Sau khi FED cắt giảm lãi suất

02/11/2008 23:08 GMT+7

Sau động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), đồng USD, giá dầu, giá vàng sẽ biến động ra sao ?

Có một điều khá lạ lùng là tại nước Mỹ - nơi khởi đầu và là trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính hàng trăm năm mới có một lần, đồng USD lại lên giá so với các đồng tiền mạnh như euro, bảng Anh và khá nhiều đồng tiền khác trên thế giới. Lạm phát ở Mỹ cũng rất thấp, mặc dù lãi suất cơ bản giảm lớn và liên tục. Vòng xoáy của khủng hoảng gần như lại mạnh hơn ở một số nước châu u, châu Á; ngay cả ở những nước cho rằng sẽ ít bị ảnh hưởng, nhưng thiệt hại cũng rất lớn và chính phủ hoặc ngân hàng trung ương phải bỏ ra một lượng tiền khổng lồ để giải cứu. Ở một số nước, chỉ sau một tuần người dân gần như đã mất tới trên dưới 30% giá trị tài sản nếu tính bằng USD. 

Điều đó đã được lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân là do chính ngân hàng nhiều nước đã đầu tư lớn vào thị trường nhà đất, vào các ngân hàng Mỹ (nhiều khi không kém người dân và các ngân hàng của nước Mỹ). Có nguyên nhân do thị phần giao thương, thanh toán quốc tế của  đồng USD tuy đã giảm so với trước kia, nhưng vẫn còn tới trên 60%. Thị phần đồng USD trong cơ cấu dự trữ ngoại hối của các nước trên thế giới cũng rất lớn (ước tính lên tới 6 nghìn tỉ USD). Khi lượng tiền khổng lồ này được đưa ra/đưa vào thì giá gì cũng phải tăng/giảm, nhất là vừa qua lại được tập trung vào mua trái phiếu chính phủ Mỹ để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân mà lâu nay ít người nói đến, đó là chỉ có nước Mỹ in được USD; lạm phát của thế giới thời gian qua có một phần do Mỹ in tiền ra bù đắp bội chi ngân sách, in tiền ra chi tiêu và chuyển lạm phát cho các nước khác. Có nguyên nhân do nước Mỹ muốn nhập khẩu hàng hóa rẻ của thế giới, nhất là ở các nước ở Đông Nam Á -  nơi mà đồng USD có sức mua lớn gấp nhiều lần tại nước Mỹ.

Mới đây FED cắt giảm lãi suất cơ bản từ 1,5% xuống 1% - mức lãi suất thấp nhất trong lần giảm liên tục cách đây mấy năm mà nhiều người cho rằng là một trong những yếu tố tạo ra “bong bóng” nhà đất và cho vay dưới chuẩn ở Mỹ. Điều đó chứng tỏ nền kinh tế Mỹ tiếp tục có vấn đề, nguy cơ suy thoái kinh tế là rõ rệt; nước Mỹ tiếp tục ưu tiên cho mục tiêu chống nguy cơ suy thoái, bất chấp việc tăng chi ngân sách hỗ trợ thị trường tài chính và việc hạ lãi suất như vậy sẽ làm cho lạm phát gia tăng. Lạm phát tăng là xét về mặt lý thuyết (bội chi lớn thì hoặc là vay nợ, hoặc là in tiền ra để bù đắp; lãi suất thấp thì tiền ra nhiều sẽ tạo áp lực lạm phát); trên thực tế, có thể quy trình “chuyển khủng hoảng, chuyển lạm phát ra nước ngoài” lặp lại.

Vì vậy, sau động thái cắt giảm lãi suất của FED, đồng USD sẽ quay lại xuống giá so với các đồng tiền khác (hoặc ít nhất cũng làm cho các đồng tiền khác không bị xuống giá so với USD như thời gian gần đây). Nếu cách đây một vài tuần đã có ý kiến đề cập đến việc USD tăng giá so với các đồng tiền trên thế giới, thì VND cũng khó tránh khỏi bị mất giá so với USD nhiều hơn (có thể còn do các nguyên nhân khác nữa, như nguồn USD vào Việt Nam tăng chậm lại, thậm chí có nguồn còn bị giảm, xuất khẩu có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu USD phục vụ nhập khẩu lại tăng lên...), thì sau động thái cắt giảm lãi suất của FED, áp lực của yếu tố tăng giá USD sẽ không còn lớn như trước. 

Điều đó cũng cảnh báo việc lao vào mua USD sau động thái cắt giảm lãi suất của FED sẽ là trái chiều, lợi chẳng thấy đâu thậm chí còn bị thua thiệt. Khi USD bị giảm giá thì giá dầu, giá vàng tính bằng USD có thể không còn xuống thấp nữa, thậm chí sẽ tăng lên (tất nhiên vẫn có lúc tăng, lúc giảm do có yếu tố đầu cơ lớn trên thị trường thế giới). Khi USD xuống giá, xuất khẩu sẽ ít bị tác động hơn như dự đoán gần đây theo hai nghĩa. Một mặt, giá xuất khẩu tính bằng USD sẽ cao lên. Mặt khác, do cắt giảm lãi suất, kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái, thì nhu cầu nhập khẩu hàng của thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ ít bị sụt giảm, thậm chí còn tăng lên.

Ngọc Minh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.