Thiết kế nội thất Việt tránh mốt siêu gỗ, siêu thô

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
22/04/2022 06:41 GMT+7

Những thiết kế nặng nề với siêu nhiều gỗ sẽ phải lùi dần trong nội thất. Những chi tiết tinh tế, câu chuyện sản phẩm, tỷ lệ, chất liệu mới có thể mang thiết kế Việt đi xa.

Những bài học xương máu, tiền, thời gian

Họa sĩ Lê Thiết Cương mở đầu câu chuyện của mình với các sinh viên ngành thiết kế nội thất, ĐH Kiến trúc Hà Nội trong một hội thảo đầu tháng 4, bằng một “bài học xương máu”. Năm 2003, ông Cương làm hơn chục phác thảo ghế, các mẫu ghế sau đó cũng đưa vào kho. Cách đây 4 năm, ông Cương làm thêm khoảng 20 ghế nữa. Nhìn lại thiết kế cũ, ông Cương thấy mình thiếu một chi tiết, đó là việc nên hàn thêm miếng sắt dưới chân ghế để có thể đặt miếng nhựa pha cao su vào. Điều đó sẽ giúp chiếc ghế không làm xước gạch.

Một thiết kế cửa hàng thời trang của ông Đinh Công Đạt

NVCC

“Ghế thì vậy. Còn khi đi làm gốm nhiều khi phải mua thêm một viên đá mài. Người làng gốm Bát Tràng có lúc cẩu thả, chỗ nào không có men họ sẽ để lởm chởm. Viên đá dùng để mài giúp những chỗ đó không làm xước bàn”, ông Cương chia sẻ.

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cũng có câu chuyện kinh nghiệm rất thú vị của một người đi làm cho hãng thời trang cao cấp nổi tiếng thế giới. Năm đó, ông làm những chiếc nhẫn để quàng khăn, xỏ khăn qua rất đẹp. “Tôi thiết kế xong rồi, gửi ra nước ngoài. Các bạn bảo rất đẹp nhưng nhẹ quá, nhẹ thì người ta không quý, lại mang về VN nhét thêm đồng vào trong. Khi tôi gửi mẫu có đồng sang, các bạn hỏi mã đồng gửi kèm đâu. Mẫu đồng đó phải đảm bảo không có hợp chất chì. Sau đó, tôi quyết định làm bằng inox. Mình làm mình bảo thế là tốt rồi, nhưng là tốt với mình. Khi tôi làm với các hãng thời trang thì các bạn chỉ hỏi một điều là anh làm tốt chưa, tốt rồi thì có tốt được nữa không. Tốt được nữa thì đập đi làm lại từ đầu”, ông Đạt nói.

Ghế và đồ chơi do nhà điêu khắc Đinh Công Đạt thiết kế

Chính vì thế, theo ông Đạt, người thiết kế nội thất rất cần chú ý làm sao để sản phẩm của mình được chi tiết nhất có thể. Việc chi tiết đó cũng tính theo cả tính cách, việc sử dụng của người chủ nữa. Chẳng hạn, một khách hàng của ông Đạt muốn có một chiếc bàn đặt cạnh sô pha đọc sách, để còn đặt trà, cà phê lên đó vừa đọc vừa uống. Vì thế, ông Đạt thiết kế một mặt bàn rộng và đặt sát ghế. Muốn vậy chân bàn phải nhỏ, nhưng phải nặng, chắc để không bị đổ. “Người giúp việc khi khiêng bảo sao bàn nặng thế, nhưng khách của tôi thì có khiêng bàn bao giờ đâu, cái bàn đó vẫn cần chân nặng để vững”, ông Đạt nói.

Các chi tiết phải được tính kỹ lưỡng. Ông Đạt cho rằng phải như vậy các thiết kế nội thất mới tránh được việc to xù ra, sử dụng gỗ quý một cách thô kệch, tạo cảm giác ngột ngạt như nhiều ngôi nhà của người giàu mắc phải.

Câu chuyện thời đại, vốn cổ

Ông Lê Thiết Cương cho rằng muốn không mất sân nhà, các thiết kế nội thất Việt phải chuyên chở được văn hóa VN. “Tôi làm ra một chiếc bình. Tôi nhúng một phần bình vào men và khi ra lò nó có màu xanh lá, phần còn lại màu đất. Phần đó sau tôi lại làm sơn mài. Một lọ gốm có hai làng. Làng gốm và làng sơn mài: làng Bát Tràng nghìn năm tuổi, sơn mài Phú Xuyên 700 tuổi. Sau đó tôi làm hộp. Sản phẩm VN kém nhất về bao bì. Tôi về Phú Vinh đặt hộp bằng tre cho vào. Nếu người ta đi mua thì không thể cắp nách cái hộp. Thì lại thiết kế thêm cái túi giấy, quai giấy. Mình lên Bắc Ninh, đặt giấy dó để cho vào túi, vẽ trên túi hình một cô đang ôm cái lọ. Như vậy mới xong cái thiết kế”, ông Cương nói.

Những chiếc ghế được họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế

Ông Đạt cho rằng rất cần tìm hiểu đời sống để đủ vốn sống mà thiết kế. Ông cho biết có lần nhìn thấy một thiết kế rất đẹp với đồng, đèn LED. “Tôi hỏi cái này là cái gì, bảo là bàn thờ, thì hiện vật đó lại hỏng. Nguyên tắc bàn thờ nhưng không được đèn chiếu vào bát hương, như thế theo quan điểm xưa là các cụ không về được. Nhà thiết kế phải sống đã, tìm hiểu đã rồi mới thiết kế tốt được”, ông Đạt nói.

Ông Đạt cũng chia sẻ về vốn dân gian. “Có một cái tôi rất mê là cái tráp thầy đồ. Nó có một cái bản lề có độ nghiêng nhất định, và tạo thành một cái phanh. Các tráp thầy đồ đều có bản lề nghiêng như thế. Các cụ ngày xưa có máy phay máy tiện đâu mà làm cái tráp siêu như thế. Từ rất lâu rồi đã có bản lề có phanh như vậy. Nếu để ý, xung quanh chúng ta có rất nhiều thầy, học các cụ được rất nhiều”, ông Đạt cho biết.

Ông Lê Thiết Cương lại nói đến câu chuyện kết hợp sản xuất nội thất với marketing. Điều này giúp sản phẩm Việt chiếm lĩnh thị trường nội thất tốt hơn. Theo đó, luôn cần bán câu chuyện chứ không phải bán sản phẩm. Có nghĩa là phải tìm hiểu để kể câu chuyện sản phẩm đó. Ông Cương có một người bạn có cây bút Montblanc nổi tiếng. Phiên bản bút này gắn với chuyện một nhà thờ ở Đức phát hiện bản nhạc của Johann Sebastian Bach. Montblanc mua dòng nhạc đầu tiên của bản nhạc đó và in vào khoen đồng ở nắp bút… “Nhà thiết kế Việt phải nghĩ ra một câu chuyện về giấy, lịch sử giấy của người Việt, giấy người Mông khác thế nào, giấy dó, giấy giang, giấy xuyến chỉ…”, ông Cương nêu bài học với những gợi ý thiết thực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.