Thời gian chờ tết

Tiến Đạt
(nhà văn)
12/02/2024 08:24 GMT+7

Tuổi thơ của tôi gắn liền ngôi chợ quê nhỏ bé, tuềnh toàng, mùi hôi lưu cữu quanh năm cộng hưởng từ nhiều mùi đặc trưng của chợ.

Ngôi nhà tuổi thơ tôi sống nằm góc chợ nên tôi đã quá quen với thanh âm, thuộc nằm lòng nhân thân các chủ sạp, thậm chí nhận biết từng người đi chợ hằng ngày vì ở quê đa phần mọi người đều biết nhau, mà chợ thì lại là nơi tập trung các bà, các cô, các chị, quanh đi quẩn lại trong ngày, trong tuần, trong tháng, trong năm cũng bấy nhiêu người; hiếm có người lạ vào chợ, trừ các cô gái khác ở xa mới về làm dâu. Dân quê cách đây trên ba mươi năm đời sống còn nghèo, thiếu thốn vật chất, chẳng có phương tiện trao đổi hiện đại như bây giờ, nên chủ yếu tương tác thông qua gặp trực tiếp. Thông tin chẳng nơi nào phù hợp hơn chợ, cập nhật nhanh hơn chợ. Hỷ nộ ái ố ở quê đa phần cũng từ chợ. Thông tin tết đến sớm nhất cũng từ chợ.

Thời gian chờ tết- Ảnh 1.

Ảnh: Đan Hạ

Thời gian chờ tết- Ảnh 2.

Ảnh: Thảo Phương

Thời ấy, vào khoảng đầu tháng chín âm lịch, lúc tiết trời mùa đông mưa gió âm u se lạnh, lúc còn cách ba tháng nữa mới đến tết thì đã là thời điểm bà con chuẩn bị tết. Nhà nhà đều lo tích trữ gạo nếp thơm làm bánh nổ và để gói bánh chưng, bánh tét, bột làm bánh in; trứng gà làm bánh thuẫn; củ gừng để làm mứt gừng; đường từ mật mía chế biến từ các vườn mía. Nguyên liệu chỉ đơn sơ là vậy nhưng luôn là nỗi lo từ rất sớm của các bậc sinh thành quê nghèo. Nhưng ngược với sự lo đón tết của người lớn là niềm mong đợi của những đứa trẻ, niềm vui một năm chỉ chờ đến tết để được ăn ngon, mặc áo mới, có chút tiền mừng tuổi rất hiếm hoi để tham gia trò chơi "bầu cua tôm cá gà nai, đánh dô thì trúng rập rình thì thua". Đây cũng là thời gian đứa trẻ lên mười như tôi chờ đợi nhiều nhất trong năm. Niềm vui của tôi khi ấy là ngồi tại ngạch cửa hẹp căn nhà góc chợ, nghe thiên hạ bàn chuẩn bị tết để nhớ lại niềm vui của tết năm cũ và hình dung niềm vui tết sắp đến chờ đón mình.

Những ngày đầu tháng chạp, việc chuẩn bị cho tết càng rõ hơn qua thông tin trao đổi dày hơn ngày thường, như kiểu cô Bảy gặp dì Sáu ngay đầu chợ hỏi thăm đã đặt hàng mua đường ngon chuẩn bị làm mứt gừng; hoặc chị Thắm tuổi mười chín gặp chị Loan cùng tuổi hỏi tết nay đã chuẩn bị bộ áo dài mới khoe ra mắt bạn trai. Niềm vui, sự chờ đợi tết của tôi thông qua câu chuyện của người khác quanh chợ. Đấy là "thời gian chờ tết" nghe ngóng từ phiên chợ, chứ cá nhân đứa trẻ như tôi, mọi thứ của tết gia đình chỉ biết chờ từ sự chuẩn bị trong lo toan của ba mẹ.

Thú vui chờ tết của anh em tôi trong nhà lúc ấy còn là việc chắt chiu chút ít tiền ba mẹ thỉnh thoảng cho để mua một bộ bài mới cứng, quấn ba bọc ni lông bên ngoài, thêm vài lớp dây thun buộc chặt, leo lên trần nhà giấu vào nơi kín đáo, chờ ngày ba mươi tháng chạp mang xuống để sau giao thừa, trong ánh đèn dầu được mở hết cỡ cho ánh sáng bừng lên, các anh em mang ra đánh bài - hình thức vui may mắn đầu năm.

