Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới: Tài văn võ song toàn

06/07/2023 07:16 GMT+7

Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại là một danh thần có nhiều công trạng với đất nước. Từ mặt trận chính trị, sang địa hạt ngoại giao, kinh tế, văn hóa, ông đều có những đóng góp đáng kể. Người đời sau đã đề lên mộ ông câu đối: "Văn chương hoán tinh đẩu - Tinh tiết trấn sơn hà", đủ nói lên tài văn võ của ông.

Tuy nhiên, nếu như Thoại Ngọc Hầu được biết đến như một võ tướng thì khía cạnh "văn" của ông vẫn là điều khiến hậu thế băn khoăn. Cho đến khi những tài liệu mới phát hiện đã hé lộ nhiều bất ngờ.

Những bài thơ giáng bút

Ngày nay, khu đền thờ và mộ của Thoại Ngọc Hầu cùng hai vị phu nhân ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang) là một di tích thâm trầm, cổ kính. Cách đây mấy chục năm, vào trước năm 1975, đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động tâm linh của quần chúng địa phương. Những người có kiện tụng, tranh chấp đến đây để thề thốt. Người mắc bệnh đến cầu cơ để xin phương thuốc.

Cũng có người đến để xin thơ giáng bút. Tư liệu của Ban Quản trị Hội Quý tế núi Sam trong cuốn Tiểu sử Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) in năm 1972 cho biết đôi liễn trên hai cột mộ bia của ông lúc xưa: "Vĩnh bảo sơn hà vi quốc tử - Tế an xã tắc tráng oai phong" là do chính Thoại Ngọc Hầu sáng tác.

Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới: Tài văn võ song toàn - Ảnh 1.

Con dấu và chữ ký của Thoại Ngọc Hầu

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

Tư liệu của Ban Quản trị Hội Quý tế còn ghi lại được năm bài thơ giáng bút của Thoại Ngọc Hầu. Xin thơ giáng bút là một loại hình sinh hoạt tâm linh, trong đó người đã khuất hiển linh và để lại văn thơ cho đời sau. Năm bài thơ đó như sau:

Bài thứ nhất:

Sanh vi tướng soái tử vi thần,

Thanh sử hậu lai tự các lân

Thoại Lãnh diêu tồn Sơn,

Thủy lộ

Lâm đàn ngã gián đóa tường vân.

Bài thứ hai:

Hoàng Việt gia bang Quốc Chánh Kỳ,

Tàn bằng Ngọc Thọ Bắc Kinh chi

Sơn hà thiên cổ danh lưu tại

Đế sử Nam Man thị tổng kỳ.

Bài thứ ba:

Thọ sắc nam triều thống lãnh binh.

Trấn nam, bắc địa chức triều đình

Phụng tứ Vương Minh cơ vĩnh tạo

Cơ đồ pháp chánh trạch gia đinh

Bài thứ tư:

Nguyễn Quốc tuần hưng vượng

Ngọc thành lộ chánh căn

Thoại Sơn thiên cổ tại

Giáo chủng thiết cơ bằng

Bài thứ năm:

Nguyễn trào phò chúa trấn An Giang

Tiền nhậm Ngọc Hầu thọ sắc ban

Oai đởm bình man danh hải ngoại

Sơn hà xã tắc diệt Hồ Man.

Những bài thơ và lời truyền trên đây dù sao cũng chỉ nằm trong địa hạt dân gian. Các bài thơ giáng bút khó có thể được xếp vào những tác phẩm do chính Thoại Ngọc Hầu sáng tác. Nhưng nó thôi thúc hậu thế đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Liệu Thoại Ngọc Hầu có để lại một tác phẩm văn chương nào không?

Thoại Ngọc Hầu qua những phát hiện mới: Tài văn võ song toàn - Ảnh 2.

Phần văn bản Cao Miên thế thứ liệt kê các đời vua Cao Miên

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Thoại Ngọc Hầu giỏi chữ Hán?

Trong sách Cao Miên thế thứ do sử thần thời Minh Mạng biên soạn cũng có nhắc đến chi tiết Thoại Ngọc Hầu từng dâng lên vua Gia Long "Cao Miên thế thứ, Cao Miên tông đồ mỗi thứ một bản". Việc sử thần dùng chữ "bản" chứ không phải chữ "quyển" cho thấy Cao Miên thế thứ và Cao Miên tông đồ không được đóng thành sách, mà chỉ là một tập hợp các trang ghi chép.

Sử thần triều Nguyễn đã dùng hai tài liệu này, cùng với cuốn Cao Miên quốc sử ký bằng tiếng Khmer do Trương Minh Giảng dâng lên, để biên soạn cuốn sử về nước Cao Miên, cũng đặt tên là Cao Miên thế thứ - theo tên tư liệu do Thoại Ngọc Hầu dâng. Nó cho thấy việc dâng tư liệu của Thoại Ngọc Hầu là nguồn cảm hứng để triều đình nhà Nguyễn tìm hiểu lịch sử nước Cao Miên.

Sách Cao Miên thế thứ mở đầu bằng thiên Cao Miên thế thứ dài 5 trang, liệt kê tên các đời vua Cao Miên từ Ni Biên Bốc cho đến Tham Đích Sá Ô Tây Tân. Nhiều khả năng đó chính là văn bản Cao Miên thế thứ mà Thoại Ngọc Hầu đã dâng vua Gia Long. Nhưng chúng ta không rõ hai văn bản này có phải do chính Thoại Ngọc Hầu biên soạn hay không. Hay ông chỉ đóng vai trò người sưu tầm? Đến đây chúng ta lại phải đặt ra thêm một vấn đề mới: Thoại Ngọc Hầu có biết chữ Hán không?

Một châu bản thời Gia Long trong kho Lưu trữ Quốc gia I đã giúp ta giải đáp điều đó. Đó là tờ khải ngày 20 tháng Giêng năm Gia Long thứ 16 (1815) của Khâm sai Chưởng cơ kiêm Bảo hộ Cao Miên quốc Nguyễn Văn Thoại. Trong đó ông báo cáo về số lượng voi được nuôi tại Nam Vang (10 voi đực, 2 voi cái và 4 con còn nhỏ), có kê rõ chiều cao thân voi và chiều dài ngà của voi đực.

Cuối tờ khải có ấn ký và chữ ký của Thoại Ngọc Hầu. Nét chữ của phần ghi tên và phần chữ "ký" cùng thuộc về một người (trong trường hợp các văn kiện do thư lại viết thay, phần tên và phần chữ "ký" có nét chữ khác nhau). Vì vậy, có khả năng đây chính là nét chữ của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại.

Nếu quả thật như thế thì trình độ Hán học của Thoại Ngọc Hầu cũng không phải dạng vừa. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.