Cái bóng Iran ở vùng Vịnh

05/11/2011 23:37 GMT+7

Mỹ đang rất lo lắng trước ảnh hưởng đang ngày càng lớn của Iran tại Iraq nhất là khi nước này đang chuẩn bị rút hết quân vào ngày 31.12.

Báo mạng The Huffington Post vừa đăng bài bình luận mới nhất của Haggai Carmon, chuyên gia quan hệ quốc tế và có nhiều năm làm việc tại Trung Đông, về tương lai Iraq sau khi Mỹ rút quân. Theo ông Carmon, có thể tạm chia cục diện chính trị, an ninh ở Iraq trong tương lai thành 3 khu vực. Đầu tiên là khu vực phía nam tập trung phần đông người Hồi giáo Shiite, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Iran. Người Kurd chiếm hầu hết phía bắc có thể đẩy mạnh đấu tranh để thành lập quốc gia riêng. Phần cuối cùng của Iraq là khu vực xung quanh thủ đô Baghdad, nơi đa số dân chúng theo Hồi giáo Sunni.

Hai khu vực phía bắc và nam là những mảnh đất màu mỡ với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Ngược lại, khu vực xung quanh Baghdad của người Sunni lại chẳng có tài nguyên gì trong khi phải nuôi 10 triệu miệng ăn. Theo kịch bản trên, Iran có lợi nhất khi dễ dàng chi phối khu vực phía nam Iraq rộng lớn, nhiều dầu mỏ mà không gặp phải khó khăn đáng kể, đồng thời đang ra sức phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế người Kurd ở phía bắc Iraq.

Chuyên gia uy tín về Trung Đông Alireza Jafarzadeh cũng bình luận trên The Huffington Post rằng Mỹ rút quân khỏi Iraq là mở cửa cho Iran vào nước này. Minh họa cho nhận định trên, ông Jafarzadeh dẫn lời của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad nói Tehran sẽ lấp đầy khoảng trống quyền lực ở Iraq thời hậu Mỹ. Ông Ahmadinejad cũng khẳng định ảnh hưởng của Tehran đối với nước láng giềng: “Chúng tôi có quan hệ rất tốt với cả chính phủ lẫn quốc hội Iraq”.

Dằn mặt tướng Mỹ

Từ lâu, Iran đã không ngần ngại thể hiện cho Mỹ thấy ảnh hưởng của mình tại Iraq. Theo The Guardian, đương kim Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus từng bị “dằn mặt” bởi thiếu tướng Qassem Suleimani, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm Quds khét tiếng của Iran. Năm 2008, khi đang là Tổng tư lệnh lực lượng đa quốc gia tại Iraq, tướng Petraeus được giới lãnh đạo cấp cao của nước này chuyển một tin nhắn điện thoại di động được cho là do ông Suleimani gửi. Nội dung tin nhắn như sau: “Tướng Petraeus, ông nên biết rằng tôi, Qassem Suleimani, là người điều khiển chính sách của Iran đối với Iraq, Li Băng, Dải Gaza và Afghanistan”. Tin nhắn còn nói thẳng: “Đại sứ Iran tại Baghdad là thành viên của Quds và bất cứ ai thay thế ông ấy đều thuộc Quds”.

Các chuyên gia cho rằng tướng Suleimani không hề phóng đại về quyền lực và tầm ảnh hưởng của ông. Thông qua các nhà lập pháp Iraq, vốn đa số là tín đồ Hồi giáo Shiite, Suleimani gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên nội bộ Iraq và thường xuyên gặp gỡ giới lãnh đạo nước này. Năm 2006, vị tướng này từng vào vùng Xanh, khu vực thuộc Baghdad được Mỹ canh phòng cẩn mật nhất, mà không cần đem theo vệ sĩ. Thậm chí Mỹ chỉ biết chuyện này sau khi ông đã đi khỏi, theo The Guardian. Mowaffak al-Rubaie, cựu Bộ trưởng An ninh quốc gia Iraq, nhận xét tướng Suleimani “là người quyền lực nhất Iraq” và can dự vào mọi vấn đề của nước này. Ngoài ra, ông Suleimani còn có ảnh hưởng lớn đối với nhiều nước trong khu vực, chẳng hạn như Syria.

Tướng Suleimani trong nhiều năm qua đã từng bước giành được quyền lực rất lớn ở Iran và là người quyết định đường hướng ngoại giao của nước này đối với Iraq. Reuters dẫn lời Karim Sadjadpour, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Washington, cũng nói: “Qassem Suleimani là nhân vật quyền lực số 2 tại Iran, chỉ sau Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei và thậm chí hơn cả Tổng thống Mahmoud Amedinejad”. Theo đó, Đại giáo chủ Khamenei và ông Suleimani có thể đã trực tiếp cho phép thực hiện các kế hoạch mà Tổng thống Ahmadinejad không hề biết.

Ngoài ra, Reuters dẫn lời 3 quan chức giấu tên của Mỹ nhận định Washington đang lo ngại việc lực lượng Quds, do ông Suleimani lãnh đạo, đang đẩy mạnh hoạt động trên khắp thế giới. Quds là đơn vị “hạt nhân” của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, chuyên hỗ trợ các phong trào cách mạng Hồi giáo trên thế giới, đặc biệt tại Iraq. Hồi tháng trước, lực lượng này cũng bị Mỹ cáo buộc đứng sau âm mưu ám sát Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Washington. 

