng rãi rác trong rừng, nhưng hầu hết đều không có chủ. Anh Tiến cho biết: “Có thể đây là lều của những kẻ cưa trộm gỗ rừng để trú ngụ vào ban đêm, cũng có thể là lều của cư dân địa phương, dân từ nơi khác đến đảo tạm trú ở nhà người thân đâu đó rồi lẽn vào rừng phá rừng làm rẫy, lâu lâu họ mới lên thăm rẫy một lần.

Lâu lâu lực lượng kiểm tra tháo bỏ, nhưng cũng như lò than tháo bỏ lều này họ dựng lại lều khác”. Và rồi theo năm tháng không ít những căn lều này trở thành những căn nhà kiên cố, bán kiên cố giữa rừng. Ông Nguyễn Văn Mẫn quê ở Thoại Sơn, An Giang, ra đảo sinh sống có vợ
Rẫy nhà ông Mẫn, gia đình ông ta đã chặt phá 1000m2 rừng để trồng... dưa leo. Ảnh Ngọc Vinh
người Hàm Ninh, cách đây 4 tháng ông cùng vợ vào rừng cất nhà chặt phá gần 1.000 m2  rừng cây để trồng dưa leo. Trường hợp của ông Châu Văn Hoanh cùng 10 hộ ở khu vực rừng Rạch Hàm - Hàm Ninh thì khác, họ lên khai phá hàng chục héc ta rừng từ những năm 86 -90, được chính quyền địa phương cho phép định cư, cấp đất rừng để sản xuất. Riêng ông Hoanh đã chiếm cứ đến 5 ha.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, hiện Phú Quốc có khoảng hơn 1.000 hộ đang sống trong các khu vực rừng, phần lớn số hộ này là dân di cư tự do từ nơi khác đến, nghề nghiệp chủ yếu là phá rừng làm rẫy, đốt than và làm tiền trạm cho những kẻ cưa trộm gỗ rừng. Ông Lê Minh Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, Phú Quốc đang gặp không ít lúng túng về vấn đề di dân tự do. Dân số nơi đây đã tăng trên 100.000 người, trong đó ước hơn 30% là dân từ nơi khác mới đến, họ thường là những hộ dân nghèo không vốn liếng, không nghề nghiệp nên phải sống bám vào rừng để sinh sống.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Thanh Lòng, Chi cục phó Chi cục kiểm lâm, việc giải tỏa những hộ này không mấy khó khăn, nhưng đối với những hộ đã có thời gian sinh sống lâu dài, nhà cửa, rẫy vườn ổn định thì cần phải có chủ trương của tỉnh về giải quyết về đời sống, khu định cư... cho người dân khi di dời.

Trước diễn biến của nạn phá rừng làm rẫy, đốt than hiện nay, các ngành chức năng và chính địa phương không sớm có những giải pháp triệt để thì e rằng trong vài năm tới đảo Phú Quốc sẽ trơ trọi đá giữa biển xanh.

Ngọc Vinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.