Đón năm mới Giáp Thìn 2024 - Năm của may mắn và thịnh vượng

Lúc các con trai lo chuẩn bị bộ bài chơi tết, cùng lúc ba tôi chuẩn bị nấu nồi cơm rượu nếp (lựa chọn loại nếp, chọn nước và cách nấu chẳng thua gì công phu dân chuyên nghiệp nấu rượu ngon trên thế gian này), sau đó đào hố đất trong góc nhà cạnh lu nước để hạ thổ kín kẽ như cách chôn... hũ vàng. Chờ ba tháng sau, vào khoảng hai mươi tháng chạp, ba tôi đào lên, tự tay rót ra một ngụm thử vị. Cảm giác thử vị khi ấy và cách ba tôi tự hào mời rượu khách đến căn nhà hai mươi mét vuông dịp tết thật hân hoan, thật tươi tỉnh mà rất hiếm khi tôi nhận thấy ở ba tôi trong ngày thường vốn bận rộn khổ nhọc đánh vật với lao động nặng nhọc để cùng má tôi chống chọi thời điểm kinh tế quá khắc nghiệt.

Tôi lên mười hai tuổi, ngôi nhà trong chợ phải đập bỏ để chuyển về sống nơi cuối làng. Ngôi nhà vách đất nằm ở nơi vắng vẻ hẻo lánh, thỉnh thoảng ngoài đường mới nghe tiếng động của bà con nông dân đi ra đồng, cũng là lúc tôi không còn cơ hội nghe và chứng kiến cảnh chuẩn bị tết, thông tin chuẩn bị tết từ phiên chợ quê.

Hơn ba mươi năm, chợ phiên quê xưa ấy nay vẫn còn. Thật kỳ lạ khi nhiều thứ đã thay đổi. Không gian chợ vẫn nhỏ, vẫn cũ kỹ tuềnh toàng như ngày nào, khác chăng hàng hóa nhiều hơn, mang lại nhiều lựa chọn, tiện ích hơn cho người mua. Con đường trước cổng chợ vào ngày giáp tết, người ta bày bán nhiều chậu hoa rực rỡ, có cả cây kiểng mà ngày xưa không bày bán. Căn nhà cũ của gia đình tôi đã trở thành một phần diện tích chợ. Có lần, sau khoảng vài năm ba tôi mất, có dịp tết về quê, tôi đã đến chính diện tích hai mươi mét vuông căn nhà cũ, tìm lại chỗ đất trước đây hằng năm ba tôi hạ thổ bình rượu nếp chuẩn bị tết. Cảm giác và hành vi của tôi khi ấy có lẽ cần tìm lại và tò mò với chính ký ức tuổi thơ.

Thời gian chờ tết- Ảnh 3.

Phiên chợ quê ngày tết luôn đong đầy thương nhớ với người xa xứ

Ảnh: Đan Hạ

Hơn ba mươi năm, tôi bôn ba phương trời khác, lang bạt qua những vùng đất khác, đặt chân đến nhiều chợ khác, cũng vì mục đích mưu sinh như bao tha nhân thế gian này. Nhưng trong lòng tôi vẫn chưa bao giờ từ bỏ cảm giác cần được quay về cố hương những ngày cuối tháng chạp. Thử hình dung giao mùa tháng chạp giáp tết, khi tiết trời se lạnh, nắng vàng hanh hao không gian vùng quê, được nghe giọng nói, tiếng cười của người lâu ngày đi xa về, lời mời tham gia bữa tiệc tất niên, đưa ông Táo về trời, hay buổi sáng ngồi bên nhau cùng tách cà phê sau bao ngày xa cách..., được quyền bỏ lại phía sau tất bật toan tính, nỗi lo, sự sợ hãi vô hình, mới cảm nhận đủ đầy "đã đời", "thật đáng sống" hơn bao giờ!

Nhu cầu thế gian luôn cần đón tết ấm cúng, thiêng liêng, đầy tình thân, hạnh phúc, sẻ chia. Các thế hệ đi qua tuổi trẻ thanh xuân U.50 như chúng tôi hiện nay cần thêm nhu cầu hoài niệm, ký ức. Đã qua hai phần ba đời người, tôi vẫn mãi thích cảm giác ngày cuối tháng chạp trên chuyến xe quay lại cố hương đón tết cùng gia đình. Khi xe chạy ngang chợ phiên, tôi thường mở cửa kính, cho xe chạy chậm lại, và có khi tôi dừng xe bước vào khu chợ. Tôi vẫn đang còn là cậu bé mười tuổi những ngày tháng chạp hay ngồi một mình nơi ngạch cửa, lắng nghe câu chuyện của các mẹ, các cô, các dì, các chị, để tận hưởng tết đến xuân về đang tràn qua căn nhà nhỏ góc chợ quê bình yên, nhiều yêu thương!

Gặp gỡ cuối năm: Đôi vợ chồng 20 năm xa quê, bán hủ tiếu gõ hết lòng vì con

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.