Gọng kìm của Washington

Tất nhiên, Washington không im lặng nhìn Tehran diễu võ dương oai. Ngoại trưởng Hillary Clinton cảnh báo Iran đừng nghĩ rằng Mỹ sẽ không còn ảnh hưởng sau khi rút quân khỏi Iraq. Trả lời phỏng vấn của CNN, bà Clinton cho biết Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở những nơi lân cận thay cho các căn cứ tại Iraq.

Ngoại trưởng Mỹ nói: “Chúng tôi có đồng minh NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng với nhiều sự hiện diện trong khu vực. Các nước, đặc biệt là Iran, đừng nên tính toán sai lầm về cam kết của chúng tôi trong việc đưa Iraq tiến về phía trước”. AFP cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cảnh báo Iran không nên can thiệp vào Iraq sau khi lính Mỹ rời khỏi đây và nhấn mạnh rằng nước này sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh tại Trung Đông.

 
Các nước mà Mỹ muốn hình thành “cấu trúc an ninh” - Đồ họa: Du Sơn

Theo tờ The New York Times, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang lên kế hoạch phân bổ lại sức mạnh ở vùng Vịnh, nhằm tạo ra một thế trận kiềm chế Iran. Mỹ đang có 40.000 quân trong khu vực, bao gồm 23.000 binh sĩ đang đồn trú tại Kuwait. Trong quá khứ, khoảng thời gian giữa 2 cuộc chiến tranh Iraq năm 1991 và 2003, Mỹ đã đồn trú tại Kuwait từ 1 tiểu đoàn đến 1 lữ đoàn chiến đấu, đồng thời thiết lập 1 kho vũ khí khổng lồ tại nước này, đủ sức vũ trang cho một lực lượng lớn.

Sắp khi rút quân khỏi Iraq, Lầu Năm Góc dự định sẽ bổ sung thêm các lực lượng tại Kuwait và điều thêm một số tàu chiến đến nước này để phòng ngừa chính quyền Iraq mất khả năng kiểm soát hoặc Mỹ xung đột vũ trang với Iran.

Ngoài ra, Mỹ sẽ nỗ lực mở rộng quan hệ quân sự với 6 thành viên của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh là Ả Rập Xê Út, Kuwait, Bahrain, Qatar, UAE và Oman. Sẵn có mối quan hệ quân sự song phương chặt chẽ với các nước này, Mỹ muốn xây dựng một “cấu trúc an ninh” mới gồm không quân, hải quân và hệ thống phòng thủ tên lửa ở vùng Vịnh.   

Các kịch bản tấn công Iran

Mấy ngày qua rộ lên nhiều đồn đoán rằng Mỹ và Israel đang lên kế hoạch tấn công Iran với sự hỗ trợ của Anh, theo tờ The Guardian ngày 3.11. Tờ báo dẫn lời các chuyên gia đánh giá Iran đang ở trong tình trạng giống Iraq vào năm 2003. Mỹ có thể sử dụng báo cáo về vấn đề hạt nhân Iran do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đưa ra vào tuần tới, làm căn cứ “trừng phạt” nước CH Hồi giáo.

Giới chuyên gia nhận định nếu thật sự có chuyện tấn công thì Mỹ sẽ sử dụng không quân làm chủ đạo để phá hủy các cơ sở hạt nhân bí mật của Iran. Kịch bản tấn công quen thuộc nhất sẽ là phong tỏa bầu trời Iran và bắn phá nước này bằng tên lửa cùng máy bay không người lái. Bên cạnh đó, Washington cũng có thể sử dụng các lực lượng đặc nhiệm để thực thi những sứ mệnh trên bộ, nhưng biện pháp này chỉ được sử dụng một cách hạn chế. Giới quan sát cũng cho rằng sẽ không có chiến tranh tổng lực vì đó sẽ là một quyết định liều lĩnh của Mỹ.

Tuy nhiên, khả năng Mỹ tấn công Iran không cao bằng hành động gây chiến bắt nguồn từ Israel. Ngày 4.11, CNN dẫn nguồn tin từ quan chức quân sự cấp cao giấu tên của Mỹ nói nước này đang lo ngại Israel sẽ ra tay. Quân đội và tình báo Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các động thái của cả Israel lẫn Iran. Cũng đang có nhiều tin đồn rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barack đang cố thuyết phục nội các đồng ý phương thức tấn công phủ đầu. Theo giới quan sát, Israel có thể sử dụng máy bay chiến đấu và tên lửa đạn đạo Jericho để tấn công Iran. Tuy nhiên, việc sử dụng máy bay bị đánh giá là rất mạo hiểm vì lưới phòng không của Iran rất mạnh.

Đáp lại, Tehran tuyên bố đã sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ mọi hành động gây hấn, đồng thời cảnh báo Washington và Tel Aviv sẽ trả giá đắt nếu manh động. Cũng có ý kiến cho rằng những thông tin về kế hoạch tấn công có thể là “đòn gió” của Israel nhằm chuyển hướng dư luận khỏi những khó khăn trong đối ngoại lẫn đối nội của nước này hiện nay. 

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.