Thi công không có thiết bị cảnh báo gây chết người, sẽ bị phạt 10 năm tù?

Ngân Nga
Ngân Nga
13/01/2024 15:56 GMT+7

Đơn vị thi công đặt rào chắn mà không bố trí đầy đủ nhân lực, thiết bị cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn giao thông, nếu để xảy ra tai nạn thì ai chịu trách nhiệm.

Tôi thấy trên mạng xã hội phát tán một đoạn clip ngắn liên quan cảnh báo nguy hiểm, ghi hình cảnh một tài xế điều khiển ô tô lưu thông trên đường có khoảng 3 làn cùng chiều, không rõ đường cao tốc hay quốc lộ. Hai bên đường trời tối, khi xe đang chạy với tốc độ khá cao thì bất ngờ gặp rào chắn là những cọc dây chằng và bảng hiệu giữa đường, tài xế không kịp phản ứng nên xe đã cán qua. Rất may tai nạn chưa xảy ra.

Theo quy định, cảnh báo nguy hiểm về việc đường có lô cốt, chướng ngại vật phía trước thì phải đảm bảo những yếu tố như thế nào? Đối với đường cao tốc, hoặc đối với tuyến đường cho phép chạy với tốc độ khá cao, việc cảnh báo có khác biệt gì so với tuyến đường khác?

Nếu để xảy ra tai nạn gây thiệt hại về người hoặc thiệt hại về tài sản cho người tham gia giao thông, thì đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm và bồi thường ra sao?

Bạn đọc Văn Thắng.

Luật sư tư vấn

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Bùi Quốc Tuấn, theo điều 47 luật Giao thông đường bộ, thi công công trình trên đường bộ đang khai thác chỉ được tiến hành khi có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện theo đúng nội dung của giấy phép và quy định của pháp luật về xây dựng.

Trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Thi công không có thiết bị cảnh báo gây chết người, sẽ bị phạt 10 năm tù?- Ảnh 1.

Đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Ảnh minh họa

KHẮC HIẾU

Đối với việc thi công công trình trên đường đô thị ngoài việc phải tuân thủ các quy định trên, thì chỉ được đào đường để sửa chữa công trình nhưng phải có kế hoạch hằng năm thống nhất trước với cơ quan quản lý đường bộ, trừ trường hợp có sự cố đột xuất.

Đơn vị thi công không thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo quy định, để xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Nghị định 32 năm 2014, mọi hoạt động quản lý, bảo trì công trình đường cao tốc làm hạn chế điều kiện sử dụng bình thường của đường cao tốc phải được thông báo trên các phương tiện thông tin đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đơn vị khai thác, bảo trì phải bố trí đầy đủ nhân lực, thiết bị để cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn giao thông, bảo vệ phạm vi cảnh báo theo quy định hiện hành về an toàn giao thông.

Nếu đơn vị thi công công trình không thực hiện các quy định trên, mà gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản cho người đi đường, thì phải chịu toàn bộ trách nhiệm.

Căn cứ theo điều 13 Nghị định 100 năm 2019, đối với tổ chức thi công trên đường bộ đang khai thác không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định, để xảy ra tai nạn thì sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng; đối với cá nhân bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng. Ngoài ra, người thực hiện hành vi này buộc phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định tại điểm b khoản 7 điều 13 Nghị định này.

Trường hợp tai nạn giao thông dẫn đến tử vong, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý thi công trực tiếp có thể sẽ bị khởi tố về tội cản trở giao thông đường bộ (điều 261 bộ luật Hình sự), với khung hình phạt cao nhất 10 năm tù. Thực tế thời gian qua đã có nhiều bản án về tội cản trở giao thông đường bộ.

Theo điều 591 bộ luật Dân sự, về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm: thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, chi phí hợp lý cho việc mai tang, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định…

Trong trường hợp tính mạng của người tham gia giao thông bị xâm phạm, thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất (cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi) của người bị thiệt hại.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Ngoài ra, trong trường hợp xe ô tô của người tham gia giao thông bị hủy hoại, hoặc bị hư hỏng do lỗi của đơn vị thi công thì đơn vị này phải bồi thường. Nếu hai bên không thương lượng được mức bồi thường, chủ sở hữu chiếc xe có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại theo điều 589 bộ luật Dân sự.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 13.1

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.